BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Ngăn chặn tiêu cực trong tư tưởng cán bộ, đảng viên và Nhân dân
Khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển, tạo ra sự bùng nổ về công nghệ thông tin với việc ra đời các mạng xã hội (MXH) thì cũng là lúc các thế lực thù địch tăng cường hoạt động chống phá về mặt tư tưởng. Bởi MXH là một thế giới ảo đầy rẫy thông tin hỗn tạp, không được kiểm chứng nhưng lại dễ dàng đánh trúng tâm lý người dùng, khiến không ít người - từ quần chúng nhân dân đến cán bộ, đảng viên đều tin răm rắp và bị dẫn bắt bởi những thông tin tiêu cực này.
Lật tẩy chiêu trò
Công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta đang nóng lên hơn bao giờ hết. Những hành vi tham nhũng, ăn cắp của công bị đưa ra ánh sáng dù đã diễn ra từ nhiều năm trước. Những người cố tình làm sai đã bị trừng phạt theo đúng tội danh mình phạm phải. Nhưng khi cuộc chiến chống tham nhũng để xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin trong Nhân dân về vai trò lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta diễn ra quyết liệt thì các thế lực thù địch, những kẻ hướng ngoại hay chỉ đơn giản là “kẻ cơ hội” tranh thủ kiếm tiền trên MXH lại vẽ ra bao nhiêu câu chuyện bí ẩn đằng sau đó để thu hút lượt xem và thao túng tâm lý họ.
Chiêu trò của các trang MXH đưa thông tin này là cắt ghép các tin trên báo về quyết định khởi tố vụ án, thông cáo báo chí về kết quả phiên họp của Ủy ban Kiểm tra các cấp... rồi sau đó giật tít thật “sốc” như “Ngã ngửa với chiêu trò...”, “Đằng sau..., sự thật là gì?”, “Thì ra vụ... có lý do chính là...”. Tít thật “kêu” nhưng nội dung bên trong hoàn toàn không có gì mới và “sốc” như cách các trang đó quảng cáo, vậy mà nhiều người vì tò mò vẫn bấm vào xem và sau đó thì thật sự “ngã ngửa”. Tuy nhiên, chỉ cần thêm một lượt xem là các clip có nội dung tương tự (vốn đã được dùng thuật toán) sẽ hiện lên đầu tiên khi người dùng truy cập vào trang cá nhân trong các lần sau đó.
Một số trang MXH thì cố tình trích dẫn thiếu hoặc sai nội dung bài phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với ý đồ xuyên tạc. Một số Facebooker, Tiktoker được trả tiền để đưa thông tin và bình luận để dẫn dắt dư luận về một vụ án, vấn đề khiếu nại, khiếu kiện lâu năm, từ đó làm sai lệch bản chất của vụ việc nhằm tạo sức ép với cơ quan chức năng. Và như đã nói, những trang này được các MXH dùng thuật toán để được hiện lên trước tiên khi người dùng MXH lướt xem thông tin nóng. Quy trình cứ lặp đi lặp lại như thế cho đến khi người xem bị “tiêm nhiễm đầu óc” và dần tin tưởng vào những điều bịa đặt kia.
Từ cán bộ đến người dân đều là nạn nhân
Theo thống kê, hiện nay số người dùng MXH ở Việt Nam đã gần 77 triệu người trong đó phần đông sử dụng MXH Facebook. Người dùng thường sử dụng MXH này để chia sẻ những hình ảnh, video, khoảnh khắc trong cuộc sống. Ngoài ra, có khá nhiều người dùng sử dụng MXH Facebook để bán hàng online hay livestream bán hàng. Các ứng dụng mới trên MXH sử dụng thuật toán để đưa những nội dung gây sốc, dễ tạo sự chú ý lên trang đầu, đập vào mắt người xem ngay khi vừa mở ứng dụng. Những người sáng tạo nội dung đã lợi dụng điều này để làm nên những nội dung giật gân, trong đó không ít những nội dung cố tình xuyên tạc, bôi nhọ, đưa thông tin sai sự thật một cách lập lờ, làm cho người đọc hiểu lầm. Đối tượng mà các trang này hướng đến là người dân và cả cán bộ, đảng viên nhằm tạo sự nghi ngờ vào vai trò lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước; gây xói mòn niềm tin dẫn đến phai nhạt lý tưởng, suy thoái về tư tưởng chính trị.
