Liên kết - chìa khóa phát triển bền vững du lịch ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh

Thứ Hai, 09/09/2019 | 17:33

Theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, Việt Nam sẽ phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Cùng với cả nước, ĐBSCL đã ra sức khai thác tiềm năng và lợi thế của mình để xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch mang thương hiệu, đặc thù miệt sông nước Cửu Long. Tuy nhiên, dù là vùng có dư địa ngành “công nghiệp không khói” rất phong phú và giàu có nhưng tốc độ phát triển du lịch của đất Chín Rồng còn khá chậm và xếp hạng thấp nhất cả nước. Để giải bài toán phát triển bền vững du lịch vùng, ĐBSCL đã chọn TP. Hồ Chí Minh là đối tác hợp lực với khát vọng đưa du lịch 14 tỉnh, thành phố “cất cánh”.

Bài 1: Chưa biến ưu thế thành lợi thế phát triển

Một trong những nguyên nhân lớn khiến du lịch ĐBSCL phát triển không tương xứng với tiềm năng chính là chưa thể biến ưu thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên đặc trưng thành lợi thế để nâng cao năng lực cạnh tranh, sức chiến đấu với các vùng, miền khác trong nước. Có quá nhiều điểm nghẽn, bất cập đang tồn tại, mà đặc biệt là sự rời rạc, lỏng lẻo trong việc liên kết đã tác động, tạo rào cản cho quá trình phát triển ngành “công nghiệp không khói” của vùng đất Cửu Long.

Các địa phương Cụm liên kết phát triển du lịch phía Tây - ĐBSCL khảo sát, đóng góp cho sản phẩm du lịch Bạc Liêu. Ảnh: H.T

ĐƠN ĐIỆU SẢN PHẨM VÙNG

Nói về du lịch ĐBSCL, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước có chung nhận định: vấn đề dễ nhận thấy nhất của du lịch đất Chín Rồng là sự trùng lắp, rập khuôn sản phẩm. Thực trạng này không khó lý giải do vùng châu thổ Cửu Long đã tạo ra sự tương đồng cho các địa phương về đặc điểm địa lý, điều kiện thiên nhiên và bản sắc văn hóa. Khi bắt tay làm du lịch, các địa phương không có cách nào ngoài việc “xoáy sâu” khai thác nguồn tài nguyên sẵn có của miệt vườn sông nước. Do vậy, sắc màu du lịch ĐBSCL chỉ gói gọn trong một vài loại hình mà du khách cứ “trông mặt là bắt hình dong”. Đó là du lịch tâm linh, du lịch khám phá miệt vườn sông nước, du lịch chợ nổi, du lịch biển đảo.

Mặc dù, toàn vùng có đến 42 điểm du lịch tiêu biểu cấp vùng nhưng đó lại là những sản phẩm kém hấp dẫn, thiếu sức hút khi có nhiều sự trùng lắp, na ná nhau rất dễ gây nhàm chán cho du khách. Bởi vậy mà có ý kiến cho rằng, đến với 1 - 2 địa phương, thưởng thức vài món đặc sản, rồi ngồi xuồng đi tham quan vườn cây ăn trái, nghe hát đờn ca tài tử… thì xem như đi gần hết cả 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL!

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, thẳng thắn nhận định về điểm yếu của du lịch ĐBSCL: “Nhiều doanh nghiệp lữ hành rất băn khoăn, thiếu ý tưởng khi xây dựng tua tuyến miền Tây phục vụ du khách. Lý do đơn giản là không thể bắt du khách bỏ tiền để trải nghiệm những sản phẩm với màu sắc gần như lặp đi lặp lại”.

Năm 2018 vừa qua, khu vực ĐBSCL thu hút 40,7 triệu lượt khách, trong đó có 3,4 triệu lượt khách quốc tế. Thử làm phép tính, với dân số khoảng 20 triệu dân, như vậy trung bình mỗi năm, một người dân ở ĐBSCL chỉ đón được 2,8 lượt khách nội địa và 0,39 lượt khách quốc tế. Con số này rất khiêm tốn với một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi để phát triển du lịch như ĐBSCL.

Biểu diễn đờn ca tài tử trên sông - một sản phẩm du lịch đặc thù của nhiều địa phương ĐBSCL.

YẾU DO… MẠNH AI NẤY LÀM

Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, các địa phương trong vùng đã chọn cách “liệu cơm gắp mắm” để xây dựng sản phẩm du lịch. Với cách làm này, việc đầu tư cho sản phẩm của ĐBSCL còn mang tính dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm; hay nói cách khác là đầu tư chưa đến nơi, đến chốn.

Mặc dù, ĐBSCL đã hình thành được Cụm liên kết phát triển du lịch phía Tây (TP. Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau) và phía Đông (Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh), song tư duy “mạnh ai nấy làm”, hời hợt trong hợp tác, liên kết bề nổi đã làm cho sản phẩm du lịch vùng kém hấp dẫn và yếu ớt về năng lực cạnh tranh. Một minh chứng rất cụ thể là 13 tỉnh, thành phố của ĐBSCL có tổng lượt khách quốc tế chỉ bằng 1/3 so với 14 tỉnh, thành phố miền Trung; và càng không thể so sánh với các tỉnh, thành phố miền Bắc.

Nhiều ý kiến cho rằng, điểm nghẽn của ĐBSCL là thiếu chiến lược liên kết du lịch nội vùng và ngoại vùng. Lâu nay, cách làm du lịch của các địa phương trong vùng là loay hoay tìm cách tự phát triển chứ chưa chú trọng gắn kết xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch đa dạng, khai thác ưu thế và kết nối lợi thế cạnh tranh của từng địa phương để tạo ra sức mạnh chung cho toàn vùng.

Theo ông Phan Đình Huê, Chủ tịch HĐQT Công ty du lịch Vòng Tròn Việt, sự tương đồng về sản phẩm du lịch ĐBSCL là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, vấn đề này không còn là nan giải nếu biết kết dính cái hay riêng để tạo thành cái đặc sắc chung. Nếu một địa phương chưa thể làm hài lòng du khách thì phải liên kết lại để tăng “áp phê” lên.

Thực tế đã chứng minh, sự phát triển chậm và không đồng đều xuất phát từ nguyên nhân thiếu liên kết, điều đó trong lĩnh vực du lịch lại càng rõ ràng hơn. Cụ thể là năm 2018, tổng lượt khách và doanh thu dịch vụ của Cụm liên kết phát triển du lịch phía Tây chiếm đến 70% toàn vùng, trong khi đó Cụm liên kết phía Đông chỉ chiếm khoảng 30%. Trong mỗi cụm cũng có sự chênh lệch, khác biệt rõ rệt về tốc độ tăng trưởng du lịch giữa các địa phương.

Chưa nhận thấy được tầm quan trọng và vai trò của liên kết nên các địa phương trong vùng đã đi riêng lẻ, không tự biến mình thành một “mắc xích” để tạo thành một “chuỗi xích” chắc chắn. Do đó, ĐBSCL gần như làm du lịch với những tài nguyên sẵn có, bán những thứ có sẵn mà ít sáng tạo cái mới, cái du khách có nhu cầu. Đây chính là nguyên nhân khiến du lịch đất Chín Rồng vốn đã yếu lại đi chậm nên không đủ sức cạnh tranh, tạo thế đứng vững chắc trong dòng chảy du lịch Việt Nam.

HỮU THỌ

Đánh giá về du lịch vùng ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL - Nguyễn Ngọc Thiện, cho rằng: “Mặc dù tiềm năng và thế mạnh du lịch của ĐBSCL là rất lớn, khả năng còn rất lớn, nhưng tốc độ phát triển thuộc nhóm chậm nhất cả nước. Nếu địa phương nào cũng có sản phẩm du lịch na ná, cùng là sông nước, miệt vườn hay văn hóa thì rất khó phát triển”.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.