Xuân Bính Thân 2016
Đất sinh… tình!
Có những ca từ nghe thật mượt mà về xứ sở này: "Bạc Liêu, giấc mơ tình yêu…". Tình thiệt thì cũng thiên vị cho Bạc Liêu, vì nơi nào có dấu chân người nơi ấy lại chẳng có tình yêu. Nhưng thứ tình ở đây có lẽ cũng giống như điều mà bài viết này muốn đề cập. Bạc Liêu, hình như là vùng đất dễ khiến người ta… tức cảnh sinh tình, rồi người ta lại đem cái tình ấy gửi vào những “bảo bối” văn hóa của Bạc Liêu!
Duyên dáng Bạc Liêu. Ảnh: H. Thọ
Một giấc mơ tình yêu được gửi vào câu hò ngọt ngào trong cái ý tứ sâu lắng của Dạ cổ hoài lang rồi ngân nga thành vọng cổ, rồi một điệu nói thơ Bạc Liêu ra đời khi cảnh ngộ đẩy đưa… Vâng! Chỉ khi lòng đầy ắp tình mới khiến người ta bay bổng trong những âm thanh sâu lắng ấy. Cảnh ngộ nào để Bạc Liêu dễ khiến người ta lưu luyến, yêu thương mà tức cảnh sinh tình rồi gửi vào câu hò, vọng cổ, nói thơ, để cho hò chèo ghe, ca vọng cổ và điệu nói thơ Bạc Liêu nghiễm nhiên trở thành 3 loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo xứng đáng gọi là “bảo bối” của Bạc Liêu?Trên bước đường khẩn hoang vùng đất mới Bạc Liêu, đất rộng người thưa, sông nước hữu tình cộng với nỗi lòng tha hương, rồi những niềm riêng canh cánh bên mình... Thế là những làn điệu trữ tình, trong đó có hò chèo ghe, ca vọng cổ và điệu nói thơ Bạc Liêu ra đời. Tiếc thay, do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có yếu tố phát triển mạnh mẽ của khoa học - kỹ thuật và sự nhộn nhịp của cuộc sống mới trên sông nước miền Tây vào thập niên 70… nên môi trường hò chèo ghe bị thu hẹp, những câu hò Bạc Liêu cũng bị mai một dần.
Đất hữu tình còn là nơi con người sống rất nhiệt tình, làm ra làm, chơi ra chơi, khi làm thì cật lực nhưng khi chơi thì hết mình. Từ đặc điểm này mà đời sống văn hóa tinh thần của người Bạc Liêu rất phong phú. Bạc Liêu đã đánh những dấu son cho nghệ thuật cải lương nước nhà với những tên tuổi như Hậu tổ cổ nhạc Lê Tài Khí (Nhạc Khị). Ông là người đầu tiên thành lập ra Ban nhạc lễ, khai sáng ra phong trào đờn ca tài tử Bạc Liêu và khởi xướng phong trào sáng tác các bài bản cổ nhạc rầm rộ nhất vào những năm đầu thế kỷ XX, còn âm vang và rực rỡ cho đến ngày nay. Và những tên tuổi như Sư Nguyệt Chiếu, Cao Văn Lầu, Mười Khói, Ba Chột, Tư Bình, Trịnh Thiên Tư, Mộng Vân, Hai Thơm, Năm Nghĩa… Trong đó, một sáng tác diệu kỳ của nhạc sĩ Cao Văn Lầu - bản Dạ cổ hoài lang - đã mở ra một trào lưu sáng tác mới và định hình cho một dòng chảy âm nhạc xuyên suốt trong lịch sử âm nhạc nước nhà cho đến ngày nay.
Lại quay về lịch sử, ngay cả khi câu vọng cổ bị cấm lưu hành, thì ông Thái Đắc Hàng cùng “cộng sự” Nguyễn Phi Bằng đã sáng tạo một làn điệu khác để thay thế - đó là điệu nói thơ Bạc Liêu. Trong giai điệu nói thơ vẫn còn vương vấn âm điệu hò xang của bài vọng cổ, và trong quá trình phát triển thì điệu nói thơ cũng biến hóa, thâm nhập vào các bộ môn nghệ thuật khác giống như bản vọng cổ. Đặc biệt, phần nói lối của vọng cổ cũng là cách nói lối của làn điệu nói thơ Bạc Liêu.
Không quá lời khi nói rằng đất Bạc Liêu - mảnh đất hữu tình đã tạo nên những “bảo bối” văn hóa cho chính mình! Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ đã được thế giới công nhận giá trị, Bạc Liêu tự hào có góp công trong đó. Và một tin vui “nóng hổi” nữa, điệu nói thơ Bạc Liêu đã được ngành VH-TT&DL tỉnh xúc tiến các bước hoàn thiện hồ sơ khoa học trình Cục Di sản văn hóa để được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Lâm Từ
- Ban CHQS TP. Bạc Liêu: Tổng kết công tác thi đua, khen thưởng và phong trào thi đua Quyết thắng năm 2024
- Triển khai hỗ trợ xây dựng 100 căn nhà cho hộ nghèo tỉnh Bạc Liêu
- Hồng Dân: Phấn đấu chuyển hóa thành công huyện “Không có tệ nạn ma túy” vào cuối năm 2024
- Bạc Liêu triển khai sản xuất 28.000ha lúa chuyên canh chất lượng cao vào năm 2025
- “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, hội nhập và phát triển”