Giáo sư Tiến sĩ - Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội KHLSVN Đại học Quốc gia Hà Nội: Bạc Liêu có truyền thống khai chiếm biển rất sớm và văn hóa biển rất mạnh

Thứ Sáu, 08/04/2016 | 08:12

Bên lề "Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" tại Bạc Liêu, GS-TS-NGND Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội đã dành cho Báo Bạc Liêu một cuộc phỏng vấn xung quanh vấn đề này.

*Cơ sở pháp lý trong cuộc đấu tranh

PV: Thưa giáo sư, tên của cuộc triển lãm có cụm từ “bằng chứng lịch sử và pháp lý”, xin giáo sư có thể giải thích rõ hơn?

GS. Nguyễn Quang Ngọc: Đặt “bằng chứng lịch sử và pháp lý” chúng tôi muốn nhấn mạnh những tư liệu lịch sử nhưng có giá trị pháp lý cao trong cuộc đấu tranh giành lại chủ quyền. Tư liệu lịch sử có rất nhiều, thế nhưng tư liệu lịch sử có tính pháp lý thì phải chọn lọc kỹ hơn. Thí dụ, tư liệu khảo cổ học, nếu đi ra ngoài Trường Sa tìm thấy các hiện vật văn hóa Sa Huỳnh, tôi nghĩ ngay người Sa Huỳnh đã ra ngoài này khai chiếm, làm chủ. Như vậy, về mặt tư liệu lịch sử minh chứng được quá trình chủ quyền sớm của người Sa Huỳnh, tức của dân tộc Việt Nam. Nhưng, tư liệu pháp lý đòi hỏi phải là tư liệu liên quan đến hoạt động của Nhà nước. Chủ quyền phải được Nhà nước triển khai, thực thi, khẳng định.

* Giáo dục truyền thống lịch sử tại Tháp cổ Vĩnh Hưng.

* Người dân TP. Bạc Liêu xem hình ảnh về các lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam tại triển lãm về Hoàng Sa, Trường Sa. Ảnh: P.T.C - N.Q

Thế thì những hiện vật khảo cổ rõ ràng chứng minh được lịch sử chủ quyền của chúng ta, nhưng về mặt pháp lý để tranh biện và tranh đấu với các nước khác thì phải căn cứ vào Công ước Luật Biển năm 1982, tức tư liệu này phải là tư liệu của Nhà nước, do Nhà nước, bởi Nhà nước. Chúng ta phải tìm được những tư liệu có yêu cầu về pháp lý rất là cao như vậy. Cho nên chúng tôi muốn kết hợp tư liệu lịch sử và pháp lý nhưng nhấn mạnh hơn vào tính pháp lý của tư liệu đó. Chúng tôi muốn đem đến cho người xem một cái nhìn nhận trực tiếp về cơ sở pháp lý trong cuộc đấu tranh của chúng ta.

*Trung Quốc: Bịp bợm và bịa đặt

P.V: Thưa giáo sư, thời gian qua giới chính trị, nhà khoa học Trung Quốc có những phát biểu khẳng định chủ quyền của họ đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Với tư cách là một nhà sử học, giáo sư có ý kiến gì?

GS. Nguyễn Quang Ngọc: Tôi chỉ nói một ý kiến thôi,  ý kiến gần đây của ông Tập Cận Bình - đại diện chung cho giới chính trị và giới chuyên môn. Người ta khẳng định rằng Trung Quốc có lợi ích cốt lõi ở Hoàng Sa, Trường Sa. Thậm chí họ nói rằng tổ tiên của họ đã khẳng định chủ quyền từ rất lâu đời, từ thời cổ đại, ý của họ muốn nói có từ thời nhà Hán.

Tôi xin nói rằng, giới chuyên môn mà nói điều đó là bịp bợm, còn một chính khách có một vị trí lớn như ông Tập mà phát biểu như thế là không có nghiên cứu, thiếu thận trọng, và phải nói thẳng đó là bịa đặt 100%. Không lấy đâu ra tư liệu để nói rằng Trung Quốc có chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa, mà họ gọi là Tây Sa và Nam Sa, từ thời cổ đại, ngay cả thời cận đại cũng chưa có.

