Xuân Bính Thân 2016

Đồng hương

Thứ Tư, 03/02/2016 | 08:32

“Quê hương là gì hở mẹ/ Ai đi xa cũng nhớ nhiều” (thơ Đỗ Trung Quân), trong tim mỗi người đều có một chốn rất thiêng liêng được gọi là “quê hương”. Đó là nơi níu giữ những bước chân rời xa quê nhà cho cuộc mưu sinh mệt nhoài. Và đó cũng là lý do quan trọng nhất để những người xa xứ tìm đến nhau bằng sợi dây tình cảm “đồng hương”…

Các đại biểu Bạc Liêu - Cà Mau về dự họp mặt đồng hương tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: N.Q

Các cô chú "tay bắt, mặt mừng" khi gặp nhau tại buổi họp mặt đồng hương Bạc Liêu - Cà Mau Xuân 2015. Ảnh: N.Q

1. Chi hội Sinh viên Cà Mau là mái nhà chung của những bạn trẻ quê Cà Mau lều chõng lên Bạc Liêu học đại học từ khi chân ướt chân ráo đến khi ra trường. Ở đó không chỉ có sự trợ giúp về vật chất mà quan trọng hơn là một vòng tay đùm bọc về tinh thần của những người cùng nơi "chôn nhau cắt rốn". Bùi Văn Tưởng, Chi hội phó Chi hội Sinh viên Cà Mau thuộc Trường đại học Bạc Liêu cười bẽn lẽn thú nhận “trong hoạt động Đoàn, em cũng có… ưu tiên cho những bạn đồng hương”. Dễ hiểu cho sự ưu ái dễ thương này, bởi vì đồng hương không chỉ là bạn bè, đồng chí trong một tổ chức. Đồng hương là những người cùng tâm trạng nhớ quê, cùng nỗi niềm xa xứ, tìm đến nhau để cùng nhìn về một nơi đã từ đó ra đi. Cho nên những thành viên trong chi hội này khi trang bị áo đồng phục đã rất trịnh trọng cho in hai chữ “đồng hương”.

2. Thầy Thái Đình Hướng, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Lê Thị Riêng, từ khi về hưu đã gánh vác thêm một công việc yêu thích: làm Trưởng Ban liên lạc Hội đồng hương Nghệ Tĩnh. Nghệ Tĩnh là tên tỉnh cũ, bây giờ đã chia thành hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Không gói mình trong khuôn khổ một trường học, Hội đồng hương Nghệ Tĩnh có trên 300 thành viên là cán bộ hưu trí, cán bộ đương chức, lực lượng vũ trang, doanh nhân, sinh viên… nói chung là những người vẫn tự hào về cái giọng “trọ trẹ” xứ Nghệ, vẫn thương câu ví dặm quê nhà dù đã sống xa quê mấy chục năm trời. Thầy Thái Đình Hướng kể, trong buổi ra mắt Ban liên lạc, có những hội viên lớn tuổi đã khóc, những người đã đi qua bao nhiêu sóng gió cuộc đời, được mất rất nhiều nhưng vẫn luôn thấy mình thiếu quê hương trong tháng ngày dài ly hương. Cũng chỉ là những buổi họp mặt, thăm viếng khi có hiếu hỉ mà Ban liên lạc Hội đồng hương Nghệ An lại kết nối được bao nhiêu bước chân xa quê; thắt chặt mối quan hệ đồng hương, xứ sở của nhiều thế hệ người Nghệ Tĩnh trên đất Bạc Liêu.

3. Lại tới một mùa làm báo Xuân. Gió chướng vừa ướp vào đất trời một chút se lạnh, cánh phóng viên chúng tôi đã tất tả đi tìm những đề tài hay, câu chuyện mới để tạo nên một ấn phẩm Xuân đặc sắc. Chúng tôi nỗ lực vì biết rằng đó không chỉ là  ấn phẩm quan trọng trong tỉnh mà còn là món quà tinh thần quý giá mà những đồng hương Bạc Liêu trông đợi mỗi khi xuân về, tết đến. Những buổi họp đồng hương ở TP. Hồ Chí Minh vào những ngày cận tết hàng năm bao giờ cũng không thể thiếu báo Xuân bên cạnh một số món ăn đặc sản mang phong vị quê hương. Để thỏa mãn, để xoa dịu những tâm hồn luôn khát khao cội nguồn, thương nhớ chốn đã từ đó ra đi. Qua mỗi năm, Hội đồng hương lại mất đi vài hội viên tuổi cao sức yếu và xuất hiện thêm vài gương mặt mới bên cạnh những người vẫn luôn đúng hẹn như bà Ngô Thị Huệ - phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, bà Phạm Phương Thảo - nguyên Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh... Ở đây, địa vị, danh thế không còn tồn tại, tất cả đối đãi với nhau bằng cái tình đồng hương ấm áp, chân tình, bằng cái nghĩa của người Bạc Liêu xa xứ nhưng chưa bao giờ quên mất cội rễ trong tim!

“Đồng hương” được hiểu là những người có cùng quê hương, nơi "chôn nhau cắt rốn". Nhưng với những đồng hương trên đất Bạc Liêu hay đồng hương Bạc Liêu ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới, ý nghĩa hai chữ “đồng hương” còn quý hơn thế nữa!

LÂM ANH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.