Cà Mau - Bạc Liêu: Cháy mãi ngọn lửa báo chí cách mạng

Thứ Tư, 21/05/2025 | 16:32

Cà Mau và Bạc Liêu không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp sông nước hữu tình, mà còn là cái nôi sản sinh ra những thế hệ nhà báo tài năng, những con người đã hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp báo chí cách mạng.

Từ những buổi đầu gian khó, giữa bom đạn chiến tranh hay trong cuộc sống hòa bình dựng xây, những ngòi bút nơi đây vẫn miệt mài cống hiến, vượt qua mọi thử thách để mang tin tức, lan tỏa tri thức và giữ vững ngọn lửa nhiệt huyết. Nhiều người con của Cà Mau - Bạc Liêu đã vươn lên, trở thành những tên tuổi lớn, nắm giữ những trọng trách quan trọng tại các cơ quan báo chí cấp tỉnh, Trung ương.

Bài 1: Vùng đất “địa linh” với báo chí cách mạng

Trong dòng chảy 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam, vùng đất nơi cuối trời Tổ quốc đã ghi lên bản đồ báo chí cách mạng Việt Nam những nét son chói lọi. Sự phát triển này có thể lý giải qua một số yếu tố quan trọng: truyền thống văn hóa và cách mạng; môi trường tự nhiên và xã hội đặc biệt; tinh thần ham học hỏi và cầu tiến; những tấm gương nhà báo tiền bối.

Thông tin về nhà báo Phan Ngọc Hiển trong sách Lịch sử báo chí Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu (1930 - 2025) do Tỉnh ủy Bạc Liêu phát hành tháng 5/2025. Ảnh chụp màn hình: N.Q

Cộng hưởng từ nhiều thành tố tích cực

Miền Tây Nam Bộ, bao gồm Cà Mau và Bạc Liêu, vốn có truyền thống yêu thích học hỏi và tìm tòi tri thức. Nơi đây có một môi trường tự nhiên đặc biệt và nền văn hóa đặc sắc, với sự giao thoa giữa các dân tộc và các nhóm văn hóa. Nghệ nhân ưu tú Đỗ Ngọc Ẩn - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VH-NT tỉnh Bạc Liêu tại một hội thảo khoa học dịp 30/4/2025 đã khẳng định: “Văn hóa Bạc Liêu được giao thoa, trao truyền, kết tinh trên một địa bàn rộng lớn hơn tỉnh Bạc Liêu hiện tại. Chính vì thế, từ rất xưa, Bạc Liêu đã được mệnh danh là vùng đất giàu truyền thống văn hóa”. Điều này đã tạo ra nguồn cảm hứng dồi dào cho các nhà báo, giúp họ có những tác phẩm báo chí sắc sảo, phản ánh chân thực cuộc sống và con người nơi đây.

Hai địa phương cũng từng là cái nôi của nhiều phong trào đấu tranh yêu nước, sản sinh ra những con người có tinh thần dũng cảm, kiên cường và ý chí mạnh mẽ. Truyền thống này đã hun đúc nên những nhà báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý thức trách nhiệm cao với xã hội và tinh thần dấn thân vì sự nghiệp báo chí. Những nhà báo xuất thân từ bán đảo Cà Mau thường có tinh thần ham học hỏi và cầu tiến cao. Họ không ngừng nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn, trau dồi kỹ năng nghiệp vụ và cập nhật những xu hướng báo chí mới. Thêm nữa, dù tỉnh Minh Hải (cũ) nằm cách xa các khu vực kinh tế năng động, xã hội phát triển, nhưng các nhà báo từ đây không chỉ hoạt động tại địa phương mà còn kết nối mạnh mẽ với các trung tâm báo chí lớn, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh. Những nhà báo từ miền Tây, trong đó có Bạc Liêu, Cà Mau, khi chuyển lên các cơ quan báo chí Trung ương, thường mang trong mình một tư duy độc lập, sáng tạo và một cái nhìn sâu sắc về đời sống vùng đồng bằng, giúp họ nổi bật và có ảnh hưởng trong lĩnh vực báo chí. Điều này giúp họ có thể cạnh tranh và thành công trong môi trường báo chí chuyên nghiệp ở các thành phố lớn và các cơ quan báo chí Trung ương.

Từ trong 2 cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại, những nhà báo tiền bối giàu lòng yêu nước, có tài năng, có tâm, có tầm như: Phan Ngọc Hiển, Trần Ngọc Hy, Lê Trung Nghĩa, Nguyễn Mai, Lê Vĩnh Hòa, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh... đã tạo ra những tiền đề tốt đẹp cho thế hệ nhà báo nối tiếp. Các giải báo chí mang tên các nhà báo tiền bối cũng góp phần khuyến khích tinh thần làm việc và phát triển của các nhà báo hiện nay.

“Tác phẩm Phan Ngọc Hiển bất khuất”

Phan Ngọc Hiển (1910 - 1941) là một nhà báo, nhà giáo, chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Ông được biết đến nhiều nhất với vai trò lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai (Cà Mau) năm 1940. Đối với sự nghiệp báo chí, Phan Ngọc Hiển tham gia hoạt động báo chí từ năm 1935. Ông làm phóng viên cho tuần báo Tân Tiến, một tờ báo có tòa soạn đặt tại thị xã Sa Đéc, viết nhiều bài báo kêu gọi đấu tranh cho dân trí, thể hiện tinh thần yêu nước và trách nhiệm xã hội. Theo ông, “Báo giới là lòng dân trước Chính phủ, là ngọn đuốc giúp Chính phủ thấy đâu chính, đâu tà, đâu liêm sĩ, đâu ô trược, đâu công bình, đâu bóc lột, đâu bình dân, đâu hiếp dân”.

Ông cũng bày tỏ thái độ trước sự thờ ơ của giới trí thức với thực trạng dân tộc trong một tác phẩm: “Hỡi đàn anh Nam Việt, nếu thái độ của các ngài mãi vậy thì hai mươi mấy triệu dân da vàng này chừng nào mới thoát khỏi vòng nô bộc”.

Học sinh Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển (TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau) vệ sinh tượng thờ thầy giáo, nhà báo, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Ngọc Hiển trong khuôn viên trường. Ảnh: Quách Mến

Nhà báo Phan Ngọc Hiển đã để lại nhiều tác phẩm báo chí có giá trị, thể hiện tinh thần yêu nước và trách nhiệm xã hội sâu sắc. Phần lớn các tác phẩm báo chí của Phan Ngọc Hiển được đăng trên tuần báo Tân Tiến trong giai đoạn 1936 - 1937. Tháng 7/1937, ông được Huyện ủy Cà Mau phân công phụ trách cơ quan báo chí công khai của Đảng ở Cà Mau.

Theo các tư liệu đã được sưu tầm, ông đã để lại khoảng 70 tác phẩm báo chí. Các tác phẩm này bao gồm nhiều thể loại khác nhau, như: xã thuyết - tranh luận, bút chiến; điều tra, phóng sự, bút ký; các thể loại văn học. Năm 1994, hướng đến kỷ niệm 20 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Nhà xuất bản Mũi Cà Mau và Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Minh Hải đã xuất bản quyển sách “Tác phẩm Phan Ngọc Hiển bất khuất”.

Tuyển tập 18 bài viết của Phan Ngọc Hiển là minh chứng cho ngòi bút sắc sảo, đầy nhiệt huyết của một nhà báo cách mạng. Xuyên suốt các tác phẩm, nổi bật lên tư tưởng yêu nước nồng nàn, lòng căm thù giặc sâu sắc, sự trăn trở với đời sống lầm than của người dân lao động, cùng khát vọng phát triển kinh tế, cải cách xã hội, bảo vệ quyền lợi của Nhân dân. Đặc biệt, khi đối diện với quân thù, ngòi bút của Phan Ngọc Hiển không hề run sợ, mà ngược lại, trở nên mạnh mẽ, dũng cảm như chính khí phách của ông trên chiến trường hay trước pháp trường.

Phan Ngọc Hiển đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, song những đóng góp của ông cho sự nghiệp báo chí và cách mạng Việt Nam vẫn còn được ghi nhớ đến ngày nay. Tên ông đã trở thành tên đất, tên trường, tên đường và đặc biệt, TP. Cần Thơ - nơi ông sinh ra và lớn lên đã thành lập giải thưởng báo chí thường niên mang tên Phan Ngọc Hiển cách nay gần 20 năm. Giải thưởng này là sự tri ân của những người làm báo đối với nhà báo, nhà cách mạng tiền bối. Đây cũng là sự ghi nhận những cống hiến của ông đối với nền báo chí cách mạng Việt Nam và là nguồn động viên, khích lệ các nhà báo trẻ tiếp bước con đường mà các nhà báo tiền bối đã chọn.

Nguyễn Quốc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.