Câu chuyện tòa án
Án mạng từ những cơn nóng giận
Trong tháng 4 và 5/2018, TAND tỉnh lên lịch xét xử gần cả chục vụ án giết người, giải quyết hậu của những án mạng năm 2017. Có lẽ chưa bao giờ, người ta cảm thấy băn khoăn nhiều như những phiên tòa xét xử các vụ án giết người gần đây.
Một phiên tòa xét xử bị cáo phạm tội giết người tại TAND tỉnh. Ảnh: K.P
Hầu hết các vụ án xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ, nhưng cái ác lại trỗi dậy khiến cho bao gia đình lâm vào cảnh tang thương, đau lòng. Chỉ cãi nhau đôi ba câu, người thì cũng đã bỏ đi, thế nhưng, kẻ ở lại vẫn còn tức giận, nung nấu quyết tâm sát hại đối phương. Rình rập trước cửa nhà, chờ nạn nhân trở về là xông vào chém đối phương?! Không có lý do gì để giải thích cho những hành động trả thù bởi sự dã man và hèn hạ như thế.
Hầu hết các trường hợp phạm tội giết người khi ra tay đều rất kiên quyết, thậm chí là chờ cho nạn nhân chết mới thôi. Như trường hợp của bị cáo Đ.H.Nh, khi siết cổ nạn nhân lần đầu buông ra, nạn nhân vẫn còn thở thoi thóp. Nếu ở thời điểm này, bị cáo dừng tay, có lẽ hậu quả sẽ không quá nặng nề. Song, vì sợ tù tội, vì căm phẫn bị nạn nhân khinh dễ, coi thường, cái phần con trong người bị cáo bùng phát. Kẻ giết người lần thứ hai tiếp tục “xử lý” cho đến khi nạn nhân ngừng thở mới thôi.
Khi gây án, dường như các đối tượng vào thời điểm đó đã đánh mất hết nhân tính, coi thường tính mạng người khác. Điều đáng nói, phần lớn những đối tượng gây án là người lao động bình thường, chỉ vì mâu thuẫn trong lúc nóng giận, họ tự đánh mất cuộc đời mình, cướp đi mạng sống người khác. Họ còn gây khó khăn cho lực lượng công an trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra tội phạm như che giấu hành vi phạm tội, tẩy xóa dấu vết, bỏ trốn khỏi hiện trường…
Theo thống kê của cơ quan chức năng, hầu hết các vụ án giết người chỉ có hơn 80 vụ (chiếm 6,4%) là án giết người do cướp tài sản. Con số còn lại chiếm 93,6% là các vụ án giết người do nguyên nhân từ những mâu thuẫn xã hội. Trong các vụ án giết người do nguyên nhân xã hội thì giết người do mâu thuẫn thù tức chiếm tới 78,3%. Đó là những mâu thuẫn âm ỉ, kéo dài hoặc bộc phát nhất thời, phát sinh trong sinh hoạt, trong nội bộ nhân dân, trong gia đình lại khá cao. Nhiều vụ án xảy ra vì những va chạm, mâu thuẫn hết sức đơn giản trong sinh hoạt hằng ngày như va chạm giao thông, xích mích trong khi uống rượu bia, xích mích qua lời nói, cử chỉ... nảy sinh suy nghĩ tiêu cực, từ đó dẫn đến hành động nhất thời cực đoan mà hậu quả lại là những án mạng đau lòng. Thậm chí có những trường hợp như chồng giết vợ rồi tự sát nhưng không thành. Vợ chết, chồng vướng vòng tù tội, con cái bơ vơ không nơi nương tựa.
Để làm giảm những án mạng kiểu này, thiết nghĩ các địa phương cần phát huy vai trò nòng cốt trong việc phát hiện, giải quyết những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, trong từng gia đình. Đồng thời huy động sự tham gia rộng rãi, tích cực của các ban ngành, đoàn thể, tổ chức quần chúng tham gia giải quyết mâu thuẫn ở cơ sở, không để mâu thuẫn bùng phát, kéo dài. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nội dung gắn với quyền lợi của người dân trong sinh hoạt đời sống hàng ngày như biện pháp giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong sinh hoạt hằng ngày; giáo dục tình nghĩa vợ chồng, tình làng nghĩa xóm; chủ động phòng tránh những mâu thuẫn phát sinh...
Kim Kim
- Chủ động tiêu úng, bảo vệ mùa vụ
- Tăng cường phòng, chống tác hại thuốc lá trong đoàn viên - thanh niên
- Giải pháp nào cho người hút thuốc thụ động?
- Đấu tranh phản bác những biểu hiện lệch lạc về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Bảo đảm công tác phòng cháy chữa cháy với phương tiện giao thông điện sử dụng pin Li-ion