Câu chuyện tòa án
Mất con... lại bị tù
Trong vụ án mua bán người vừa được TAND tỉnh đưa ra xét xử đầu tháng 10 vừa qua, có 2 người phụ nữ gây chú ý nhiều nhất trong suốt phiên tòa. Họ không phải là những kẻ chủ mưu, cầm đầu của đường dây mua bán người; họ đơn giản chỉ là những người mẹ - mang con mình đi gả chồng nước ngoài.
Bị cáo Thạch Thị Thu Nga sau phiên xét xử. Ảnh: K.K
Nói gả chồng nước ngoài cho sang, kỳ thực là các cô gái được những nhóm chuyên môi giới lấy chồng Trung Quốc đưa sang biên giới bằng các đường tiểu ngạch, sau đó bán cho họ mua về làm vợ hoặc làm “công cụ” sinh con duy trì nòi giống.
Vậy các bà mẹ này vì sao lại trở thành bị cáo? Trong suốt phiên xét xử, có lẽ nước mắt của 2 bị cáo (2 bà mẹ) là rơi nhiều nhất.
Họ có tham không, chắc chắn là có. Tham một ít tiền để xoay xở cho cuộc sống, vì họ nghèo quá. Tham một ước mơ đổi đời cho con họ - vì nghe lời đường mật của những kẻ chuyên dụ dỗ buôn người. Tham những thứ vốn dĩ không thuộc về họ, bởi nếu trình độ hiểu biết tốt hơn, chắc chắn họ sẽ không chọn lựa con đường bấp bênh và phó mặc số phận con mình như thế.
Họ có đáng phải chịu hình phạt tù, chịu sự trừng phạt của pháp luật hay không? Hành vi của họ đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật hình sự, thì họ có chạy đằng trời cũng không thoát tội. Có thỏa thuận với những đối tượng buôn người, có nhận tiền giao dịch từ việc đưa con đi theo những đối tượng môi giới kết hôn là đã không thể thoát tội.
Nhưng sâu thẳm trong thâm tâm, tôi vẫn cho rằng, họ cũng chính là nạn nhân. Nạn nhân của nghèo khó, nạn nhân của sự thiếu hiểu biết. Như trường hợp của bị cáo Thạch Thị Thu Nga, ngày ra tòa thì con gái của bị cáo cũng đã chết trước đó do khoảng thời gian qua Trung Quốc lấy chồng bị bệnh nặng, bị bên đó trả về. Bị cáo còn 2 đứa con gái nhỏ, có 1 đứa chỉ hơn 3 tuổi, lúc tòa nghị án, tranh thủ chạy ra ẵm và dỗ con, bị cáo Nga ngồi bệt xuống hành lang tòa, khóc thút thít. Bị cáo nói: “Bị đề nghị tới 6 năm tù, giờ tui đi tù thì mấy đứa nhỏ này đói chết”.
Câu chuyện gả chồng Trung Quốc của con gái bị cáo Nga, cũng là bị hại trong vụ án là một câu chuyện buồn, ám ảnh. Khoảng cuối tháng 9/2020, bị cáo Phạm Thị Tú đến nhà để vận động, thuyết phục, dụ dỗ bị cáo Nga là mẹ của N.T.N.T sang Trung Quốc lấy chồng giàu. T. lúc này đã 20 tuổi, nghe vậy thì tưởng thật nên đồng ý. Con đồng ý thì bị cáo Nga mới thống nhất giao T. cho bị cáo Tú đưa đến sân bay Tân Sơn Nhất để đưa sang Trung Quốc. Sau khi T. được đưa an toàn sang biên giới, bị cáo Lương Thị Hải và đồng bọn đã bán T. được số tiền 400 triệu đồng. Nhưng kỳ thực, bị cáo Nga chỉ nhận được số tiền 79 triệu đồng, số tiền này để trả nợ, sửa lại mái nhà dột và nuôi em của T. Cuộc sống xứ người khắc nghiệt, T. bị ho ra máu và bị trả về Việt Nam, sau đó chết do bệnh.
Mất con, bản thân bị truy tố, xét xử vì nằm trong đường dây mua bán người; phải hoàn trả lại số tiền bị cho là phạm tội mà có; bị cáo Nga thật sự đáng thương. Nhưng luật vẫn là luật, và những nhà chấp pháp cũng có cái lý của họ. Bởi bị cáo hoàn toàn biết rõ việc đưa con đi không minh bạch, để nhận lại số tiền như thế, không thể là một cuộc cưới gả bình thường. Không có đám cưới, không đăng ký kết hôn, không biết con rể là ai, ở đâu trước khi cho con về nhà chồng…
Kết thúc phiên tòa cũng là lúc nắng trưa bên ngoài phiên tòa gay gắt nhất. 12 giờ trưa. Bị cáo Nga lấy tay quệt vội mấy giọt nước mắt còn sót lại, nhét tờ 500.000 đồng của một vị luật sư vì xót thương hoàn cảnh của mấy đứa nhỏ mà cho nó ăn bánh vào túi; một tay nách đứa nhỏ, một tay dắt đứa lớn, tất tả ra về. Bị cáo chỉ kịp hỏi với theo vị luật sư tốt bụng khi nãy, rằng “tui có thể được giảm án không?”.
KIM TUẤN
- Ra quân cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo vệ tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Chuẩn y Phó Bí thư Huyện ủy Đông Hải
- Tập huấn nghiệp vụ công tác hòa giải ở cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2024
- Quay hình cho các chương trình về văn hóa, ẩm thực Bạc Liêu phát trên Đài Truyền hình Việt Nam
- Bế mạc Kỳ họp thứ 21, HĐND khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026