BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Sự vô ơn và bài học cho người trẻ
Dù đất nước đang ngày chuyển mình lên một tầm vóc mới, vị thế mới, được cả thế giới nể phục; dù niềm tự hào về lịch sử đất nước trong mỗi người dân Việt chưa bao giờ phai nhạt, thế nhưng, đó đây vẫn có những luận điệu chối bỏ, phủ nhận thực tế, cố ý lãng quên lịch sử dân tộc để chạy theo những “chân trời” hư vô một cách mù quáng, đặc biệt là trong giới trẻ.
Sự vô ơn của người trẻ
Trong tuần qua, dư luận cả nước dậy sóng trước phát ngôn gây tranh cãi của nam sinh lớp 12 Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành (tỉnh Yên Bái) - một người từng giành vòng nguyệt quế trong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia. Nam sinh này đã tạo ra làn sóng phản đối mạnh mẽ từ phía cộng đồng sau khi đăng tải một bài viết trên mạng xã hội với nội dung thể hiện thái độ “vô ơn” với đất nước. Trước lễ Quốc khánh, khi người dân cả nước đang cùng chung một cảm xúc tự hào về Tổ quốc thiêng liêng thì nam sinh này “lội ngược dòng” với một bài viết đăng tải trên Facebook cá nhân, trong đó thể hiện quan điểm cá nhân về những điều anh ta cho là “không hoàn toàn sự thật” trong những gì được dạy ở trường. Đồng thời bày tỏ mơ ước sống và làm việc tại nước ngoài, và coi đó là mục tiêu lớn nhất của mình, thay vì cống hiến cho quê hương. Những câu chữ thể hiện sự coi nhẹ giá trị của giáo dục và truyền thống dân tộc đã nhanh chóng lan truyền và gây phẫn nộ trong cộng đồng mạng.
Mặc dù bài viết này đã được tác giả gỡ bỏ sau đó, nhưng nội dung nhạy cảm của bài viết đã bị chụp lại và lan truyền rộng rãi, gây nên làn sóng phẫn nộ từ dư luận. Bởi không ai nghĩ, một học sinh giỏi, được đào tạo tại một trường chất lượng cao được Nhà nước ưu đãi và dành nhiều nguồn lực để chăm sóc lại có thể phát ngôn một cách vô ơn như vậy.
Dư luận không chấp nhận lời xin lỗi của nam sinh Đường lên đỉnh Olympia. Ảnh: Internet
Trên thực tế, bên cạnh những đoàn viên - thanh niên luôn ý thức về vai trò và trách nhiệm với tương lai đất nước, ra sức học tập, lao động để chung tay xây dựng quê hương, góp phần lan tỏa những điều tích cực thì cũng có không ít bạn trẻ luôn có cái nhìn tiêu cực. Lợi dụng mạng xã hội, họ chê bai đủ thứ về hiện thực đất nước qua lăng kính chỉ toàn màu đen, trong đó không ít người biến mình thành kẻ vô ơn với quê hương - nơi họ được sinh ra, được nuôi dưỡng và trưởng thành. Họ ảo vọng về một thế giới “thần tiên” nào đó qua sự nhồi nhét về những tư tưởng lệch lạc của những kẻ phản quốc từ những người lớn không có đạo đức, không có tình yêu Tổ quốc. Và khi tiếp thu những “tư tưởng” đó - chính họ đã biến mình thành kẻ phản quốc tiếp theo!
“Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta”
Tại một trường chất lượng cao khác - trường phổ thông năng khiếu (thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), trong lễ khai giảng năm học mới, PGS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã mong muốn dành để 3 chữ “hơn” để chúc học sinh: (1) Bản thân mình thành công hơn; (2) Cha mẹ, thầy cô mình hạnh phúc và tự hào hơn; (3) Đất nước mình phát triển hơn, trong đó có sự đóng góp quan trọng của các em. Và để đạt được 3 từ “hơn” này, PGS Vũ Hải Quân nhấn mạnh 3 từ “bớt”, đó là: (1) Bớt đố kỵ; (2) Bớt tự mãn; (3) Bớt sử dụng điện thoại. “Ganh đua để trở thành học sinh giỏi nhất lớp, để có được một vị trí trong đội tuyển, điều đó không sai. Nhưng nếu ganh đua thái quá vì những tham vọng cá nhân thì đó là đố kỵ” - ông Quân nói.
