Câu chuyện tòa án
Lý và tình
Tôi tiếp người đàn ông ấy vào một buổi trưa khi đã sắp hết giờ làm việc ở cơ quan. Ban đầu anh đề nghị được hướng dẫn, tư vấn nhiều vấn đề liên quan đến chuyện kiện thưa tranh chấp. Nhưng khi tiếp xúc, càng đi sâu vào câu chuyện, rối rắm nhất và để lại nhiều nỗi đau nhất không phải chuyện tranh chấp mà là chuyện giữa tình cảm và lý trí.
Hai vợ chồng có cuộc sống nhiều người mơ ước, chồng làm công chức nhà nước, vợ làm công ty bất động sản, họ chỉ có một đứa con. Cuộc sống ngày càng tốt hơn, có nhà có đất, có tài sản chung tài sản riêng. Thế nhưng, không giống như những gì người ta nhìn vào, căn nhà ấy bắt đầu sóng gió khi tiền bạc rủng rỉnh.
Những nghi kỵ, bất đồng liên tiếp xảy ra, vợ chồng bất hòa. Một ngày, người chồng phát hiện giấy tờ nhà đất của mình đã bị tráo đổi, thay vào đó là giấy tờ giả. Càng sốc hơn khi biết, cũng với giấy tờ nhà đất đó, cô vợ đã thực hiện nhiều vụ lừa đảo, chuyển nhượng đất đai cho nhiều người, thu nhiều tỷ đồng và làm việc khuất tất sau lưng mình.
Phiên tòa xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại TAND tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: K.K
Nhiều đêm mất ngủ, phải làm gì để vừa lấy lại được tài sản của cha mẹ để lại, vừa không đến mức cạn tình cạn nghĩa với người vợ. Nếu báo vụ việc ra cơ quan điều tra, vấn đề nhà đất sẽ được giải quyết nhưng chắc chắn chị vợ sẽ đi tù. Những tổn thương mà anh lo lắng nhất chính là ở đứa con, nó sẽ hận anh vì chính anh là người đưa mẹ nó vào tù. Còn ngó lơ, như những gì người vợ năn nỉ, để chị ấy tìm cách trả lại tiền chuộc giấy về, không dính đến pháp luật và có đường nuôi con thì anh lại thấy không khả thi.
Cuối cùng, anh chọn cách phối hợp với cơ quan điều tra, đưa ra ánh sáng việc làm sai trái của vợ. Nhiều người khác cũng có đơn tố cáo. Chị vợ bị bắt tạm giam, sau đó là một vòng quay tố tụng. Vợ chồng cũng đã ly hôn, thêm câu chuyện này coi như không còn gì để nhìn mặt nhau.
Nhiều người quen vẫn không đồng tình với cách làm của anh, họ cho rằng anh ác, cạn nghĩa. Đứa con cũng vậy, nó cho rằng anh là kẻ đã hại mẹ nó vào tù. Nó thậm chí không muốn nhìn mặt cha. Nhưng anh nói, anh không có nhiều lựa chọn giữa bên tình, bên lý.
Ngày ra tòa, người vợ cũ - ở nơi dành cho bị cáo còn người chồng ở hàng ghế dành cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Chưa một lần tôi thấy chị vợ có ý định hay đưa ánh mắt tìm kiếm anh chồng cũ như một chỗ dựa, một người thân. Mỗi khi tòa hỏi những gì liên quan đến anh, bị cáo gọi tên chồng cũ nghe hết sức xa lạ, vô cảm. Sổ đỏ thật đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết trả lại cho anh, nhưng có lẽ, cái cảm giác “không mất mà mất rất nhiều” vẫn cứ hiện hữu ở phiên tòa này.
Cũng ở góc độ “tình và lý”, một câu chuyện khác chốn pháp đình cũng để lại rất nhiều suy nghĩ. Lần nào xét xử, phiên tòa cũng bị tiếng khóc và sự quấy nhiễu của gia đình bị cáo, trong đó có người vợ - cũng chính là bị hại của vụ án tác động. Bị cáo phạm tội Giao cấu với trẻ em vì lúc cưới vợ và có quan hệ tình dục với vợ, người vợ chưa đủ 16 tuổi. Bị cáo còn bị tình tiết tăng nặng là “làm nạn nhân có thai” vì họ còn có một con chung tại thời điểm đó. Nhiều người - không chỉ là người nhà của bị cáo, bị hại đều không thể hiểu được, vì sao câu chuyện đó đã lâu, các bên vẫn chung sống hạnh phúc với nhau, mà bị cáo lại bị truy tố và mang ra xét xử tội Giao cấu với trẻ em. Liệu việc trừng phạt của pháp luật trong trường hợp này có cần thiết hay không?
KIM KIM
- Kiểm tra, thẩm định các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao tại xã Phong Tân
- Hội thảo “Truyền thông về năng lượng tái tạo hướng đến Net Zero” mùa 2 - năm 2024
- Bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý, hộ tịch, chứng thực 2024
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri 2 huyện Hồng Dân và Phước Long
- Họp Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông - Vận tải