BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Chấn chỉnh căn bệnh lười học nghị quyết
Trong Công văn gửi các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh; các huyện ủy, thị ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc mới đây, Tỉnh ủy đã yêu cầu chấn chỉnh việc tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết, kết luận và văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh. Lười học tập lý luận chính trị, chủ trương, nghị quyết của Đảng cũng được xem là một trong những biểu hiện cụ thể của sự suy thoái tư tưởng chính trị.
Lười học, học không nghiêm túc, học đối phó
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: “Mọi công việc Đảng đều do đảng viên làm. Mọi nghị quyết đều do đảng viên chấp hành, mọi chính sách của Đảng đều do đảng viên mà thấu đến quần chúng...”, vì vậy việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng là trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và “mỗi cán bộ, đảng viên phải có động cơ, thái độ, trách nhiệm học tập đúng đắn, đó là học để làm việc, làm người, làm cán bộ, học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và Nhân dân; Tổ quốc và nhân loại”.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ ra một cách hệ thống những biểu hiện để nhận diện sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, trong đó việc lười học tập lý luận chính trị, chủ trương, nghị quyết của Đảng cũng được xem là một trong những biểu hiện cụ thể của sự suy thoái tư tưởng chính trị. Bởi lười học, trốn tránh hay học tập không nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết của Đảng cho thấy người đảng viên không còn tinh thần trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân. Không ai khác, chính đảng viên là chiếc cầu nối hữu hiệu đưa các chủ trương, sách lược mới của Đảng đến gần với Nhân dân, đưa Nghị quyết của cấp ủy các cấp đi vào đời sống, từ đó góp phần quan trọng trong việc xây dựng và phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp. Khi người đảng viên lười học, học đối phó hay trốn tránh việc học tập, quán triệt Nghị quyết thì cũng sẽ không nắm rõ những quan điểm, nội dung mới mà nghị quyết, chỉ thị, kết luận… của Đảng đề cập, từ đó có thể hiểu chưa hết, thậm chí là hiểu sai đường lối của Đảng. Hệ quả là khi triển khai áp dụng sẽ dẫn đến việc thực hiện sai, không đúng quan điểm của Đảng hay chỉ thực hiện nửa vời do thiếu cơ sở khoa học. Và một khi “chiếc cầu nối” không phát huy tác dụng hay dẫn đường sai thì niềm tin của quần chúng vào tổ chức Đảng cũng giảm dần. Đó cũng chính là bước ngắn dẫn tới tiếp tay cho các thế lực xấu, thù địch chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Cán bộ, công nhân viên chức, lao động ngoài Đảng đang công tác tại các sở, ban, ngành cấp tỉnh tham gia học tập các nghị quyết, kết luận của Trung ương. Ảnh: T.L
Theo đánh giá của Tỉnh ủy, thời gian qua, việc tổ chức hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Trung uơng và các nghị quyết của tỉnh (gọi tắt là văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh) được các cấp ủy đảng trong tỉnh quan tâm thực hiện khá tốt với thành phần tham dự đông đảo, được nhiều cán bộ, đảng viên ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế nhất định; việc quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên tham gia học tập, quán triệt nghị quyết ở một số đơn vị chưa chặt chẽ; ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa cao, chấp hành giờ giấc không nghiêm, còn sử dụng điện thoại trong thời gian hội nghị; ở một số điểm cầu, nhất là cấp huyện, xã còn xảy ra hiện tượng số lượng đông lúc đầu và thưa dần về sau...
Quản lý, giám sát chặt chẽ cán bộ, đảng viên trong học tập lý luận chính trị
Để khắc phục có hiệu quả những tồn tại, hạn chế này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp thực hiện tốt nhiều giải pháp cụ thể. Theo đó, đồng chí Bí thư các huyện ủy, thị ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; Bí thư cấp ủy cấp xã phải chủ trì Hội nghị tại điểm cầu cấp mình (riêng Đảng ủy Quân sự tỉnh do đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy - Chỉ huy trưởng Bộ CHQS chủ trì). Chỉ đạo chặt chẽ việc quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên tham gia các hội nghị học tập, quán triệt văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh tại điểm cầu cấp mình. Các địa phương, cơ quan, đơn vị triệu tập đại biểu tham dự đông đủ, đúng thành phần, bố trí chỗ ngồi cho đại biểu tập trung, tránh hiện tượng ngồi dàn trải trong hội trường.
Duy trì nghiêm túc nền nếp, chế độ thời gian, thành phần tham dự, tránh hiện tượng thiếu vắng đại biểu trong hội trường vào thời gian diễn ra hội nghị, nhất là thời gian cuối giờ; không để hiện tượng cán bộ, đảng viên sử dụng điện thoại khi tham gia hội nghị học tập, quán triệt văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh.
Đây là những chỉ đạo rất cụ thể để các cấp ủy thực hiện nhằm nâng cao chất lượng việc học tập, quán triệt nghị quyết, chỉ thị, kết luận và các văn bản của Trung ương và các cấp ủy. Về lâu dài, các cấp ủy cần chú trọng hơn nữa công tác giáo dục, tuyên truyền để cán bộ, đảng viên nhận thức rõ việc học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận là quyền lợi và trách nhiệm của mình; coi đó là nhu cầu tự thân, việc làm thường xuyên, liên tục, bền bỉ suốt cuộc đời, không bao giờ là đủ. Phải làm cho mọi cán bộ, đảng viên ở các cơ quan, đơn vị nhận thức rõ vai trò quan trọng của lý luận trong nâng cao năng lực, trình độ và phương pháp tư duy, năng lực lãnh đạo, để từ đó xây dựng động cơ, ý thức, trách nhiệm trong học tập lý luận chính trị.
Để góp phần khắc phục bệnh lười học, ngại học lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên thì vai trò của đội ngũ giảng viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên là rất quan trọng. Với phương pháp truyền đạt hấp dẫn, cuốn hút, gắn sát với thực tiễn của báo cáo viên thì những nội dung truyền đạt sẽ được người học tiếp thu và áp dụng một cách hiệu quả.
Ngoài ra, các cấp ủy, tổ chức đảng ở các cơ quan, đơn vị cần tăng cường kiểm tra và quản lý chặt chẽ chất lượng học tập lý luận chính trị, quán triệt triển khai các nghị quyết của Đảng bảo đảm nền nếp, thực chất, hiệu quả thiết thực. Đối với các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên có biểu hiện lơ là, chưa nghiêm túc trong học tập, quán triệt nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy cấp trên cần bị phê bình một cách nghiêm khắc, thẳng thắn và xem đó là cơ sở để đánh giá, xếp loại, phân loại cán bộ, đảng viên hằng năm.
T.L
- Trị bệnh “sợ trách nhiệm” trong quản lý, thực thi công vụ
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
- Những điểm mới của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
- Chính sách hỗ trợ đất đai cho người dân tộc thiểu số
- Chỉ thị chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng và quyết toán ngân sách nhà nước