Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển với tâm huyết "quốc tế hóa" bản Dạ cổ hoài lang

Thứ Sáu, 22/12/2017 | 14:59

Chỉ hơn một năm nữa, bản Dạ cổ hoài lang (DCHL) của nghệ nhân Cao Văn Lầu sẽ tròn trăm tuổi. Hành trình của bản nhạc lòng ấy cứ nối dài như đường của tơ lòng vấn vương, kết nối. Từ một DCHL qua tâm tư, tình cảm và tài năng của bao thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ đã phát triển thành vọng cổ các nhịp, rồi trở thành bài bản chính trong cải lương Nam bộ Việt Nam.
Có một nhạc sĩ (NS) người Quảng Nam đã viết hàng chục ca khúc thấm đẫm tình yêu dành cho miền đất phương Nam, trong đó nhiều ca khúc trích dẫn DCHL như nối mạch cảm xúc của tiền bối Cao Văn Lầu. Khẳng định đó là một giá-trị-văn-hóa của âm nhạc Việt Nam, người NS ấy mong muốn DCHL phải được quốc tế hóa! Ông là NS Vũ Đức Sao Biển…

Để tỏ tường câu chuyện, tôi xin được nối dài một bài viết đăng trên Báo Bạc Liêu cuối tháng 11 vừa qua, bài “NS Vũ Đức Sao Biển: Nhớ xứ Bạc Liêu”. Bài này tôi viết sau khi đọc lá thư tay NS gửi về cho học trò cũ ở Bạc Liêu. Lá thư cho hay, NS chuẩn bị vào một ca mổ điều trị căn bệnh ung thư vòm họng! Và ông muốn các học trò nếu có dịp đi TP. HCM hãy cho ông gặp, vì ông “nhớ cảnh cũ, nhớ thành phố mới và nhớ xứ Bạc Liêu”…
Trong bài viết, tôi nhấn mạnh “Bạc Liêu sống nặng ân tình, chắc chắn cũng sẽ không quên người đã dành những ân tình cho quê hương mình”. Và đúng như thành ý gửi gắm trong bài viết của tôi, sau bài báo, đích thân Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Vương Phương Nam đã có chuyến đi thăm hỏi NS. Và cũng kể từ bức thư đó, bài báo đó, địa chỉ 22/7 đường Tân Thới Nhất 18, quận 12, TP. HCM đã nằm lòng nhiều người ở Bạc Liêu. Những chuyến thăm hỏi của người Bạc Liêu trở thành “liều thuốc tinh thần” cho người NS luôn vấn vương mảnh đất, tình người Bạc Liêu. Chỉ 5 năm gắn bó mái trường công lập Bạc Liêu (từ năm 1970 - 1975), người thầy gốc Quảng Nam đã gieo cảm tình cho người Bạc Liêu bởi sự uyên thông về trí tuệ, tài năng và tư cách đạo đức của một khuôn mẫu sư phạm chuẩn mực! Và xuất phát những tình cảm đặc biệt dành cho vùng đất này, thầy Võ Hợi (tên thật của NS Vũ Đức Sao Biển) đã viết nên những ca khúc làm sáng ngời quê hương Bạc Liêu, đó là “Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang”, “Trở lại Bạc Liêu”… Chúng tôi nghĩ rằng, tìm thăm NS lúc này là những chuyến đi nghĩa tình, là cho đi những yêu thương để đáp tạ lòng người luôn nặng tình với đất Bạc Liêu. Không ngờ, chúng tôi (và có thể là đất Bạc Liêu nữa) đã nhận về một thành ý lớn! 

NS Vũ Đức Sao Biển giới thiệu với tác giả bài viết những bản dịch ngoại văn DCHL. Ảnh: H.T


