Câu chuyện tòa án
Nỗi đau khi người tâm thần phạm tội
Vụ án giết người vừa được TAND tỉnh đưa ra xét xử vào cuối tháng 8/2024, mà bị cáo được biết đến vào thời điểm phạm tội là một người mắc bệnh tâm thần. Phiên tòa đọng lại rất nhiều điều, nhất là sự ăn năn, hối hận của bị cáo, dù đã muộn màng.
Bị cáo Danh Hải tại phiên tòa xét xử sơ thẩm. Ảnh: K.P
Bị cáo Danh Hải (26 tuổi, ngụ ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) bị TAND tỉnh tuyên phạt 15 năm tù về hành vi Giết người theo quy định tại điểm đ, n khoản 1 Điều 123 của Bộ luật Hình sự.
Theo cáo trạng, khoảng 20 giờ ngày 26/5/2022, bị cáo Danh Hải đang nằm trong mùng ở nhà cùng với cha mẹ và chị gái tại ấp Biển Đông A (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu). Cảm thấy bứt rứt trong người, bị cáo Danh Hải đi ra hút thuốc, liên tục lẩm bẩm một mình, tự dùng tay đấm vào mặt mình nhiều cái, vừa đánh vừa la lớn. Do biết bị cáo Hải bị tâm thần, trong lúc nghe Hải đi lòng vòng trong nhà tìm dụng cụ tự tử, rồi thấy Hải dùng tay tự đánh vô đầu mình nhiều cái, ông D.Ch sợ con tự làm mình bị thương nên mới từ trong mùng chạy đến can ngăn. Không ngờ sự can ngăn của ông vào đúng thời điểm bị cáo phát cơn điên loạn, không còn nhận ra người thân. Bị cáo đã dùng tay đấm mạnh vào mặt khiến cha mình ngã về sau, đầu đập vào tường. Chưa dừng lại ở đó, bị cáo Danh Hải còn tìm cây xẻng đi đến chỗ ông D.Ch, đánh mạnh vào đầu ông Ch. 2 cái khiến đầu nạn nhân chảy nhiều máu. Cả nhà bị cáo sợ hãi đều trốn hết xuống gầm giường.
Một lát sau, khi cơn điên loạn qua đi, chính bị cáo đã cùng mẹ sơ cấp cứu cho ông D.Ch, kêu hàng xóm đến cứu giúp để đưa ông D.Ch đi cấp cứu nhưng nạn nhân đã tử vong. Sau khi gây án, Danh Hải đến Công an xã Vĩnh Trạch Đông đầu thú.
Cái chết của ông D.Ch rất đau lòng, nhất là khi bị con trai đánh đến tử vong. Kết luận giám định pháp y tâm thần theo trưng cầu của Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Tây Nam Bộ vào ngày 22/7/2022 cho thấy, tại thời điểm phạm tội, trạng thái của bị cáo là loạn thần di chứng và khởi phát muộn do sử dụng các chất kích thích; về năng lực, mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Do đó, sau khi bị bắt tạm giam, bị cáo có thời gian được đưa đi chữa bệnh bắt buộc, khi hết bệnh mới đưa ra xét xử.
Bị cáo rất hối hận vì hành vi giết người của mình, nhất là khi người đó là cha ruột của bị cáo. Câu chuyện đau lòng trên có thể đã không xảy ra, nếu như ngay từ đầu, khi gia đình biết bị cáo Danh Hải mắc chứng tâm thần và đưa bị cáo đi điều trị đúng phác đồ ở các trung tâm hoặc bệnh viện tâm thần. Vì giữ một người mắc chứng tâm thần ở nhà, khi không có các điều kiện y tế đảm bảo để chữa trị, quản lý bệnh nhân, là rất nguy hiểm. Nặng nề sẽ như trường hợp của gia đình bị cáo Danh Hải, hoặc cũng có thể có nhiều tình huống hơn như người bệnh sẽ tự làm tổn thương mình bằng việc tự tử, hoặc gây tổn thương cho những người xung quanh, thậm chí là đốt nhà, hủy hoại tài sản của gia đình mình, của người khác.
KIM PHƯỢNG
- Trị bệnh “sợ trách nhiệm” trong quản lý, thực thi công vụ
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
- Những điểm mới của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
- Chính sách hỗ trợ đất đai cho người dân tộc thiểu số
- Chỉ thị chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng và quyết toán ngân sách nhà nước