Thầy giáo - nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển: Nhớ xứ Bạc Liêu…

Thứ Sáu, 24/11/2017 | 15:29

“Thành phố, ngày 19/10/2017
Thân gởi: Nguyễn Hồng, Thành Vũ, Lan, Nhỏ, Bạch Mai, Bạch Yến, Tín, Tú Nhã và tất cả các em khác!
Thầy bệnh nặng, quỹ thời gian sống chắc không còn dài; muốn đi Bạc Liêu thăm lại các em và cảnh cũ, thành phố mới mà đi hổng được.
Thầy nhớ xứ Bạc Liêu, nhớ mọi người và nhớ các em lắm. Mong các em có dịp đi Sài Gòn ghé lại nhà thầy (địa chỉ: 22/7 đường Tân Thới Nhất 18, quận 12) cho thầy được gặp mặt các em chút nhé. Ngày thứ Hai 30/10, thầy nhập viện tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương để mổ. Gặp lúc này hay hơn để ngày sau gặp!
Thầy vẫn lạc quan và sống hữu ích cho đời.  
Thân mến cùng tất cả các em!
Vũ Đức Sao Biển”


Trên đây là bức thư của thầy Võ Hợi, tức nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển gửi nhóm học trò cũ của mình ở Bạc Liêu vào những ngày cuối tháng 10 vừa qua. Nhiều tờ báo liên tục đăng tin tức về nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đang chống chọi với căn bệnh ung thư vòm họng. Một nhóm cựu học sinh Đệ nhị (lớp 11) hồi thời thầy Võ Hợi về dạy ở Bạc Liêu những năm 1970 - 1975 đã tập hợp nhau đi Sài Gòn thăm thầy như ước nguyện của ông… Ngồn ngộn những chuyện như vậy liên quan đến một người, tôi thấy mình cần viết một điều gì đó về người ấy, một nhạc sĩ có tài, một nhà báo có tâm và hơn cả là một người thầy luôn nặng tình với đất và người Bạc Liêu. Đọc bức thư ông, bên tai tôi như nghe ngân nga câu hát “Gành Hào ơi nửa đêm ai hát lên câu hoài lang”, rồi dặt dìu cung bậc bổng trầm “Bạc Liêu, miền đất phương Nam sáng ngời tình yêu thủy chung…”. Vâng, “Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang” và “Trở lại Bạc Liêu” chỉ là hai trong số vài chục ca khúc mà nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển dành riêng cho mảnh đất này.

Thầy Võ Hợi - nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển (giữa) bên những học trò cũ ở Bạc Liêu. (Ảnh do nhóm cựu học sinh Trường công lập Bạc Liêu cung cấp).