Biên dịch ra ngoại văn bản DCHL để quốc tế hóa một giá trị văn hóa âm nhạc Việt Nam - đó là “công trình văn hóa” (người viết xin trân trọng dùng cụm từ này này) mà NS Vũ Đức Sao Biển đã tâm huyết âm thầm thực hiện cách đây gần 5 năm. Chúng tôi không đề cập lý do vì sao công trình đó chưa được công bố, chỉ muốn chia sẻ cùng bạn đọc, cùng những ai có tấm lòng với DCHL, với văn hóa Bạc Liêu một câu chuyện: chuyện của người muốn đưa DCHL ra phạm vi thế giới. 
Trong một chuyến thăm hỏi mang tính cá nhân của tôi cùng một cựu học sinh của NS và anh Nguyễn Vũ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VH-NT Bạc Liêu, nhưng qua câu chuyện với NS Vũ Đức Sao Biển, chúng tôi nhận về trọng trách lớn cho quê mình. Bước vào ngôi nhà số 22 ấy, ấn tượng đầu tiên là tấm pa-nô treo trịnh trọng ở gian chính. Đó là bản DCHL được ký âm, phục hiện qua thanh nhạc phương Tây! Với thái độ từ tốn, NS xưng ngôi thứ nhất bằng tiếng “thầy” - kể cho chúng tôi nghe: “Trước đây, DCHL chỉ là một bản cổ nhạc nằm trong phạm vi đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ. Ở khuôn khổ đó thì DCHL chỉ xuất hiện trên sân khấu cổ nhạc, phạm vi quảng bá rất ít. Vấn đề là làm sao để DCHL được quần chúng biết rộng rãi hơn, người miền Bắc, miền Trung đều nghe, ca DCHL được, học sinh - sinh viên có lòng nghiên cứu về âm nhạc Việt Nam cũng nghe, ca được DCHL. Từ đó, thầy thực hiện một bước là phục hiện DCHL ra thanh nhạc Tây phương. Tức là, thầy đối chiếu chữ đờn trong cổ nhạc qua thanh nhạc Tây phương: có nốt nhạc, người chơi piano có thể chơi được, người chơi ghi-ta có thể chơi được - nghĩa là có thể sử dụng bản nhạc đó với nhạc cụ của Tây phương! Nhưng thầy nghĩ, như thế DCHL vẫn chưa phát triển lớn lắm, cần phải phiên dịch nội dung 20 câu DCHL ra tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Quan Thoại (tiếng Hoa)”.
Không đợi chúng tôi hỏi mục đích của công việc này, những cơn ho giữa chừng vẫn không ngắt được tâm huyết người nói, NS tiếp tục giải thích: “Thế giới này có 4 tỷ người nói tiếng Anh, 1,2 tỷ người nói tiếng Pháp, 1,5 tỷ người nói tiếng Hoa; với chừng đó người, ta đưa DCHL ra thế giới, mà phải là Bạc Liêu chính thức công bố, vì đó là vốn liếng của Bạc Liêu! Công bố rằng “Đây là một giá trị văn hóa của tỉnh chúng tôi được viết cách đây gần 100 năm, tiếng Anh như thế này, tiếng Pháp là thế này, tiếng Quan Thoại là thế này”. Chuyện rất nhỏ nhưng tầm ảnh hưởng sẽ lớn lắm! Bất cứ người nước ngoài nào muốn nghiên cứu thì có thể vào 1 trong 3 ngôn ngữ này để hiểu DCHL, tức là ta đang giới thiệu nội hàm của bản nhạc cổ”.
Dịch thuật một văn bản không khó, nhưng một “văn bản” như DCHL khó ở chỗ là có một số khái niệm không có trong văn học nước ngoài, chẳng hạn như “phu tướng”, “tin nhạn”, “luống trông”, “gan vàng”. NS Vũ Đức Sao Biển đã chọn nhà báo Danh Đức của báo Tuổi Trẻ dịch bản tiếng Pháp - là người Nam bộ; Liêu Phúc Minh ở Thời báo Kinh tế Sài Gòn dịch bản tiếng Quan Thoại - người gốc Hoa nhưng sinh ra và lớn lên ở Nam bộ; Tố Loan ở báo Thanh Niên dịch bản tiếng Anh - tuy người gốc Huế nhưng sinh ra ở TP. HCM. Và theo NS thì ba người này đều hiểu rõ về nhạc tài tử Nam bộ. 
Đã có trong tay các bản dịch, nhưng theo NS, chuyện công bố là chuyện của nơi sinh ra bản DCHL. Bản trình bày việc quốc tế hóa DCHL đã có sẵn, NS chia sẻ: “Chúng ta mời các nhà văn hóa dự, mời 3 người phiên dịch DCHL báo cáo các bản dịch và địa điểm tổ chức phải là Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam bộ và NS Cao Văn Lầu. Giới chuyên môn góp ý, sau khi đã thống nhất, Bạc Liêu công bố lên mạng một sản phẩm văn hóa của mình.
…Chúng tôi muốn đặt câu hỏi thật nhiều với một con người đa tài và đa đoan với cuộc đời: một NS - nhà văn - nhà báo - nhà giáo; nhưng, những điều mà ông trao truyền xung quanh “công trình văn hóa” này đã nhiều hơn những gì chúng tôi muốn biết. Khi được hỏi “vì sao NS quan tâm đặc biệt đến DCHL”, ông trả lời mà không suy nghĩ “vì nó là giá trị văn hóa của Bạc Liêu, của Nam bộ và của đất nước này! Không có bản nhạc nào trở thành bản vọng cổ sáu câu, có DCHL thì mới có bản vọng cổ trên sân khấu. Giá trị văn hóa của DCHL ở trong giá trị văn hóa được thế giới công nhận là ĐCTT Nam bộ. Cái vị thế vốn đã vậy thì phải làm sao để phát triển giá trị đó ra. Bạc Liêu không được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh…, vậy thì Bạc Liêu xây dựng sản phẩm văn hóa du lịch cho mình, đất đó phải là đất DCHL”. Theo ông, đó là cách lưu giữ, phát huy đồng thời sử dụng giá trị văn hóa làm mũi nhọn phát triển du lịch. 
Một tâm huyết muốn DCHL vươn rộng ra phạm vi quốc tế cũng chính là để Bạc Liêu được khắc tên trên bản đồ du lịch thế giới bằng một giá trị văn hóa độc đáo. Tâm huyết ấy đặt trong trí tuệ của một nhà văn - nhà báo (với trên 40 đầu sách, hơn 2.000 bài báo lớn nhỏ, đủ thể loại), trong sự uyên thâm, tài hoa của một NS - nhà giáo (có trên 200 tác phẩm âm nhạc, nhiều tuyển tập ca khúc), vậy thì ý tưởng quốc tế hóa DCHL đã đủ cơ sở để tự chứng thực tầm quan trọng! Việc tiếp nhận công trình này, theo chúng tôi chỉ là chuyện sớm hay muộn để danh tiếng Bạc Liêu lan tỏa bởi một giá trị văn hóa đặc biệt (mà mình đang mang tư cách là nơi sản sinh) - bản DCHL!
Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam bộ và NS Cao Văn Lầu đã được Bộ VH-TT&DL đưa vào quy hoạch là điểm du lịch quốc gia để tổ chức không gian phát triển du lịch khu vực ĐBSCL. Ngay lúc này, việc quốc tế hóa bản DCHL như một động thái cộng hưởng vô cùng quan trọng để nối dài chặng hành trình du lịch xuyên Việt, vươn ra biển lớn bằng một điểm đến đặc biệt gắn với một giá trị văn hóa độc đáo trên vùng đất Chín rồng!
Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.