Xuân Ất Mùi 2015
Hiệu quả kinh tế từ mô hình rừng – tôm – cua kết hợp
Chi phí đầu tư thấp, nuôi cùng lúc nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, cung ứng nguồn nguyên liệu sạch cho thị trường chế biến và xuất khẩu… Đó là những ưu điểm của mô hình nuôi tôm - cua dưới tán rừng.
Mô hình rừng - tôm - cua kết hợp giúp người nuôi ổn định kinh tế. Ảnh: Phan Thanh Cường |
Theo chân anh cán bộ phụ trách thủy sản xã Long Điền Tây (huyện Đông Hải), chúng tôi đến nhà ông Bùi Trung Cộng (xã Long Điền Tây) - người tiên phong của xã trong áp dụng mô hình rừng - tôm - cua kết hợp và đã thành công. Ông Cộng bày tỏ: “Những ngày đầu, nhiều hộ nuôi tôm trong xóm rủ nhau phá rừng để mở rộng diện tích ao nuôi, nhưng tôi quyết định giữ lại diện tích rừng trên vuông tôm”.
Từ đó, ông Cộng trồng thêm cây rừng và cải tạo vuông tôm, chuyển sang áp dụng mô hình rừng - tôm - cua kết hợp. Ông Cộng đã mạnh dạn đầu tư cải tạo 5ha đất gia đình đang canh tác. Sau khi hoàn tất, ông mua tôm giống thả nuôi với mật độ 2 - 3 con/m2, cua với mật độ 900 - 1.000 con/ha. Sau gần 3 tháng nuôi, vụ đầu tiên ông thu lãi gần 60 triệu đồng.
Thấy được hiệu quả kinh tế của mô hình rừng - tôm - cua, nhiều hộ trong ấp trước đây phá rừng thì nay đã trồng lại rừng và áp dụng mô hình mà ông Cộng thực hiện. Theo Phòng NN&PTNT huyện Đông Hải, hiện nay tổng diện tích đất canh tác được người dân áp dụng theo mô hình rừng - tôm - cua kết hợp là 3.617ha, với tỷ lệ rừng che phủ trên 30% diện tích.
Trước tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi diễn ra phức tạp như hiện nay, việc áp dụng mô hình rừng - tôm - cua kết hợp sẽ là một hướng đi bền vững, giúp người nuôi tôm hạn chế rủi ro. Đồng thời, việc trồng rừng trên đất nuôi tôm còn giúp hệ sinh thái rừng ngày càng đa dạng, mang lại lợi ích kinh tế lâu dài cho người dân.
Chí Linh
- Ban CHQS TP. Bạc Liêu: Tổng kết công tác thi đua, khen thưởng và phong trào thi đua Quyết thắng năm 2024
- Triển khai hỗ trợ xây dựng 100 căn nhà cho hộ nghèo tỉnh Bạc Liêu
- Hồng Dân: Phấn đấu chuyển hóa thành công huyện “Không có tệ nạn ma túy” vào cuối năm 2024
- Bạc Liêu triển khai sản xuất 28.000ha lúa chuyên canh chất lượng cao vào năm 2025
- “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, hội nhập và phát triển”