BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Dạy đức tính “liêm”, “chính” trong trường học
Trong bối cảnh Đảng, Nhà nước đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, hoạt động dạy đức tính liêm, chính trong trường học từ mầm non, phổ thông đến các trường đào tạo nghề cần được đặt ra như một giải pháp cấp thiết. Mỗi công dân có đạo đức cá nhân phù hợp với đạo đức xã hội, quy định pháp luật, bao gồm phẩm chất trong sạch, ngay thẳng là tiền đề quan trọng thực hành đạo đức cách mạng, đạo đức công vụ nếu sau này công dân đó đứng trong hàng ngũ của Đảng, trở thành người phục vụ Nhân dân.
Liêm chính là nền tảng xã hội bền vững
Trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay đang đặt ra yêu cầu cấp thiết xây dựng văn hóa liêm chính. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng có các phẩm chất “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, thiếu một trong các đức tính này thì chưa thể trở thành cán bộ, nhà quản lý, người lãnh đạo tốt.
Để tạo nguồn cán bộ lâu dài, có tính chiến lược cho bộ máy Đảng, Nhà nước, đoàn thể, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thì cần tính ngay đến việc giảng dạy tính liêm, chính cho học sinh - sinh viên, học viên. Đó cũng là một giải pháp từ sớm để “Tập trung xây dựng Đảng về đạo đức (…) gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã khẳng định.
Cách nay hơn 10 năm, từ năm học 2013 - 2014, Thủ tướng Chính phủ đã đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục và đào tạo. Đến nay, tất cả cơ sở giáo dục thuộc khối THPT đã được tổ chức giảng dạy nội dung này và trong các học viện, đại học, trường đại học, trường trung cấp sư phạm, công tác giảng dạy cũng đang từng bước đi vào nền nếp theo hướng giáo dục đạo đức và lối sống liêm chính. Như vậy, giáo dục đạo đức liêm, chính mới dừng lại ở nhóm thiếu niên, thanh niên, còn thiếu nhi, tức bậc học mầm non, tiểu học, THCS thì chưa được “phủ sóng”.
Trên lý thuyết lẫn thực tế, dạy liêm chính trong trường học là một vấn đề vô cùng quan trọng. Bởi lẽ liêm, chính là nền tảng cho một xã hội phát triển bền vững, nơi mọi người tin tưởng lẫn nhau. Giúp học sinh hình thành nhân cách tốt đẹp, biết phân biệt đúng sai, biết chịu trách nhiệm với hành vi của mình, như điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng: “Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Và dạy liêm, chính còn giúp giảm thiểu các hành vi gian lận, đạo văn, nói dối trong học tập, nghiên cứu.
Học sinh Trường mầm non Hoa Sen năm học 2023 - 2024 trải nghiệm thực tế tại Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi). Ảnh: N.Q
Một tấm gương sáng sánh ngang ngàn lời giảng giải và trong lịch sử Việt Nam hôm nay và hôm qua, có rất nhiều những công chức, vị quan thanh liêm, tận tụy phục vụ Nhân dân. Đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng,…, hay lùi xa hơn có thể nhắc đến Thái úy Tô Hiến Thành - người “Nghĩa trọng, tài kinh, chí hướng to”, đã từ chối vàng bạc của hoàng hậu để sửa di chiếu cho vua; Lưỡng quốc Trạng nguyên - Mạc Đĩnh Chi từng khước từ nhiều chức vụ cao để giữ mình trong sạch; Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới - Nguyễn Trãi luôn đặt lợi ích của đất nước lên hàng đầu…
Những câu chuyện về các vị quan liêm chính là nguồn cảm hứng cho các thế hệ sau, nhắc nhở liêm chính là một phẩm chất quý báu mà mỗi người cần hướng tới và qua đó khơi gợi ý thức trách nhiệm của mỗi người trong việc xây dựng một xã hội công bằng, văn minh.
…………………........................................................................................................................................................................................................
Tiêu chí liêm, chính
- Về liêm: Trong sạch, không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, không gây phiền hà, sách nhiễu. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
- Về chính: Trung thực, thẳng thắn, khách quan, công tâm, tích cực đấu tranh tự phê bình và phê bình, không giấu khuyết điểm, không nói sai sự thật; thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh.
(trích Kế hoạch 141, ngày 15/8/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu thực hiện Quy định 144 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới)
…………………........................................................................................................................................................................................................
Trung thực, công bằng và trách nhiệm
Dạy liêm chính đã diễn ra từ lâu và ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Riêng ở các nước Đông Nam Á, việc giáo dục về liêm, chính thường được thực hiện thông qua nhiều kênh khác nhau. Đối với giáo dục chính quy, liêm chính được tích hợp vào chương trình giảng dạy từ cấp tiểu học đến đại học. Các môn học như đạo đức, lịch sử, địa lý thường chứa đựng những bài học về sự trung thực, công bằng và trách nhiệm. Nhiều trường đại học có các khóa học chuyên sâu về đạo đức kinh doanh, quản lý công, và các vấn đề xã hội, giúp sinh viên trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để trở thành công dân có trách nhiệm.
Việc giáo dục đức tính liêm, chính cũng có nhiều thách thức do học sinh khó nhận biết được đâu là hành vi thiếu liêm chính. Áp lực thành tích trong ngành Giáo dục hiện nay khiến học sinh dễ có tư tưởng lệch lạc về hành vi thiếu trung thực trong khi hệ thống giáo dục lại thiếu các chương trình giáo dục về liêm chính bài bản. Vì vậy, để giáo dục liêm chính trong cơ sở giáo dục và đào tạo đạt kết quả khả quan, cần phải tăng cường giáo dục về đạo đức, pháp luật ngay từ cấp tiểu học. Xây dựng các chương trình đào tạo giáo viên về phương pháp dạy liêm chính hiệu quả. Tạo ra cộng đồng học tập, nơi mọi người cùng nhau tôn trọng và thực hành liêm chính, đồng thời mạnh dạn ứng dụng công nghệ vào dạy học.
Trong giáo dục về liêm chính, công nghệ đóng vai trò vô cùng quan trọng, mở ra những phương pháp mới, hiệu quả và hấp dẫn hơn. Công nghệ cho phép tạo ra các hình thức truyền thông đa dạng, giúp truyền tải thông điệp về liêm chính một cách sinh động, dễ hiểu và thu hút hơn. Các thư viện số, kho tàng kiến thức trực tuyến cung cấp nguồn tài liệu phong phú về đạo đức, pháp luật, các câu chuyện về người liêm chính, giúp người học dễ dàng tìm kiếm và tham khảo. Công nghệ còn tạo môi trường học tập tương tác, cho phép người học tham gia vào các khóa học về liêm chính từ mọi nơi, mọi lúc, vượt rào cản địa lý, hay tạo ra các trò chơi tương tác giúp người học luyện kỹ năng ra quyết định trong các vấn đề liên quan đến đạo đức, giúp hình thành tư duy phê phán, cá nhân hóa tiến trình học hành…
Đối với nước ta, để tiếp tục đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng thì việc giáo dục liêm chính là vấn đề cấp bách, cần thiết và phải đi trước để hình thành những lớp công dân trách nhiệm, công chức tận tụy sau này.
Nguyễn Quốc
- Trị bệnh “sợ trách nhiệm” trong quản lý, thực thi công vụ
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
- Những điểm mới của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
- Chính sách hỗ trợ đất đai cho người dân tộc thiểu số
- Chỉ thị chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng và quyết toán ngân sách nhà nước