Cà Mau - Bạc Liêu: Cháy mãi ngọn lửa báo chí cách mạng

Thứ Sáu, 23/05/2025 | 16:05

>>> Bài 1: Vùng đất “địa linh” với báo chí cách mạng

Bài 2: Những nhà báo khắc sâu dấu ấn

Trong dòng chảy lịch sử báo chí cách mạng tại tỉnh Minh Hải, hai tên tuổi Nguyễn Hải Tùng và Phạm Văn Tri luôn được nhắc đến với sự kính trọng và ngưỡng mộ. Với ngòi bút sắc bén, tâm huyết và bản lĩnh kiên cường, họ không chỉ ghi lại những trang sử hào hùng của vùng đất cực Nam Tổ quốc mà còn trở thành biểu tượng của tinh thần làm báo vì sự thật và công lý.

Ông Nguyễn Hải Tùng (đứng thứ ba, từ trái sang) - Ủy viên Ban Tuyên văn giáo tỉnh, chụp ảnh lưu niệm với cán bộ và biên tập viên Báo Cà Mau tại ngọn rạch Bù Mắt, Năm Căn. Ảnh: NSNA Võ An Khánh

“Sống vì lẽ phải và tình thương”

Quê gốc ở tỉnh Bến Tre, nhà báo Nguyễn Hải Tùng (1933 - 2012) lại gắn bó và dành trọn cuộc đời mình cho vùng đất Cà Mau. Ông còn được biết đến với cái tên thân thương Út Nghệ.

Cuộc đời và sự nghiệp của ông là một hành trình đa dạng, tuy nhiên, di sản lớn nhất mà Nguyễn Hải Tùng để lại chính là hàng trăm bài báo với “ngòi bút sắc bén, trái tim nhân ái”. Những bài viết của ông thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến đời sống và con người, đặc biệt là những người dân lao động, những số phận gặp hoàn cảnh khó khăn ở vùng đất Bạc Liêu, Cà Mau. Ông không chỉ phản ánh hiện thực xã hội một cách chân thực mà còn lồng ghép vào đó tấm lòng nhân ái, sự đồng cảm sâu sắc. Như nhận xét của nhà báo Trần Thanh Phương - nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết, cũng là người con của đất Minh Hải: “Đối với những người làm báo chúng tôi, ông Nguyễn Hải Tùng viết hàng trăm bài báo, tất cả đều được viết bằng tấm lòng, bằng cái tâm của một người sống vì lẽ phải và tình thương”.

Phong cách viết báo của Nguyễn Hải Tùng rất đặc trưng: chân phương, dễ đọc, dễ nhớ và dễ hiểu. Mặc dù thường là thể loại chính luận phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhưng những bài viết của ông không khô khan mà “được viết bằng cảm xúc trong tim của người nghệ sĩ trải qua chiến tranh, kinh nghiệm từ thực tiễn”. Điều này tạo nên một văn phong gần gũi, trong sáng, dung dị nhưng có hồn, dễ dàng chạm đến trái tim người đọc.

Trong kho tàng báo chí của mình, Nguyễn Hải Tùng đã ghi dấu ấn với nhiều bài viết quan trọng về các sự kiện và nhân vật văn hóa tiêu biểu của địa phương. Ông có những bài viết sâu sắc về nghệ sĩ Cao Văn Lầu - tác giả bản “Dạ cổ hoài lang” bất hủ, hay những đánh giá thấu đáo về nhân vật bác Ba Phi với những câu chuyện dí dỏm, đậm chất Nam Bộ. Đặc biệt, ông còn có những kiến giải thuyết phục về vụ án Đồng Nọc Nạng, một vụ án lịch sử gây chấn động, thể hiện khả năng phân tích và đấu tranh cho công lý. Những bài viết này cho thấy tầm nhìn văn hóa và sự nhạy bén với các vấn đề lịch sử, xã hội của ông.

Nhà báo Nguyễn Hải Tùng là một tấm gương sáng về sự cống hiến cho nghề báo và sự phát triển văn hóa tại vùng đất Cà Mau - Bạc Liêu. Với ngòi bút sắc bén, trái tim nhân ái, cùng những đóng góp tiên phong trong lĩnh vực báo chí và in ấn, ông đã để lại một di sản tinh thần và vật chất đáng trân trọng, sống mãi trong ký ức của đồng nghiệp và người dân nơi đây như một người con ưu tú, một nhà báo lấy lẽ phải và tình thương làm kim chỉ nam.

