Tòa Soạn - Bạn đọc
Đề án “Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2014 - 2016”: Giúp người dân vùng ven biển nâng cao nhận thức pháp luật
Sau 3 năm thực hiện đề án Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho vùng biên giới biển, nhận thức và hiểu biết pháp luật của cán bộ và nhân dân nơi đây đã nâng cao hơn so với những năm trước. Nhờ đó, tình hình an ninh trật tự, ý thức bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia cũng cải thiện hơn.
Học sinh Trường THPT Gành Hào (huyện Đông Hải) thi tìm hiểu về biển, đảo quê hương (năm 2015). Ảnh: N.Q
Khu vực biên giới biển của tỉnh có 30.000 hộ dân gồm các dân tộc: Kinh, Khmer, Hoa, Tày, Nùng, Cao Lan, Chăm, Dao sống đan xen nhau. Đời sống của bà con từng bước được nâng lên, song vẫn còn lắm khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo cao hơn mặt bằng chung của tỉnh, điều kiện tiếp cận thông tin, văn bản pháp luật hạn chế. Ông Lâm Quốc Tải - Phó Giám đốc Sở Tư pháp, nhìn nhận công tác PBGDPL cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới biển dù đã được quan tâm, song hiểu biết, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2014 - 2016”. Tỉnh chọn xã Long Điền Đông (huyện Đông Hải) làm điểm chỉ đạo; 9 xã, phường, thị trấn còn lại cũng đồng loạt thực hiện đề án. Với các hoạt động như: cấp phát tờ rơi, tờ gấp, băng hình, sách văn bản pháp luật, chủ quyền biên giới quốc gia cho các địa phương ven biển; biên soạn một số tài liệu, xây dựng các tiểu phẩm nói về lịch sử vùng đất Tây Nam bộ; nội dung và kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp; bảo vệ môi trường; an toàn giao thông…, tất cả đều nhằm chuyển tải, phục vụ người dân miền biển.
Còn về phía các ngành, địa phương ven biển cũng đã có những cách tuyên truyền phù hợp với thực tế. Đơn cử như huyện Hòa Bình hiện tập trung kiện toàn đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật ở các xã. Với tổng số thành viên là 45 (tăng 15 thành viên so với thời điểm trước khi thực hiện đề án), là người có uy tín, có kiến thức pháp luật và không ngại khó để đưa pháp luật đến với người dân thông qua các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, hòa giải ở cơ sở. Đồng chí Nguyễn Văn Năng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Gành Hào (huyện Đông Hải) cho biết, đơn vị duy trì tốt Ngày pháp luật. Đồn phân công cán bộ hiểu biết pháp luật, có khả năng sư phạm soạn thảo đề cương, thục luyện thành thạo, sau đó mới tiến hành tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị và bà con làm nghề biển.
Bằng những cách thức thực hiện như đã nêu, Đề án “Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2014 - 2016” bước đầu đã làm giảm tình hình vi phạm pháp luật trên địa bàn biên phòng. Nếu như từ năm 2011 - 2013, nơi đây xảy ra 550 vụ, thì sau khi thực hiện đề án, từ năm 2014 đến năm 2016, số vụ giảm xuống còn 300. Theo Đại tá Nguyễn Ngọc Huệ - Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Trưởng tiểu ban chỉ đạo thực hiện đề án, “Điều đó chứng tỏ nhận thức, hiểu biết pháp luật trên địa bàn tốt hơn so với những năm trước. Cho nên, tình hình an ninh trật tự ở các xã, phường, thị trấn ven biển ổn định, ý thức về chủ quyền quốc gia của người dân được cải thiện”.
NGUYỄN QUỐC
- Trao 500 suất học bổng cho học sinh khó khăn nhân sự kiện chào mừng Bạc Liêu - Cà Mau hợp nhất
- Công bố và trao các nghị quyết, quyết định về sắp xếp đơn vị hành chính và kiện toàn bộ máy tỉnh Cà Mau
- Bạc Liêu long trọng họp mặt lãnh đạo qua các thời kỳ trước thềm hợp nhất với Cà Mau
- Treo cờ Tổ quốc chào mừng sự kiện hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau
- Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - Lữ Văn Hùng: Đưa bộ máy mới vận hành hiệu quả, tạo ra những đột phá mới