Ký ức một thời

Kỳ thi tú tài của chúng tôi

Thứ Sáu, 05/06/2020 | 18:24

Tháng Sáu, tháng của những cơn mưa không dứt, của những mùa thi miên man đầy xúc cảm của lũ học trò. Kỳ thi quan trọng nhất bây giờ mang tên THPT quốc gia (riêng năm 2020 có hơi khác một chút là tốt nghiệp THPT). 24 năm trước, kỳ thi tốt nghiệp của chúng tôi có cái tên nghe xưa cũ và hoài niệm hơn: thi tú tài phổ thông trung học!

Liên quan đến kỳ thi “tú tài” thôi thì lớp chúng tôi đã có một kỷ niệm chắc không bạn nào quên! Năm lớp 11, thầy dạy Vật lý sau khi ngán ngẩm với độ “thẩm thấu” không thể nào cạn hơn của tụi học trò lớp B (chuyên Văn) đã có một bài “diễn thuyết” về tầm quan trọng của chuyện học, chuyện năm sau phải thi tốt nghiệp, mỗi trò sẽ trở thành ông tú, bà tú… Một bạn trong lớp nhanh miệng nhanh mồm thốt lên câu “ác ngôn”: “Tú ông, tú bà thì có thầy ơi!”. Cơn giận của thầy sau câu đó kéo dài hết lớp 11, kéo qua luôn lớp 12 với cô giáo phụ trách bộ môn ấy lại là vợ của thầy. Và cũng trời xui đất khiến thế nào mà năm đó, một trong bốn môn thi tốt nghiệp là Vật lý! (Thời đó, mỗi kỳ thi tú tài trung học phổ thông chỉ có 4 môn, ngoài 3 môn Văn, Toán, Ngoại ngữ thì mỗi năm sẽ chọn một môn khác nhau!).

Hồi đó thầy cô cũng khó như bây giờ, tụi học trò cũng chạy sô học thêm chẳng khác ngày nay là mấy. Có điều nội dung học ôn chỉ gói gọn trong chương trình lớp cuối cấp nên cứ ôm sách mà học thuộc lòng đến từng con chữ! Môn Vật lý cô truy bài hàng ngày, cứ mỗi lúc tới tiết là bọn học sinh lại “bỏ quên con tim” vì chẳng dám thở chứ nói chi đến chuyện quay qua, quay lại trao đổi bài với nhau. Mà cũng nhờ thế mà các công thức Vật lý chúng tôi thuộc làu làu, sau này lên đại học, vào chuyên ngành rồi thì trả lại cho cô thầy hết! Gần tới ngày thi, tụi học sinh í ới tìm chỗ học bài. Còn nhớ địa điểm học bài lý tưởng được nhiều học sinh cuối cấp chọn lúc bấy giờ là Tịnh xá Ngọc Liên, nơi có khuôn viên rộng, rất nhiều cây xanh và không gian thì yên tĩnh, rất phù hợp cho việc “mài dùi kinh sử” dù thực chất nhiều đứa đi theo phong trào, có đứa thì vô học chưa xong một bài đã lăn ra ngủ (chắc cũng có đứa vô đó để làm thơ!)

Học tối mắt tối mũi để ôn thi tú tài, sau đó đứa nào thành “ông tú, bà tú” rồi thì tiếp tục ôm cuốn đề tuyển sinh mà học thuộc lòng để chuẩn bị cho kỳ thi cao đẳng, đại học tiếp theo. Thi đại học lúc bấy giờ không rắc rối, lắm nguyện vọng như bây giờ. Cứ mỗi năm (vào khoảng tháng 7) có 3 đợt thi tuyển sinh đại học, ai có nguyện vọng muốn thi trường nào thì đăng ký tùy ý, miễn sao không trùng đợt thi. Vì vậy mỗi học sinh thi nhiều nhất được 3 trường đại học. Kết quả thi được dán tại trường và đăng báo (báo in). Tôi thi khối C, cứ sáng chiều ôm bộ đề tuyển sinh Lịch sử, Địa lý ra sau hồ nước mưa lớn xây bên vỉa hè của nhà, nằm vắt vẻo mà học. Học thuộc cả nét vẽ bản đồ Việt Nam vì đó là một trong các câu hỏi của đề thi môn Địa lý.

Dù bận rộn chuyện học thi, nhưng học trò cuối cấp thì chẳng thể nào bỏ qua “món” ưa thích vốn là trào lưu thời thượng lúc bấy giờ: viết lưu bút. Lớp 31 đứa thì ít nhất cũng có gần 30 đứa có cuốn lưu bút. Xưa hơn một chút, lưu bút được chủ nhân tự tay trang trí, tô điểm cầu kỳ. Lúc tôi học 12, đã có cuốn lưu bút in sẵn, hình ảnh dễ thương, nhỏ gọn, rất tiện để cất giữ. Lưu bút chuyền tay, hết đứa này đến đứa khác, bao nhiêu vốn liếng văn chương được sử dụng cho những bài lưu bút sến sẩm, ướt át. Cũng có đứa chỉ cho tôi vài dòng ghi tên rồi ký cái rẹt, để rồi sau đó chỉ vài năm nó lại rời xa cõi đời mãi mãi…

Giữa các trang lưu bút, lúc nào cũng có điều đặc biệt. Lưu bút của tôi có bài thơ tôi vô cùng yêu thích được thầy dạy Văn chép cho, có chuyện nhỏ bạn thân xuống tận nhà “đòi” lưu bút về viết. Và còn có một nhánh lá thuộc bài cùng một con bướm ép khô từ một người bạn…

Thanh Lâm

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.