Đến năm 1909, lần đầu tiên Trung Quốc đưa người ra Hoàng Sa và tuyên bố họ phát hiện ra quần đảo này, đặt tên mới là Tây Sa. Không biết lúc đó họ có biết, tôi nghĩ là họ biết chắc chắn, song họ lờ đi thôi, rằng quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa đã thuộc chủ quyền của Việt Nam ít nhất là từ đầu thế kỷ XVII. Năm 1816, vua Gia Long tuyên bố chủ quyền, cả thế giới đều biết. Chúng tôi có dẫn ra tư liệu trong nước, tư liệu quốc tế để chứng minh điều này. Thế mà Trung Quốc vẫn nói họ phát hiện ra và đặt tên mới. Cứ coi như họ không biết mà họ đặt tên mới thì chứng tỏ rằng họ mới biết đến quần đảo này năm 1909, chứ lấy đâu ra từ hàng ngàn năm trước. Tôi không hiểu được!

Và có thể nói việc Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa mở đầu cho một thời kỳ tranh chấp, tranh biện rất khốc liệt, kéo dài hơn 1 thế kỷ nay.

*Đưa giáo dục lịch sử về biển đảo vào các trường phổ thông

PV: Dù Trung Quốc không có cơ sở lịch sử, cơ sở pháp lý về chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng đã từ lâu, sách giáo khoa từ bậc tiểu học của họ đã đưa vào nội dung lãnh hải của họ kéo dài đến hết Trường Sa Việt Nam. Đối với nước ta, công tác giáo dục lịch sử về biển, đảo như thế nào trong thời gian qua?

GS. Nguyễn Quang Ngọc: Mấy hôm nay, báo chí đưa tin về ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định chúng ta phải đưa chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa vào giảng dạy ở các trường phổ thông. Việc này thể hiện quan điểm rõ ràng của Đảng, Nhà nước ta. Tôi hơi tiếc Bộ GD&ĐT. Quyết định này đã có từ lâu, nhưng Bộ GD&ĐT triển khai việc đó quá chậm. Và phải nói trách nhiệm thuộc về Bộ GD&ĐT. Bây giờ rút kinh nghiệm phải đưa ngay vào chương trình phổ thông.

*Tháp Vĩnh Hưng: Hình ảnh của người dân Phù Nam đứng ngạo nghễ trước biển

PV: Tại họp báo về triển lãm, giáo sư có nói triển lãm tổ chức ở Bạc Liêu là một điều rất đặc biệt vì nền văn hóa Óc Eo ở đây. Xin giáo sư nói rõ hơn!

GS. Nguyễn Quang Ngọc: Lịch sử dựng nước có thể nói quan trọng nhất, tạo lập nên một cơ sở đầu tiên, hình hài cho toàn bộ phát triển của lịch sử Việt Nam. Ở Việt Nam thời đại dựng nước, chúng ta có 3 vùng văn hóa lớn. Trên 3 vùng đó hình thành 3 nhà nước đầu tiên. Văn hóa Đông Sơn dẫn đến ra đời nhà nước Văn Lang, Âu Lạc ở phía Bắc; văn hóa Sa Huỳnh dẫn đến sự ra đời nhà nước Lâm Ấp, Chăm Pa ở khu vực miền Trung; và văn hóa Óc Eo dẫn đến sự ra đời vương quốc Phù Nam ở khu vực Nam bộ chúng ta.

Văn hóa Óc Eo là một nền văn hóa của cư dân sông nước và biển, đảo. Đây là nền văn hóa biển rất điển hình, không chỉ của Việt Nam mà là của cả khu vực Đông Nam Á.

Trên đất Bạc Liêu, tôi thấy tháp Vĩnh Hưng là một di tích rất đặc biệt. Tôi cũng nghĩ rằng tháp Vĩnh Hưng là một hình ảnh của người dân Phù Nam đứng ngạo nghễ trước cửa biển. Văn hóa này là văn hóa biển. Sự ra đời của vương quốc Phù Nam bắt nguồn từ nguồn lực biển, truyền thống biển rất mạnh.

Vì thế người dân Bạc Liêu có truyền thống khai chiếm biển từ rất sớm và trong quá trình Nam tiến của dân tộc Việt Nam thì Bạc Liêu cũng là một cộng đồng cư dân đi tiên phong. Cho nên tổ chức cuộc triển lãm ở trên một vùng đất có truyền thống khai chiếm biển từ rất sớm, văn hóa biển rất mạnh, rất điển hình như vậy, tôi cho rằng rất ý nghĩa.

P.V: Xin cảm ơn giáo sư!

NGUYỄN QUỐC

(thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.