Đời hạnh phúc khi cài hoa hồng đỏ

Thứ Tư, 14/08/2019 | 15:40

Một mùa báo hiếu nữa lại về… Giữa nhịp sống xô bồ, hối hả của phố thị sầm uất là những góc khuất thẳm sâu trong đáy tim mỗi người khi nghĩ về chữ “hiếu” trong mùa Vu lan. Trong không gian tĩnh tại ấy, bạn hãy cài cho mình một đóa hoa hồng thật gần nơi trái tim để có thể cảm nhận rõ hơn công đức của cha mẹ - vốn liếng yêu thương không gì có thể thay thế được đối với cuộc đời mỗi con người…

Lễ Vu lan 2019 tại chùa Long Phước (TP. Bạc Liêu). Ảnh: Đ.K.C

Rằm tháng Bảy hàng năm được xem là ngày để cảm niệm, đền đáp công ơn cù lao, dưỡng dục của cha mẹ. Cứ nhìn vào màu sắc hoa hồng trên ngực áo, người ta sẽ dễ dàng phân biệt được những ai còn mẹ và mất mẹ. Người cài hoa hồng đỏ sẽ nở nụ cười thật trọn vẹn, hạnh phúc vì mình còn được nhiều thời gian, cơ hội để chăm sóc, báo đáp hiếu ân để cha mẹ hưởng trọn niềm hạnh phúc tuổi già. Còn những ai cài trên ngực áo mình đóa hoa hồng trắng sẽ nguyện cầu cho mẹ cha mình sớm ngày tiêu diêu nơi miền cực lạc và hồi cố về những tháng ngày tươi đẹp, hạnh phúc khi được kề cận mẹ cha…

Đâu phải đợi đến Vu lan người ta mới bắt đầu nghĩ về “chín chữ cù lao” của đấng sinh thành, nhưng không hiểu sao hễ cứ đến ngày đặc biệt này thì tiếng gọi thân thương - cha và mẹ - lại trỗi dậy vô cùng mãnh liệt. Với tôi, đây không phải là lần đầu tiên tham gia lễ Vu lan tại chùa Long Phước (TP. Bạc Liêu), mà đã rất nhiều lần tôi tham gia đại lễ này tại đây và các ngôi chùa lớn nhỏ trên địa bàn tỉnh, nhưng vẫn vẹn nguyên cái cảm giác rưng rưng khi tự tay mình cài lên ngực áo đóa hồng tươi thắm và lòng dâng lên niềm cảm xúc khôn tả khi nghe bài cảm niệm công đức thật cảm động về nghĩa mẹ, công cha.

Có một thực tế không thể phủ nhận, đó là xã hội càng hiện đại, con người ta càng bị cuốn vào những vòng quay bộn bề của trăm nỗi lo toan, suy tính và đôi lúc xao lãng chuyện hiếu đạo với ông bà, cha mẹ. Đâu đó vẫn còn những câu chuyện thương tâm, những bi kịch của gia đình như: con cái bỏ rơi cha mẹ già sống trong bệnh tật, hoặc bắt họ phải hành khất đầu đường xó chợ để nuôi mình; những đứa trẻ chưa vị thành niên sẵn sàng hãm hại cha mẹ, ông bà để lấy tiền chơi game, thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Còn những chuyện vô tình làm tổn thương cha mẹ, ông bà vì hờn dỗi, vì bất đồng quan điểm, vì khoảng cách thế hệ thì vẫn diễn ra thường nhật. Đau lòng hơn là chuyện cha mẹ có thể nuôi hàng chục đứa con khi còn trẻ, nhưng lúc về già thì không một đứa con nào có thể cưu mang mình, thậm chí còn tị nạnh, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau…

Điều làm tôi cảm thấy ấm lòng nhất là mỗi dịp Vu Lan về trên đất Bạc Liêu, lại bắt gặp hình ảnh đẹp của rất nhiều bạn trẻ đến chùa để cầu sức khỏe, bình an cho cha mẹ, ông bà. Ai cũng hãnh diện, hạnh phúc khi cài trên ngực áo mình đóa hoa hồng đỏ vì còn cha, còn mẹ để yêu thương. Bạn Trần Thị Phương Thanh (học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp tỉnh) chia sẻ: “Mỗi năm cứ đến lễ Vu lan, em lại cùng gia đình đến chùa làm công quả tích phước cho mẹ cha và nguyện cầu cha mẹ sống trường thọ để em được hàng ngày kề cận báo hiếu. Em mong những ai còn được cài đóa hồng đỏ thắm trên ngực áo hãy trân trọng khoảng thời gian còn cha, còn mẹ đủ đầy, hãy dành cho cha mẹ sự quan tâm chu đáo, những lời hay ý đẹp, những cử chỉ yêu thương… đó cũng là cách báo hiếu ý nghĩa nhất”.

Tan nát cõi lòng sau khi mẹ mất, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết: “Khi một người mất mẹ ở tuổi 50, điều ấy có nghĩa là không còn gì có thể dàn xếp được. Cái sa mạc để lại trong lòng bạn cứ thế mỗi ngày lan rộng ra và cõi lòng bạn thì tan nát như một cánh đồng xanh tươi vừa trải qua một cơn bão lớn”. Vậy thì, nếu bạn may mắn còn cha, còn mẹ ở cạnh bên thì hãy cười thật tươi và cài lên ngực áo mình đóa hồng tươi thắm để biết rằng mình đang là người hạnh phúc đến độ nào…

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.