Đặc sắc di sản văn hóa Bạc Liêu - Ninh Bình

Thứ Tư, 22/03/2023 | 15:06

Diễn ra từ ngày 20 - 26/3, không gian của triển lãm chuyên đề “Kinh đô Hoa Lư và các di tích được sắc phong ở Bạc Liêu” do Bảo tàng hai tỉnh Bạc Liêu - Ninh Bình phối hợp tổ chức tại huyện Phước Long đã giới thiệu những giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của hai địa phương.

KHÔNG GIAN HỘI TỤ TINH HOA

Với mục đích góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lâu đời, mang đến cho người dân hai tỉnh không gian để chiêm ngưỡng và tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa của Bạc Liêu và Ninh Bình, triển lãm lần này trưng bày gần 400 tài liệu, hình ảnh, hiện vật. Đến với triển lãm, đông đảo cán bộ, đoàn viên, giáo viên và học sinh trong, ngoài huyện đã được nghe thuyết minh về quá trình thống nhất đất nước và sự ra đời của Nhà nước chính thống đầu tiên ở nước ta, về trang sử sáng ngời của dân tộc với sự ra đời của Nhà nước Đại Cồ Việt và kinh đô Hoa Lư trên mảnh đất Ninh Bình “địa linh nhân kiệt”.

Bên cạnh đó, những danh lam thắng cảnh của Ninh Bình cũng được thể hiện rõ nét qua những hình ảnh của các nhiếp ảnh gia. Đó là nét cổ kính của cố đô Hoa Lư, vẻ đẹp hữu tình của núi Mã Yên, động Am Tiêm, quần thể danh thắng Tràng An… không khỏi khiến những người con Ninh Bình định cư tại Bạc Liêu thêm tự hào và bồi hồi nhớ quê, cũng như đọng lại trong lòng nhiều người dân Bạc Liêu những cảm xúc khó quên. Em Ngô Thị Huỳnh Trân (Trường THPT Võ Văn Kiệt, huyện Phước Long) chia sẻ: “Triển lãm giúp em biết nhiều hơn về những nét đẹp của Ninh Bình, nhất là biết thêm về Nhà nước Đại Cồ Việt dưới thời nhà Đinh - tiền Lê. Hoạt động này cũng giúp em củng cố kiến thức, dễ tiếp thu những bài học lịch sử, đồng thời hiểu biết thêm về truyền thống văn hóa của quê hương, đất nước”.

Dịp này, Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu cũng giới thiệu hình ảnh về 5 ngôi đình tiêu biểu, nổi tiếng được phong sắc thần của tỉnh như: đình Tân Hưng (Phường 3, TP. Bạc Liêu) được xây dựng vào đầu thế kỷ XIX, là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia; đình Tân Long (huyện Vĩnh Lợi); đình An Trạch (Phường 5, TP. Bạc Liêu)… là nơi sinh hoạt tín ngưỡng dân gian và diễn ra lễ hội truyền thống hằng năm của người Bạc Liêu.

Đại biểu của hai tỉnh nghe thuyết minh về các hiện vật tại triển lãm. Ảnh: T.N

THẮT CHẶT MỐI TÌNH KEO SƠN

Đây là lần thứ hai Bảo tàng tỉnh Ninh Bình phối hợp với Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu tổ chức triển lãm tại Bạc Liêu. Triển lãm lần này là một trong những hoạt động trong Chương trình hợp tác được ký kết giữa hai tỉnh Bạc Liêu - Ninh Bình giai đoạn 2022 - 2025, mang ý nghĩa tạo điều kiện để cán bộ và người dân trong tỉnh nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và thắt chặt mối quan hệ hữu nghị, thắm đượm nghĩa tình giữa hai tỉnh trong suốt 63 năm qua.

Ông Nguyễn Xuân Khang - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Ninh Bình, cho biết: “Thông qua việc phối hợp giữa hai đơn vị, chúng tôi muốn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của hai tỉnh Ninh Bình - Bạc Liêu. Đặc biệt lần này, chúng tôi chọn địa điểm tổ chức tại Phước Long là huyện kết nghĩa với huyện Gia Viễn (Ninh Bình) - quê hương của vua Đinh Tiên Hoàng. Chính vì vậy, đợt triển lãm này rất có ý nghĩa gắn kết hơn nữa mối quan hệ tình cảm Bắc - Nam, giữa Ninh Bình với Bạc Liêu”.

Thời gian tới, nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả Kế hoạch 42 năm 2023 của UBND tỉnh về tiếp tục thực hiện Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, ngành Văn hóa tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với Bảo tàng tỉnh Ninh Bình tổ chức thêm nhiều chuyên đề phục vụ nhu cầu hưởng thụ và phát triển đời sống tinh thần của người dân. Điều này còn mang ý nghĩa góp phần vun đắp thêm nghĩa tình gắn bó keo sơn giữa hai tỉnh anh em Bạc Liêu - Ninh Bình.

TUYẾT NGHI

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.