Bà Lê Bích Thủy, cựu học sinh Trường công lập Bạc Liêu đã được học thầy Võ Hợi cách đây hơn 40 năm, nhưng ký ức về một người thầy với nhân cách cao đẹp vẫn còn sống mãi trong tâm thức: “Tôi được học thầy Hợi những năm đầu thập niên 1970, thầy lúc đó mới tốt nghiệp đại học sư phạm và về Trường công lập Bạc Liêu giảng dạy. Thầy dạy Triết học. Chúng tôi rất thích những giờ học của thầy. Không chỉ được học về kiến thức, thầy còn truyền dạy cho học trò của mình những kỹ năng sống, dạy chúng tôi về đạo đức, và từ thầy mà chúng tôi biết yêu nhạc, yêu thơ”. Còn nhạc sĩ Nguyễn Hồng, một cựu học trò lớp Đệ nhị Trường công lập Bạc Liêu thời ấy cũng đã có một bài viết dạng hồi ký đăng trên tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Bạc Liêu số 83, với sự kính trọng, gọi thầy Võ Hợi là “người thầy làm thay đổi đời tôi”. Nhạc sĩ Nguyễn Hồng viết: “Đó là người thầy tôi may mắn được gặp năm 1972 khi tôi mới vào học lớp Đệ nhị. Thầy được phân công dạy lớp tôi môn Triết học. Ấn tượng đầu tiên của tôi về thầy là dáng người nhỏ nhắn, giọng nói hết sức trầm ấm. Trong suốt mấy năm thầy giảng dạy, tất cả học sinh chúng tôi đều rất thích môn học của thầy, vì thầy thường vận dụng những trải nghiệm trong cuộc sống và truyền đạt cho chúng tôi về tình yêu quê hương, đất nước, yêu âm nhạc, yêu dân tộc và hơn hết là cách đối nhân xử thế”.
… Chỉ 5 năm sống và đứng trên bục giảng làm “kỹ sư tâm hồn” trên đất Bạc Liêu, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đã nhận đây là quê hương thứ hai của mình. Với một tâm hồn dạt dào cảm xúc, một trái tim dễ rung cảm và một tình yêu đặc biệt đối với “quê hương bản Dạ cổ hoài lang”, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đã dành cho nơi đây những khúc ca như nối mạch cảm xúc của người tiền bối - nghệ nhân Cao Văn Lầu. “Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang”, rồi sau đó là “Trở lại Bạc Liêu” đều mang âm hưởng của những cung bậc hò, xự, xang, xê, cống. Những ca khúc ấy được các danh ca như Hương Lan, Bích Phượng… trình diễn trên nhiều sân khấu trong và ngoài nước, từ đó hình ảnh Bạc Liêu đã bay cao hơn, xa hơn bởi những khúc hát vấn vương hồn người. Ngoài những khúc hát dành riêng cho Bạc Liêu, người thầy - người nhạc sĩ xứ Quảng Nam còn viết rất nhiều ca khúc bất hủ về đất phương Nam như “Tiếng quốc đêm trăng”, “Đau xót lý chim quyên”, “Tình ca phương Nam”...
Với Bạc Liêu, người nhạc sĩ “Thu hát cho người” (một ca khúc được bình chọn là một trong những bản tình ca hay nhất Việt Nam trong thế kỷ XX) đã gửi gắm những khúc ca tâm huyết. Còn với học trò ở Bạc Liêu, bằng tình yêu nghề, sự tận tâm, thầy đã để lại những ấn tượng vô cùng đẹp đẽ, cho đến tận bây giờ. Tôi đọc được bức thư trên đây từ nhóm cựu học sinh đã từng học thầy những năm 1970, và được biết ngay sau đó, thầy trò đã có một buổi sum họp ấm áp, xúc động tại nhà riêng của thầy. Hiện nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đã mổ xong, tình hình sức khỏe tạm ổn, nhưng chưa nói chuyện được, chỉ trao đổi bằng chữ viết. “Tạm ổn” ở đây có nghĩa là sống cùng bệnh và vẫn đang chống chọi từng phút giây với căn bệnh hiểm nghèo, “thầy vẫn lạc quan và sống hữu ích cho đời” dù biết “quỹ thời gian sống chắc không còn dài”… 
Gắn bó với thầy bằng một sự trân trọng gần như là thần tượng, nhạc sĩ Nguyễn Hồng đã cung cấp “những con số biết nói” về sự nghiệp sáng tác của người thầy đa tài - nhạc sĩ, nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà báo Vũ Đức Sao Biển: gần 40 năm theo nghiệp sáng tác, đã cho ra đời 60 đầu sách, 230 ca khúc, trong đó riêng về Bạc Liêu là 40 ca khúc.
Viết đến đây tôi chợt nhớ cách đây vài năm, khi hay tin soạn giả Trọng Nguyễn lâm bệnh, các vị lãnh đạo tỉnh An Giang đã tổ chức chuyến về Bạc Liêu để thăm hỏi người viết nên bản vọng cổ bất hủ “Chợ Mới” cho đất An Giang. Bạc Liêu sống nặng ân tình, chắc chắn cũng sẽ không quên người đã dành những ân tình cho quê hương mình…
Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.