Ông Phạm Văn Tri (ngồi giữa) tại buổi ghi hình phim tư liệu kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam ở tỉnh Bạc Liêu (tháng 9/2024). Ảnh: C.T

Người truyền “thép” cho ngòi bút cách mạng

Nhà báo Phạm Văn Tri (Bảy Minh) - quyền Tổng Biên tập Báo Minh Hải (1984 - 1990) là một trong những cây đại thụ của nền báo chí cách mạng Tây Nam Bộ. Ông đã có những đóng góp không nhỏ trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ và sau này trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Nhà báo Phạm Văn Tri luôn kiên định với niềm tin vào sự thật, lẽ phải và chân lý. Ông quan niệm rằng tờ báo phải thật sự là diễn đàn của Nhân dân và tiếng nói chính thống của Đảng bộ địa phương. Triết lý làm báo của ông được đúc kết ngắn gọn mà ý nghĩa: “Sự thật - vị thần nghiêm khắc mà giàu lòng nhân ái”. Đó không chỉ là sự cân bằng giữa tính khách quan và tính nhân văn trong báo chí, mà còn là lời nhắc nhở sâu sắc về trách nhiệm và đạo đức của người làm báo. Người làm báo phải dũng cảm, trung thực để phơi bày sự thật, nhưng đồng thời phải có lòng trắc ẩn, biết quan tâm đến con người, coi sự thật là công cụ để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, công bằng và nhân ái hơn.

Dưới sự lãnh đạo của ông, Báo Minh Hải không ngừng cải tiến về nội dung và hình thức theo hướng “đổi mới thông tin - chống tiêu cực”. Khi Chỉ thị 15 của Ban Bí thư và chuyên mục “Những việc cần làm ngay” của tác giả NVL (Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh) xuất hiện trên báo Nhân Dân, Báo Minh Hải được tiếp thêm sức mạnh. Ban Biên tập đã đề ra lộ trình thông tin đa chiều, đa dạng theo xu hướng đổi mới, chống tiêu cực, nhằm làm trong sạch đội ngũ cán bộ, bảo vệ thành quả cách mạng và quyền lợi chính đáng của Nhân dân.

Báo Minh Hải đã phanh phui hàng loạt vụ bê bối trong tỉnh, như: hủ hóa, tham ô ở các công ty lương thực, vật liệu xây dựng, chất đốt; khuất tất ở Ty Thương nghiệp; tiêu cực tại các hợp tác xã nông nghiệp, điển hình là vụ án Lữ Anh Dồi kéo dài gần cả chục năm. Để có được chứng cứ, ông Phạm Văn Tri đã thành lập “tổ công tác đặc biệt”, lên kế hoạch chi tiết, chặt chẽ. Khi cơ quan ngôn luận đứng về phía chính nghĩa, Báo Minh Hải nhận được sự đồng tình và tin tưởng tuyệt đối của dư luận. Tờ báo trở thành nơi tiếp nhận hàng trăm đơn, thư tố cáo, khiếu nại của bà con nghèo, gia đình có công bị ức hiếp. Ông Tri chưa bao giờ bỏ sót hay vô tình với bất cứ trường hợp nào, luôn chỉ đạo bộ phận tiếp bạn đọc để lắng nghe, thẩm tra, đối chiếu nhằm thông tin, phản ánh kịp thời và chính xác.

Đặc biệt trong vụ án Lữ Anh Dồi, khi nhận được lệnh “ngưng” phát hành báo, ông đã dũng cảm chỉ đạo nhà in in trong đêm và phát hành ngay sáng sớm để đảm bảo tờ báo đến tay bạn đọc. Sự kiện này là minh chứng rõ ràng cho bản lĩnh, sự gan góc, dám hy sinh để bảo vệ sự thật của nhà báo Phạm Văn Tri.

Nhà báo Phạm Văn Tri, với bản chất cương trực, khẳng khái, công minh, đã vững vàng đi qua bao bão dông của nghề. Ông luôn tin và dựa vào đường lối đổi mới của Đảng, tin vào sự thật - lẽ phải - chân lý. Cho đến nay, ông vẫn là “trung tâm” để anh em đồng nghiệp gởi gắm niềm tin, sự kính trọng, là người truyền “thép” cho thế hệ sau. Những cống hiến và triết lý làm báo của ông đã trở thành kim chỉ nam cho nhiều thế hệ nhà báo vùng bán đảo Cà Mau, góp phần xây dựng một nền báo chí cách mạng mạnh mẽ và uy tín.

Nguyễn Quốc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.