Câu chuyện tòa án
Nỗi lòng con gái
Giờ tạm giải lao ở tòa trong phiên xét xử hình sự về tội lừa đảo ngày 3/3, bị cáo N.V.T quay xuống tìm con gái và nói: “Mua nước uống cho cha”. Thế là hai cô con gái, một cô vội chạy ra ngoài mua nước lọc, một cô sà đến chỗ cha, lấy theo một cái khăn đưa cho cha lau mồ hôi, rồi ngồi kề bên sờ sờ nắn vai cha, trong lúc bị cáo đang trao đổi với luật sư của mình.
Phiên tòa xét xử bị cáo N.V.T. Ảnh: K.P
Người ta hay nói, con gái thương cha. Nhận xét này có vẻ thiên vị một chút, nhưng qua những gì diễn biến ở phiên tòa hôm đó, tôi mới nhận ra rằng, điều đó không hề sai. Dù người cha ấy đang phải vướng vòng lao lý, phải chịu cảnh tra tay vào còng, bị áp giải đến tòa thì tình yêu của các con dành cho bị cáo vẫn không thay đổi.
Cô con gái lớn của bị cáo ngồi kế tôi trong phiên tòa xét xử cha mình. Cô ấy có vẻ khá căng thẳng, lo lắng. Khi thấy tôi chụp hình phiên xét xử, cô ấy còn chủ động bắt chuyện. Kể về cha - tức bị cáo - người con vẫn dành cho ông ấy những gì thân thương nhất: “Cha em hiền lắm, ở địa phương không ai ghét. Giờ mà nói cha em phạm tội lừa đảo, cả xóm không ai tin”.
Bị cáo N.V.T (sinh năm 1969), ngụ ấp 2, xã Tân Phong, TX. Giá Rai xuất thân trong gia đình nông dân, làm vuông nuôi tôm. Bản thân bị cáo chỉ biết đọc, biết viết nhưng cách nói chuyện, tranh luận với đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố cũng khiến nhiều người giật mình. Bởi nó trôi chảy, mạch lạc và không kém phần dứt khoát. Bị cáo liên tục cho rằng, việc truy tố bị cáo phạm tội lừa đảo là không đúng, xin được xem xét lại.
Vẫn là cô con gái, cô nói, cha em chỉ làm môi giới trong vụ mua bán đất giữa hai bên, bên có đất và người mua, từ mối quan hệ quen biết với cả hai bên. Thế nhưng khi sự việc đổ bể, bên người bán tự nhiên cho rằng, họ không biết mình đi bán đất, họ bị cha em dụ dỗ.
Sự việc “đổ bể” ở đây, theo cáo trạng truy tố, là khi người chủ đất thật sự xuất hiện, cơ quan điều tra vào cuộc. Người bán đất đứng tên hợp pháp trên sổ đỏ trở thành người đứng tên dùm, người mua trở thành bị hại. Oái oăm hơn, người bán lúc này được xác định là không biết việc mình bán đất, đã bị bị cáo N.V.T lừa đảo.
Con gái của bị cáo tiếp tục nói với tôi trong sự bức xúc: “Ông S. là người bán đất. Lúc đó ông ấy có đầy đủ hành vi năng lực nhận thức, ký tên vào giấy chuyển nhượng ở văn phòng công chứng. Thế mà giờ ông ấy nói không biết gì hết. Nếu cha em có tội lừa đảo, sao ông S. vô can được?”.
Vấn đề mà cô con gái của bị cáo băn khoăn, tôi không biết sao để giải thích. Mà giải thích sao được, khi tôi cũng như em, chỉ là người dự khán. Tôi chỉ biết động viên em ấy, hãy bình tĩnh. Tòa án cũng có nguyên tắc xét xử, nếu thấy không đồng ý, gia đình có quyền kháng cáo.
Và đến tận khi viết những dòng này, tôi vẫn còn nhớ mãi hình ảnh bị cáo N.V.T tự nguyện đưa tay vào còng để các đồng chí công an làm nhiệm vụ mà ánh mắt vẫn dõi về phía các con như một lời căn dặn: tiếp tục đồng hành cùng cha trong vụ án này.
Kim Phượng
- Chính phủ tôn vinh, đối thoại Tổ công nghệ số cộng đồng
- Hội thao môn thực hành phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2024
- Xem xét trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có người vi phạm nồng độ cồn
- Tổng kết Năm Dân vận khéo cấp tỉnh tại xã Ninh Quới A và kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng
- Họp mặt các doanh nghiệp nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam