Câu chuyện tòa án
Thương con như thế - bằng mười hại con!?
Cả nhà 3 người (cha, mẹ và con gái duy nhất) cùng bị khởi tố, truy tố ra tòa với hàng loạt tội trạng: “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan”. Đó là nỗi đau lớn cho gia đình các bị cáo, bởi có tới 3 người thân trong nhà phải vào tù, gánh chịu tiếng xấu là lừa đảo.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử của TAND tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: K.P
Bị cáo Lê Thị My Chi (32 tuổi) là con gái duy nhất của bị cáo Lê Văn Kỷ và Võ Thị Trinh. Trong quá trình làm ăn kinh doanh, cuối năm 2020, Chi bị nhiều người giật hụi và kinh doanh quán nhậu bị thua lỗ. Thế là, Chi bàn với cha mẹ ruột (bị cáo Kỷ, Trinh) đem quyền sử dụng đất của gia đình cầm cố lấy tiền để trả nợ và làm vốn tiếp tục kinh doanh.
Thương con, bị cáo Kỷ và Trinh đồng ý đem Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) do mình đứng tên (địa chỉ ấp Phước Thọ Hậu (xã Phước Long, huyện Phước Long) diện tích 42.418m2 đất nuôi trồng thủy sản) thế chấp để vay của bà L.T.T tổng cộng 800 triệu đồng cho con gái làm ăn và trả nợ.
Để thực hiện hàng loạt hành vi phạm tội, khoảng tháng 2/2022, 3 bị cáo đến gặp bà L.T.T hỏi mượn lại sổ đỏ để đi vay ngân hàng có tiền trả cho bà L.T.T nên bà T. đồng ý cho mượn. Các bị cáo sau đó vay được 800 triệu đồng, nhưng không đem tiền trả cho bà L.T.T mà chia nhau tiêu xài.
Để có sổ đỏ đưa lại cho bà L.T.T, bị cáo Chi lên mạng xã hội tìm kiếm người làm giả sổ đỏ. Bị cáo thỏa thuận với người có nickname tên Mr. Thành, kết bạn Zalo và thỏa thuận làm giả 2 sổ đỏ với giá 10 triệu đồng, 1 giấy do 2 bị cáo Lê Văn Kỷ và Võ Thị Trinh đứng tên và một giấy do Lê Thị My Chi đứng tên. Chi dùng giấy giả cùng 2 bị cáo Trinh và Kỷ đến nhà đưa lại cho bà T. Quá trình vay mượn, 3 bị cáo còn mượn thêm bà T. 490 triệu đồng.
Chưa dừng lại ở đó, các bị cáo còn chuyển nhượng thửa đất trên cho vợ chồng ông V.D.P với giá 2,65 tỷ đồng. Khi phát hiện sổ đỏ thế chấp là giả, bà T. đã làm đơn tố giác, cơ quan chức năng xác định sổ đỏ là giả, bằng phương pháp in phun màu.
Tình thương yêu mà cha mẹ dành cho con gái của 2 bị cáo Kỷ, Trinh không có gì phải bàn cãi. Nhưng tình thương yêu mù quáng đã hại cả nhà 3 người của bị cáo, nhất là khi biết con làm sai đã không can ngăn, mà còn thỏa hiệp với con. Lẽ ra khi biết Chi làm sổ đỏ giả để lừa đảo, các bị cáo Kỷ, Trinh phải ngăn cản, vì 2 bị cáo là chủ tài sản. Nếu không có sự đồng ý của 2 bị cáo, thì bị cáo Chi dù có muốn lừa gạt cũng khó.
Các bị cáo cũng có rất nhiều cơ hội để sửa sai, như khi mượn được sổ đỏ đi vay ngân hàng, đủ số tiền trả cho bị hại nhưng không trả; hoặc khi các bị cáo dùng sổ đỏ thật để chuyển nhượng cho người khác với số tiền hơn 2,6 tỷ đồng, trừ tiền vay ngân hàng vẫn dư sức trả nợ cho bị hại nhưng các bị cáo vẫn lựa chọn dùng vào việc khác hơn là trả nợ. Như vậy, chính lựa chọn không hướng đến sự lương thiện đã đẩy các bị cáo sa chân vào vũng lầy, phải lãnh hậu quả của sự trừng phạt của pháp luật. Đó mới chính là điều đáng để mỗi chúng ta phải suy ngẫm.
KIM PHƯỢNG
- Phiên tòa giả định tuyên truyền chống khai thác IUU
- 100 thí sinh tranh tài tại Chung kết Cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương”
- Trao quà Trung thu cho trẻ em lớp học tình thương
- Dâng hương tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu nhân kỷ niệm 105 năm Ngày ra đời bản Dạ cổ hoài lang
- Biểu dương gần 120 tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc