Câu chuyện tòa án
Chuyện đôi dép ở tòa
Trong phiên tòa xét xử gần đây, trước giờ nghị án, tôi và nhiều người có mặt hôm ấy đều hướng sự chú ý về… những đôi dép nhựa đã sờn mòn được xếp ngay ngắn trước phòng xét xử của tòa án.
Chuyện đến nhà phải bỏ dép ngoài cửa là một thói quen trong nếp sống văn hóa lâu đời của người vùng quê miền Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, việc làm đó không áp dụng ở các công sở, những nơi cơ quan nhà nước. Do đó, chuyện một ai đó chịu dừng lại, bỏ dép ở cửa cơ quan công quyền, thường khiến nhiều người sống ở nơi thành phố, thị xã có cảm giác lạ lẫm, ngạc nhiên. Bởi thường chỉ có những người dân ở quê mới làm vậy.
Vì ở quê, người ta vẫn quen giữ các nền nếp truyền thống lâu đời. Vì ở quê, họ ít tiếp xúc với các cơ quan công quyền nên luôn có tâm lý e dè. Và quan trọng nhất, việc bỏ đôi dép ấy còn thể hiện sự tôn trọng của họ đối với nơi mà họ phải đặt chân đến.
Trong phiên tòa xét xử bị cáo T. can tội giết người, gia đình của bị cáo có 4 người đến tòa. Bà nội, bà dì, ba, chú ruột - những người luôn thương yêu và lo lắng cho bị cáo. Bà nội của bị cáo đến tòa trong nỗi đau đớn tột cùng, người con trai phải dìu đi. Đi không vững, vậy mà tới cửa phòng xét xử, bà không quên bỏ đôi dép cũ kỹ của mình bên ngoài, khiến người con trai ngập ngừng giây lát cũng làm theo mẹ.
Một người hàng xóm ở gần nhà bà cụ cho biết, bà hiền lành, đức độ lắm, ai cũng yêu quý. Bà nuôi và dạy dỗ thằng T. (bị cáo) từ nhỏ, nên nó cũng hiền lành tử tế. Vì vậy, thoạt nghe T. gây án, không ai tin là sự thật. Bà cụ cũng vì chuyện này mà ăn ngủ không yên…
Không biết bị cáo T. trong những tháng ngày bị tạm giam chờ xét xử có nghĩ đến người bà đã ngoài 70 tuổi vẫn còn hàng đêm cầu mong cho cháu được nhẹ tội, có thương bà vì mình mà hao gầy tấm thân? Hay vẫn mê muội cuốn theo những cơn giận hờn, oán ghét bồng bột để rồi phải trả giá bằng chính tuổi trẻ, sự tự do của mình và cả tuổi già cần người chăm sóc của bà.
Nhìn đôi dép nhựa mòn cũ của bà, mỗi người lại có một cảm giác khác nhau. Có người chợt nhớ đến bà, đến mẹ của mình ở nhà, ở quê suốt đời tảo tần lo cho cháu cho con. Còn tôi, tôi thấy thương bà quá. Lòng chỉ thầm ước mong, bị cáo có thể nhìn thấy, có thể hiểu được nỗi lòng của bà, thật sự hối lỗi, sớm trở về bên bà mà phụng dưỡng cho tuổi già xế bóng một chút niềm an ủi. Chớ để cảnh người đầu bạc phải khóc cho kẻ đầu xanh là chuyện bất hiếu nhất trên đời, không pháp đình nào trừ tòa án lương tâm soi xét. Để rồi đến ngày mãn hạn tù, biết bị cáo có còn may mắn được gặp lại dáng bà với đôi dép nhựa sờn cũ đón mình?
Kim Phượng
- Trị bệnh “sợ trách nhiệm” trong quản lý, thực thi công vụ
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
- Những điểm mới của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
- Chính sách hỗ trợ đất đai cho người dân tộc thiểu số
- Chỉ thị chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng và quyết toán ngân sách nhà nước