Văn hóa - Nghệ thuật
Sớm xây dựng sản phẩm du lịch từ bản sắc văn hóa Khmer
Sau khi Chùa Xiêm Cán (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) được công nhận là điểm du lịch (DL) tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long, không ít ý kiến cho rằng Bạc Liêu có nhiều lợi thế để xây dựng sản phẩm DL từ văn hóa Khmer. Sớm làm được điều này sẽ góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh cho DL của tỉnh, cũng như bảo tồn và phát huy hiệu quả những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer.
Ngoài lịch sử hình thành và kiến trúc lộng lẫy của ngôi chùa, anh còn bị cuốn hút bởi phần trình diễn nhạc ngũ âm của các nghệ nhân. Dạo một vòng thưởng lãm cảnh chùa, anh Hoàng dừng lại thắc mắc: “Tại sao ở chùa không có thuyết minh viên để giới thiệu cho khách đến tham quan. Nếu không có người kể chuyện thì làm sao du khách cảm nhận được cái tinh túy của nhạc ngũ âm, những bức phù điêu, tượng đá được chạm khắc tinh xảo”. Tôi đồng tình với quan điểm đó và chia sẻ cho anh biết, tỉnh đang trong quá trình xây dựng Chùa Xiêm Cán trở thành sản phẩm bài bản để xứng tầm là điểm DL tiêu biểu cấp vùng. Khi đó sẽ có lực lượng thuyết minh viên để “thổi hồn” cho ngôi chùa Khmer hơn 130 năm tuổi này.
Du khách tham quan Chùa Xiêm Cán trong dịp tết Quý Mão 2023. Ảnh: H.T
Về lại Bạc Liêu trong thời điểm diễn ra sự kiện Ngày hội Văn hóa - DL và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022, ông Phan Đình Huê - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và DL Vòng Tròn Việt cảm nhận được nhiều đổi thay của DL trên quê hương bản Dạ cổ hoài lang. Nói về DL văn hóa Khmer, ông Huê cho rằng Bạc Liêu có nhiều tài nguyên và điều kiện thuận lợi để khai thác thành sản phẩm DL, với điểm nhấn chính là Chùa Xiêm Cán. Ông Huê phân tích, bên cạnh vẻ đẹp kiến trúc, hoạt động ổn định của đội nhạc ngũ âm và đội múa Áp-sa-ra thì Chùa Xiêm Cán còn có lợi thế về vị trí địa lý. Đó là được sự bổ trợ của những điểm tham quan cùng nằm trên cùng một cung đường như: vườn nhãn cổ, Khu DL điện gió, Khu Quan âm Phật đài. Nếu tổ chức được những sô biểu diễn, giao lưu âm nhạc, các trò chơi dân gian giữa người dân bản địa và du khách thì Chùa Xiêm Cán sẽ nhanh chóng trở thành điểm đến hấp dẫn của DL khu vực nói chung, Bạc Liêu nói riêng.
Ngoài Chùa Xiêm Cán thì những ngôi chùa Khmer trên địa bàn xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi) cũng có tiềm năng phát triển DL. Đơn cử như Chùa Cái Giá giữa gần đây đã đầu tư nhiều hạng mục để phục vụ phát triển DL. Ngoài những tiểu cảnh cho du khách chụp ảnh và thưởng ngoạn, chùa còn xây thêm sân khấu phục vụ ca - múa - nhạc, cải tạo hồ nước để tiến tới tổ chức đua ghe Ngo nhằm tái hiện không khí của lễ hội Oóc-om-bóc. Bên cạnh đó, nhà chùa sẽ bố trí khu vực cho các nghệ nhân trình diễn làm bánh dân gian Khmer, tiêu biểu là bánh gừng, bánh ớt để quảng bá ẩm thực Khmer.
Mặc dù chứa đựng nhiều yếu tố độc đáo, thế nhưng văn hóa Khmer hiện chưa được chú trọng khai thác để phục vụ phát triển DL ở các tỉnh, thành phố Nam Bộ. Chính vì thế, Bạc Liêu cần có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ để tiên phong hình thành sản phẩm DL này, góp phần thúc đẩy sự phục hồi của DL tỉnh nhà và lan tỏa mạnh mẽ bản sắc văn hóa Khmer.
PHƯƠNG ANH
- Thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản nhân Ngày Môi trường thế giới 5/6
- Bạc Liêu: Khởi động Hành trình đỏ toàn quốc
- COVID-19 chỉ còn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm
- Tổng duyệt chương trình Hành trình đỏ do Bạc Liêu đăng cai tổ chức
- Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tập trung ưu tiên cho thúc đẩy tăng trưởng