360 độ học đường

Năm học mới, thăm trường cũ…

Thứ Sáu, 06/09/2019 | 18:28

Khi kết thúc các nghi thức của buổi lễ khai giảng, con gái tôi nài nỉ mẹ cho đi cùng một nhóm bạn về thăm trường tiểu học cũ của con. Con tôi và các bạn năm nay vừa chuyển lên cấp hai. Dù sát cánh bên con từng chút một để đảm bảo sự an toàn, nhưng hôm ấy, tôi đã không thể chối từ điều mong muốn của con: “Con muốn về trường cũ để thăm cô giáo chủ nhiệm”…

Nhóm học sinh Trường THCS Võ Thị Sáu (TP. Bạc Liêu) về Trường tiểu học Phùng Ngọc Liêm thăm cô giáo cũ trong ngày khai giảng. Ảnh: Quế Chi

… Cách đây 5 năm, khi con gái tôi bước vào lớp 1, buổi khai giảng ấy đối với con lẫn với người làm phụ huynh như tôi thật ý nghĩa! Tôi nhớ mãi hình ảnh các bé lớp 1 nhốn nháo đứng thành hàng chờ các anh chị lớp 5 “dẫn” từng hàng một vào sân trường để làm lễ khai giảng. Đó là nghi thức đón học sinh đầu cấp vào mỗi đầu năm học mới ở hầu hết các trường học. Hình như, đây là một trong những nét đẹp văn hóa chốn học đường: những thầy cô, anh chị đi trước luôn đón nhận những đàn em đến sau bước vào ngôi trường mới, bắt đầu năm học mới bằng cả tấm lòng thương yêu, bằng chính sự nâng niu, dìu dắt ân cần như vậy!

Rồi ấn tượng khiến tôi không quên được là cuối buổi lễ khai giảng ở hầu hết các trường còn là hình ảnh những tốp học sinh sau khi khai giảng xong ở ngôi trường mới của mình thì rủ nhau kéo về trường cũ. Chẳng hạn, học sinh lớp 6 thì về thăm trường tiểu học, học sinh lớp 10 thì tìm về ngôi trường cấp 2 mình đã từng học ở đó 4 năm với biết bao kỷ niệm cùng bè bạn, bao nhiêu tình cảm dành cho những thầy cô nơi ấy… Có thể, những cô cậu học trò tuổi “không lớn nhưng chẳng còn nhỏ” thì hay thích tụ năm tụ ba với nhau nên tổ chức họp nhóm về trường. Nhưng tôi tin rằng, không ít học trò cũng có suy nghĩ về trường cũ là để thăm cô chủ nhiệm như mong muốn của con mình. Nhìn từng tốp học trò chạy tung tăng khắp sân trường tìm xem cô chủ nhiệm mình đang ở lớp nào để ùa vào hỏi han ríu rít, hình ảnh đó gợi lên trong tôi truyền thống “tôn sư trọng đạo” tốt đẹp ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam! Dù tuổi còn nhỏ, nhưng các em đã nhận thức được công lao của người cùng với cha mẹ mình dạy dỗ các em nên người. Có thể, cách tri ân, lòng biết ơn của các em đối với những thầy cô cũ sẽ được thể hiện khác nhau. Nhưng chung quy lại, trong lòng các em đã luôn có hình dáng thân thương của những thầy cô tình nguyện làm “người lái đò” đưa mình qua những bến bờ tri thức, làm dày thêm hành trang cho các thế hệ học trò bước vào đời.

Do phục vụ cho nghề nên mỗi lễ khai giảng của con, tôi lại có dịp dự suốt những buổi lễ. Ngoài các nghi thức phải có trong lễ khai giảng, những suất học bổng, phần quà của các tổ chức, đơn vị… thì tôi còn nhìn thấy những giọt mồ hôi lấm tấm trên lưng áo các thầy cô giáo, nhất là những cô giáo phụ trách khối mẫu giáo, tiểu học… Các trò nhỏ rất hiếu động, xếp hàng ngay ngắn cho các em đã là gian nan, thế mà giữa buổi lễ, đứa thì đòi đi vệ sinh, đứa lại kêu khát nước, la ó vì nóng nực… Thế là các cô đâu được thoải mái ngồi dự khai giảng, chút thì đi lấy nước cho các trò uống, chút thì dẫn đứa khác đi vệ sinh, thậm chí có cô còn cầm quạt giấy quạt cho các em… Nhìn sự tận tụy toát ra trên những lưng áo dài ướt đẫm mồ hôi, phụ huynh như tôi thật sự xúc động! Các cô đã chăm cho “đàn con” đến mấy chục đứa, mỗi ngày, mỗi giờ, đầy nhọc nhằn lẫn áp lực! Nói tới đây, tôi lại nhớ lễ khai giảng năm học lớp 7 của tôi (cách đây đã hơn 20 năm). Cuối buổi khai giảng, tên tôi được đọc lên trước sân trường ở phần “Trao quà cho học sinh nghèo vượt khó học tập”. Tôi nhận được phần quà là bộ đồng phục. Điều làm tôi nhớ không chỉ được nhận quà mà còn là vì xúc động trước tấm lòng của cô giáo chủ nhiệm năm học lớp 6. Cô không chỉ dạy dỗ học trò mà còn quan tâm đến hoàn cảnh riêng tư từng đứa một. Sự quan tâm ấy dành cho những học trò nghèo khó như tôi, thì chúng tôi mang theo đến suốt đời.

Không phải tự dưng tôi lại liên tưởng đến buổi khai giảng cách đây hơn 20 năm với phần quà đầu năm học mình nhận được nhờ sự tận tâm của cô giáo! Mà xâu chuỗi cùng nhiều điều đọng lại từ mỗi lễ khai giảng, tôi nhìn thấy được tình cảm thầy - trò, cô - trò dù ở thời buổi nào vẫn luôn là tình cảm đẹp đẽ, thiêng liêng. Giáo dục gần đây thỉnh thoảng lại có những “vết thương nhức nhối” mà báo chí, dư luận luôn trăn trở. Nhưng tôi vẫn mang một niềm tin, đó chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”. Trong tôi, truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy)… vẫn luôn ngời sáng vì đó mãi là nét đẹp truyền thống không thể phai mờ. Khi nhìn những nhóm học trò kéo nhau về thăm trường cũ trong năm học mới, trò thì tíu tít cúi đầu thưa, thầy cô thì ân cần hỏi han, tôi càng vững tin vào điều đó.

Từ Cẩm

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.