Nam sinh nói trên, vì sự tự mãn (bởi cho rằng mình là học sinh giỏi, có nhận thức cao), vì tham vọng cá nhân mà đã biến mình thành kẻ vô ơn, chê bai chính quê hương mình, chê bai chính chế độ đã cho mình có điều kiện học hành tốt nhất. Và cái kết của những kẻ vô ơn thì không bao giờ tốt đẹp, bởi “quê hương mỗi người chỉ một” và “quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”!
Mỗi chúng ta đều nằm lòng câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn”. Đây không chỉ là đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta được trao truyền từ đời này qua đời khác, mà còn là lẽ sống cao cả, là tình cảm ân nghĩa thủy chung, là thái độ ứng xử có trước có sau của một nhân cách văn hóa. Biết trân trọng, ghi nhớ tất cả những gì mà tổ tiên, ông cha đã tốn bao công sức, trí tuệ và cả xương máu để ươm trồng, vun đắp và tạo dựng cơ đồ, sự nghiệp cho con cháu hôm nay và mai sau, chính là việc làm ý nghĩa nhất để góp phần hiện thực hóa đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Lòng biết ơn còn là một giá trị sống, đồng thời là một phương châm ứng xử nhân văn, tinh tế để góp phần làm nên vẻ đẹp nhân cách của con người. Nhờ có lòng biết ơn của thế hệ sau đối với thế hệ trước, của hậu duệ đối với tiền nhân, của con cháu đối với ông bà, cha mẹ mà các thế hệ người Việt Nam đã bồi đắp nên truyền thống văn hóa tri ân “Ăn quả nhớ người trồng cây”.
Đối lập với lòng biết ơn là sự vô ơn. Một con người vô ơn thì khó tìm được hạnh phúc đích thực và lương tâm thanh thản vì trái tim bị thói ích kỷ cá nhân làm cho “rỉ máu”. Vì vậy, trong văn hóa ứng xử của ông cha ta, những kẻ vô ơn bạc nghĩa luôn bị xã hội phê phán với thái độ nghiêm khắc. Khi được người khác đối đãi tử tế nhưng bản thân lại đối xử trở mặt như trở bàn tay là những kẻ ăn mật trả gừng.
Được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, được tận hưởng những ưu đãi của gia đình, đất nước, nhiều bạn trẻ ngày nay lại không được dạy dỗ nhiều về lòng biết ơn. Họ đòi hỏi gia đình, nhà trường, xã hội và đất nước những điều phi lý vì cho rằng đó là điều họ xứng đáng có được mà quên rằng mình chưa cống hiến được gì cho quê hương, đất nước. Họ lấy thái độ tiêu cực, thù ghét của những người xung quanh làm “năng lượng sống” để rồi lúc nào cũng có thái độ tiêu cực với cộng đồng, với xã hội. Đó cũng là lúc họ tự nhấn chìm thanh xuân vốn rất xanh tươi và rực rỡ của mình.
“Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”, mỗi người trẻ hãy luôn tự nhắc nhở mình sống đẹp, sống tốt mỗi ngày để trả ơn quê hương, đất nước, trả nghĩa cha ông. Đó mới chính là thái độ sống đúng đắn nhất. Và sự việc này không chỉ là bài học riêng cho nam sinh kia mà còn là lời nhắc nhở cho toàn xã hội về việc cần thiết phải có sự định hướng, giáo dục thế hệ trẻ về lòng biết ơn, trách nhiệm và sự tôn trọng đối với quê hương, đất nước. Đây cũng là bài học quan trọng cho thế hệ trẻ trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại.
Thanh Lâm
- Trị bệnh “sợ trách nhiệm” trong quản lý, thực thi công vụ
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
- Những điểm mới của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
- Chính sách hỗ trợ đất đai cho người dân tộc thiểu số
- Chỉ thị chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng và quyết toán ngân sách nhà nước