CHUYỂN ĐỔI SỐ
Giảm nghèo thông tin gắn với chuyển đổi số
Trong rất nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, chuyển đổi số (CĐS) được đánh giá là công cụ hiệu quả, đóng vai trò then chốt trong việc làm thay đổi nhận thức tới từng người dân. Tỉnh đã và đang quan tâm đầu tư, nâng cấp hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin (CNTT), nhất là tại các khu vực nông thôn và vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Cán bộ Hội LHPN Phường 2 (TP. Bạc Liêu) hướng dẫn người dân sử dụng điện thoại thông minh để khởi nghiệp.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ cập kỹ năng số
Thiếu hụt thông tin là một trong những chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản trong bộ tiêu chí nghèo đa chiều. Để “tăng giàu” về thông tin cho người dân, UBND tỉnh ban hành kế hoạch giai đoạn và hằng năm về thực hiện Tiểu dự án giảm nghèo về thông tin. Trong đó tập trung nâng cao năng lực cho cán bộ thông tin và truyền thông; sản xuất các tác phẩm báo chí và sản phẩm truyền thông khác để cung cấp thông tin thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân. Qua đó, nhằm giúp người dân được tiếp cận, nắm bắt nhiều thông tin, kiến thức hữu ích, góp phần nâng cao dân trí, hướng đến thoát nghèo bền vững, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức như: xây dựng chuyên mục trên các phương tiện thông tin truyền thông, tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử, website của tỉnh và các ngành, địa phương, hệ thống truyền thanh cơ sở, cấp phát tờ rơi.
Bám sát các chỉ đạo từ Trung ương và tỉnh, huyện Phước Long được đánh giá là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác CĐS trên mọi mặt của đời sống xã hội, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, đa dạng các hình thức tuyên truyền, huyện Phước Long còn quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng dịch vụ viễn thông và hỗ trợ phương tiện tiếp cận thông tin cho người nghèo gắn với thực hiện các nhiệm vụ CĐS đẩy mạnh công tác giảm nghèo thông tin.
Theo đó, huyện đã đầu tư, nâng cấp hệ thống Đài truyền thanh và Trạm truyền thanh ở các xã, thị trấn trên địa bàn, giúp người dân địa phương được tiếp cận, nắm bắt thông tin, có được kiến thức hữu ích, góp phần nâng cao dân trí, hướng đến thoát nghèo bền vững. Hiện tại, huyện có 78/78 ấp lắp đặt hệ thống loa truyền thanh; 100% các xã, thị trấn trong huyện đã có cáp quang; 100% số trường học, bệnh viện, trạm y tế trong huyện có kết nối Internet băng rộng; tỷ lệ dân số được phủ sóng di động (3G, 4G) đạt 100% và có hơn 90% dân số của huyện sử dụng thiết bị viễn thông thông minh…
Bên cạnh đó, 87 tổ công nghệ số cộng đồng với tổng số 628 thành viên, trên địa bàn huyện tích cực hỗ trợ, hướng dẫn người dân nói chung và hộ nghèo nói riêng cách sử dụng các dịch vụ viễn thông, Internet để tìm kiếm thông tin, cập nhật kiến thức. Nhờ vậy, mọi thông tin cần thông báo, tuyên truyền đến người dân đều được truyền tải nhanh chóng và hiệu quả.
Nhờ CĐS, được tiếp cận thông tin phong phú đa dạng, người dân, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Phước Long ngày một nâng cao về nhận thức, thấy được lợi ích của các chính sách, dự án đầu tư. Từ đó người dân đã thay đổi được cách nghĩ và các cách làm theo kiểu truyền thống kém hiệu quả, thay vào đó là áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, chủ động vươn lên thoát nghèo, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại.
Nhà mạng MobiFone hỗ trợ người dân nâng cấp lên mạng 4G và hỗ trợ người dân mua điện thoại thông minh giá rẻ. Ảnh: T.Q
Đầu tư hạ tầng, thúc đẩy CĐS trong giảm nghèo về thông tin
Đến nay, toàn tỉnh có 100% xã có hạ tầng thông tin di động phủ sóng với 1.215 vị trí trạm BTS, đảm bảo nhu cầu thông tin liên lạc của người dân; 100% xã, phường, thị trấn đã có cáp quang tới trung tâm xã và sẵn sàng cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng rộng; 100% số trường học, bệnh viện trong tỉnh có kết nối Internet băng rộng; 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã kết nối mạng nội bộ và Internet; sóng di động 3G, 4G đã phủ 100% diện tích và dân số trong tỉnh. Tổng số thuê bao cố định là 147.726, thuê bao di động là 524.890; tổng số thuê bao điện thoại cố định là 831.624, thuê bao điện thoại di động là 137.756; tỷ lệ hộ gia đình có truy nhập Internet băng rộng cáp quang gần 70%; tỷ lệ người trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh gần 80%. Hiện trên địa bàn TP. Bạc Liêu, các đơn vị doanh nghiệp đã triển khai thí điểm 25 trạm phát sóng 5G.
Không chỉ đầu tư hạ tầng CNTT, tỉnh còn tập trung hướng dẫn, phổ cập kỹ năng số để xây dựng công dân số. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 100% tổ công nghệ số cộng đồng với hơn 4.177 thành viên tích cực hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công, tham gia thực hiện CĐS trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Thực hiện ứng dụng công nghệ số đã giúp người dân giảm chi phí, thời gian đi lại trong thực hiện thủ tục hành chính nhanh, nhất là nâng cao được tính chủ động, khắc phục tình trạng thiếu hụt thông tin ở các hộ nghèo, cận nghèo để người dân nâng cao ý thức, chủ động tìm hiểu thông tin chính xác để thực hiện các giải pháp thoát nghèo hiệu quả cho gia đình.
Các trang thông tin điện tử; phương tiện thông tin đại chúng, nhóm Zalo cộng đồng cũng phát huy hiệu quả tích cực trong truyền thông chính sách giảm nghèo, mô hình sản xuất hiệu quả, những tấm gương vượt khó thoát nghèo. Qua đó giúp người dân, nhất là người nghèo chủ động hơn trong việc tiếp cận chính sách, tìm kiếm các nguồn hỗ trợ cũng như học hỏi kinh nghiệm, giải pháp thoát nghèo, từng bước hòa nhịp CĐS quốc gia.
Với sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc thực hiện chỉ tiêu “thiếu hụt về thông tin” trong giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần giảm nghèo hiệu quả. Theo kết quả rà soát đến đầu năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của Bạc Liêu giảm còn 1,7%. Tỉnh phấn đấu giảm còn 1% vào cuối năm 2024.
CĐS đang đi sâu vào cuộc sống và tạo ra những cơ hội mới cho người dân. Việc hỗ trợ người dân, nhất là các hộ nghèo sử dụng Internet sẽ giúp họ chủ động hơn trong tiếp cận chính sách, học hỏi kinh nghiệm để vươn lên thoát nghèo bền vững. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo về thông tin, cùng với làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền, tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ người nghèo sử dụng dịch vụ viễn thông, Internet, ứng dụng CNTT. Từ đó góp phần thúc đẩy CĐS được lan tỏa rộng khắp và tạo ra nhiều đột phá mới trong công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.
Minh Luân
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri TP. Bạc Liêu
- 2 tháng cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo vệ tết Nguyên đán Ất Tỵ
- Những quy định mới về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
- Hiệu quả liên kết hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL
- Chế độ, chính sách đối với các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh