Xuân Mậu Tuất 2018

Đất hội rộn ràng

Thứ Ba, 30/10/2018 | 14:55

Những ngày diễn ra Ngày hội VH-TT&DL đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VII (từ ngày 17 - 19/11/2017), đất Bạc Liêu đã hóa thành “đất hội”. Đất rộn ràng, dòng sông cũng rộn ràng, lòng người thì đúng như câu “vui như mở hội”. Đồng bào dân tộc Khmer cả vùng Nam bộ lại có dịp tề tựu cùng nhau như 6 mùa hội trước. Anh em, bè bạn cứ gặp thì tay bắt mặt mừng, chung vai sát cánh tỏa hương khoe sắc.

 

Hơn một tháng ròng, đua ghe Ngo - hoạt động thể thao cũng là một nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ - đã khuấy động dòng kênh xáng Quản Lộ - Phụng Hiệp thuộc địa phận huyện Phước Long. Anh em vận động viên trong các đội ghe Ngo đã tranh thủ đến đó sớm để quen với con nước thủy triều, thuần thạo hơn động tác bơi. Mồ hôi ướt đầm thân thể, cánh tay lực lưỡng của những vận động viên và âm thanh hô hào bắt nhịp bơi cho thật nhanh, nhịp cho thật chắc, để so tài cùng bè bạn… Bà con thương lái bán buôn xong thì nán lại bờ kênh, từng tốp học sinh tan trường về cũng dừng chân lại đó, người dân sống hai bên bờ kênh thì có sẵn vị trí “đắc địa” của mình - tất cả tập hợp lại thành… khán giả, ngày tập dượt cũng như những buổi tranh tài, nối tiếp tràng pháo tay hò reo càng làm tinh thần vận động viên thêm hăng hái. Nhìn cứ như một bức tranh muôn sắc màu in trên dòng kênh xáng. Không đơn thuần là cuộc tranh tài cao thấp mà đó còn là sân chơi mãn nhãn đối với đồng bào. Ở sân chơi đó, một loại hình thể thao, một nét đẹp văn hóa đã được đồng bào Khmer chung tay gìn giữ.

* Biểu diễn hòa tấu âm nhạc Khmer tại khu triển lãm, giới thiệu nghề truyền thống đồng bào Khmer Nam bộ. 
* Tiết mục nghệ thuật bế mạc Ngày hội VH-TT&DL đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VII tại Bạc Liêu. 
* Đua ghe Ngo trong khuôn khổ Ngày hội VH-TT&DL đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VII. Ảnh: H.T

Tết cổ truyền Chôl-chnăm-thmây, Đôn-ta, Oóc-om-bóc, Dâng y… là những ngày hội vui của đồng bào dân tộc Khmer, nơi gìn giữ và phát huy mạnh mẽ những nét đẹp thuộc về phong tục, nghi lễ, tín ngưỡng của đồng bào. Lên sân khấu, lễ hội dưới ánh đèn rực rỡ, trong xiêm y lộng lẫy, nhạc ngũ âm réo rắt, các trò chơi dân gian hòa trong tiếng nói cười vui như trẩy hội; rồi những nghi thức cúng bái thành kính nơi cửa Phật càng khiến người xem trầm trồ, thích thú với nét đẹp văn hóa đa sắc màu của đồng bào dân tộc Khmer. Những màn trình diễn trang phục với đủ thể loại như: cưới xin, đi lễ chùa, đời thường, lao động… mỗi loại là một nét đẹp độc đáo, những hoa văn, họa tiết và phụ kiện đính kèm cho thấy thị hiếu thẩm mỹ của đồng bào dân tộc vô cùng phong phú. Những tiết mục song ca đối đáp À-dây ca ngợi về tình yêu lứa đôi trong sáng gắn với tình yêu quê hương, đất nước, hay điệu múa Rom vong, Lâm thôn, múa về huyền thoại các chằn, múa gáo dừa và từng màn hòa tấu hợp âm rộn rã như khoe những tinh túy độc đáo của âm nhạc Khmer Nam bộ, đã khiến khán giả bao lần chìm trong đam mê thưởng thức, những tràng pháo tay cũng trở thành phản xạ tự nhiên… Hội thi biểu diễn nghệ thuật quần chúng đã mang những nét đẹp văn hóa ở nhiều khía cạnh đa dạng như thế lên sân khấu Nhà hát Cao Văn Lầu.
Một không gian “tĩnh” hơn nhưng thu hút người ta đến đó với số lượng không hề… tĩnh, đó là “bộ sưu tập” vô giá về văn hóa Khmer Nam bộ tại khu vực triển lãm, giới thiệu nghề truyền thống đồng bào Khmer của 12 tỉnh, thành phố. Từng gian trưng bày vừa là một “bảo tàng thu nhỏ” về đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất, nét đẹp văn hóa Khmer của từng địa phương, vừa là “sân khấu đường phố” vô cùng thú vị đối với người thưởng lãm. Suốt ba ngày hội, các gian trưng bày luân phiên tổ chức những hoạt động văn nghệ như hòa tấu nhạc ngũ âm, biểu diễn nghệ thuật múa Khmer… Sự hợp thành bản sắc văn hóa của các tỉnh, thành phố đã làm cho ngày hội thêm rộn ràng. Khu vực trước Nhà hát Cao Văn Lầu những ngày hội thì vui như tết, trúng ý định của việc tổ chức ngày hội: ông Nguyễn Kiều Linh, Trưởng cơ quan đại diện Văn phòng Bộ VH-TT&DL tại TP. HCM, Phó trưởng Ban thường trực Ban tổ chức ngày hội đã từng bày tỏ mong muốn chung là đoàn kết cùng nhau bày ra  “một cái tết văn hóa đầm ấm” trên đất Bạc Liêu này!
Là một trong những lễ hội văn hóa cấp quốc gia năm 2017, Ngày hội VH-TT&DL đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VII tổ chức tại Bạc Liêu với chủ đề “Bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc Khmer Nam bộ đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước” đã thành công bởi tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ của 12 tỉnh, thành phố Nam bộ. Tất nhiên phải ghi công vai trò đăng cai chu toàn của chủ nhà Bạc Liêu! Thành công cũng có nghĩa là đã làm tròn trọng trách mà Đảng, Nhà nước giao phó, cụ thể hóa như phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình tại lễ khai mạc: “Lễ hội là dịp để đồng bào cả nước nói chung và đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ nói riêng nâng cao ý thức, trách nhiệm với văn hóa truyền thống, củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh - quốc phòng, đảm bảo thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Sự hoành tráng trên sân khấu khai mạc, “bữa tiệc” nghệ thuật chia tay tràn trề tình cảm mà đầy lưu luyến trong đêm bế mạc, và từng hoạt động được đầu tư bằng tinh thần tự tôn, tự hào bản sắc văn hóa trong khuôn khổ ngày hội đã hóa mảnh đất xa xôi đầy nghĩa tình, hiếu khách như Bạc Liêu trở thành “đất hội”. Đất hội rộn ràng, đồng bào Khmer Nam bộ tề tựu nhau về, chung tiếng nói, chung tấm lòng, góp tinh túy của mình làm bung tỏa những cánh hoa đẹp trong vườn hoa văn hóa Việt Nam ngạt ngào hương sắc.

Nhật Anh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.