Hệ quả, những người dân ít hiểu biết, không theo dõi những phương tiện truyền thông chính thống chính là những người dễ bị đầu độc nhất. Họ gần như tin hoàn toàn vào những thông tin tiêu cực trên MXH. Tuy nhiên, không chỉ người dân mà ngay cả cán bộ, đảng viên - những người thường xuyên tiếp xúc với thông tin từ MXH cũng dễ bị tiêm nhiễm từ những thông tin xấu, độc này và sau đó dẫn đến những hệ lụy. Có người thì không nhìn thấy sự tích cực từ quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của các cấp, các địa phương mà lại kết luận đó chẳng qua chỉ là “đấu đá nội bộ”, “chiêu trò chính trị”. Có người thì tỏ thái độ chán nản, cho rằng nếu làm nhiều thì sẽ dễ bị sai, dễ bị kỷ luật. Thậm chí có người nhìn đâu cũng thấy tiêu cực, thấy có người “hại mình”, lúc nào cũng e sợ bị “gài bẫy” để rồi lúc nào cũng nghi ngờ tập thể, sống tách mình và chê bai đồng nghiệp, đồng chí dù bản thân họ không nỗ lực cống hiến cho công việc.
Với những biểu hiện đó, có thể nói những cán bộ, đảng viên này đã bị đầu độc bởi thông tin xấu độc, thông tin “gây nhiễu” trên MXH và dần trở nên tiêu cực. Nếu không sớm có sự thay đổi, tư tưởng sẽ diễn biến ngày càng xấu hơn, là mối nguy cho tổ chức đảng và cá nhân cán bộ, đảng viên.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, so với “tham nhũng” thì “tiêu cực” có nghĩa rộng hơn, do đó, phải xác định phạm vi của tiêu cực mà chúng ta cần tập trung phòng, chống là những hành vi có liên quan đến tham nhũng; đó là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tham nhũng là một loại hành vi tiêu cực do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, là loại biểu hiện cụ thể của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tham nhũng và tiêu cực, nhất là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống có mối quan hệ gắn bó mật thiết, chặt chẽ với nhau; nguyên nhân cơ bản, trực tiếp của tham nhũng là do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tiêu cực là môi trường làm nảy sinh tham nhũng; tham nhũng tác động trở lại làm trầm trọng hơn tình trạng tiêu cực.
Vì vậy, để ngăn chặn tiêu cực trong tư tưởng chính trị, phải tăng cường phối hợp, chủ động công khai, kịp thời cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chú trọng thông tin tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt; khắc phục tình trạng thông tin một chiều, thông tin không chính xác, mang tính kích động, gây hoang mang. Bảo vệ, khen thưởng, động viên kịp thời những người làm báo tích cực, dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời kiên quyết vạch trần, phê phán, đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, lợi dụng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để kích động, chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước ta; xử lý nghiêm việc đưa tin sai sự thật, vu cáo, bịa đặt, gây hậu quả xấu. Với cán bộ, đảng viên phải biết tự trang bị “bộ lọc” khi tiếp nhận thông tin trên MXH, không để bị thông tin xấu độc dẫn dắt, tạo nên những tư tưởng tiêu cực để rồi hình thành những hành vi tiêu cực. Để đến khi nhận ra hệ quả xấu thì đã muộn!
Tâm Ngọc
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri TP. Bạc Liêu
- 2 tháng cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo vệ tết Nguyên đán Ất Tỵ
- Những quy định mới về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
- Hiệu quả liên kết hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL
- Chế độ, chính sách đối với các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh