Ký ức một thời

Có một mùa hè đáng nhớ

Thứ Sáu, 03/07/2020 | 17:37

Đó là hè 1986, mùa hè cho tôi đến với cơ duyên viết lách không chuyên mãi tới bây giờ.

Nhà báo - nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Anh Rô (thứ hai từ trái sang) cùng nhóm học viên của lớp trong một buổi thực hành chụp ảnh vào tháng 7/1986.

Hè ấy, Báo Minh Hải mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ viết báo cho cộng tác viên. Tôi từng có bài “Người trưởng bến tận tụy”, viết về bác Bảy Táng, Trưởng Bến xe Minh Hải, gương điển hình của ngành Giao thông - Vận tải Minh Hải, nơi cha tôi làm việc lúc bấy giờ. Bài được sử dụng trong một sự kiện gì đó của ngành. Do “thành tích” ấy, lại đang kỳ nghỉ hè năm lớp 11, tôi được cha tôi gửi cho theo học viết báo.

Trong khuôn viên thoáng rộng của trụ sở Tỉnh ủy Minh Hải cũ, Tòa soạn Báo Minh Hải là một ngôi nhà xây dựng thời Pháp, nằm trên đường Trần Phú, ngay cạnh hàng me. Tôi và các học viên được nghe giảng ở một căn phòng trụ sở nói trên. Anh Tô Đoàn Hùng giảng những vấn đề chung và lý luận báo chí; anh Biên Cương dạy viết tin; anh Dương Minh Long dạy viết gương; anh Phi Thường dạy viết một bài báo nói chung; anh Đặng Anh Rô dạy về nhiếp ảnh; rồi các thể tài báo chí khác nữa, cả phóng sự điều tra.

Hơn 50 anh chị học viên, hầu như đại diện khắp các sở, ngành, huyện, thị. Tôi là thằng em “áp út”, diện tiếp xúc không nhiều, chỉ còn nhớ được anh Sơn bên Công an tỉnh, anh Giang ở Sở Thể dục - Thể thao, anh Phúc bên Sở Tư pháp, chị Thùy Dương ở Đài Phát thanh, chị Lộc bên Phòng Giáo dục thị xã, chị Kim Anh ở Đài Truyền thanh thị xã, anh Sơn Trưởng là cán bộ văn hóa - thông tin Phường 8… Ở cơ quan Báo Minh Hải có chị Thúy. Lúc ấy, ca khúc “Quê hương” của Đỗ Trung Quân - Giáp Văn Thạch đang thịnh, văn nghệ đầu giờ ngày nào hầu như cũng ca bài này. Rồi thì chọc ghẹo, gán ghép lẫn nhau… Tôi phận đàn em, chỉ dám ngồi hóng chuyện, rồi cười, cho “phải phép” vậy mà.

Vui nhất là những buổi thực hành chụp ảnh. Các buổi ấy thường diễn ra trong khuôn viên trụ sở, bên đồng hồ đá, dưới những tàng cây kè, và hình như nơi mọi người chụp nhiều ảnh nhất là hồ sen trước sảnh chính. Các chị mặc đồ thật đẹp. Các anh thì ga-lăng hết chỗ chê. Cha tôi giao cho cái máy Yashica FX3 Super 2000, biết mua phim ORWO nguyên lon 17m về trùm mền “xạc” vào vỏ các cuồn phim cũ thành 10 cuồn 1,7m chụp cho đỡ tốn, lại đang tập ngồi buồng tối tráng phim, rọi ảnh, nên tôi cũng được mấy anh chị “cưng chìu” dữ lắm(!!!). Bữa thực tập ảnh cuối khóa, anh Đặng Anh Rô dẫn sang Phường 6, khúc Lò Rèn có con đường đất dẫn ra ruộng, ở đó có hai khu mả đá rất đẹp, chạm khắc công phu, tinh xảo… Chụp ảnh gần cả ngày trời vẫn còn mê mải.

Kỷ niệm sâu sắc nhất lại là những ngày lặn lội đi thực tế viết bài điều tra về tiêu cực ở Hợp tác xã Nông nghiệp Trà Khứa. Con đường Trà Kha vô Trà Khứa ngày ấy chỉ là con đường mòn cặp bờ kênh, chạy xe đạp không khéo là lọt ùm xuống nước. Rồi gửi xe, đi bộ vô trong đồng cả mấy cây số. Có hôm ngồi đợi bác kia hàng buổi trời chỉ để hỏi một vài tư liệu… Vậy nhưng “máu” ghê luôn, dù ai cũng chỉ là “nhà báo nghiệp dư”, được cơ quan cử đi học vì “không có trâu thì bắt bò kéo cày” như mấy anh chị lớn tuổi nói đùa với nhau. Bài phóng sự điều tra cuối lớp của tổ tôi được điểm giỏi, phần thưởng cho cả tổ là ai cũng được xếp loại giỏi ghi trong tờ Giấy chứng nhận đem về trình cơ quan. Tôi thì đem khoe với cha tôi, chứ không khoe bất kỳ ai khác. Giờ, vẫn cất đó như giữ một kỷ niệm êm đềm, đẹp đẽ của một mùa hè đáng nhớ ở cái thuở hoa niên.

Những ngày hè đáng nhớ ấy, nhỏ bạn thân chung lớp phổ thông đi lấy chồng. Sáng ấy, tôi xin nghỉ học, ngồi tàu đò, đem máy ảnh xuống chụp đám cưới theo đề nghị của bạn. Đến nơi mới hay bạn ghi lộn sớm hơn một ngày, đã gửi thư cho hay nhưng tôi chưa nhận được. Cơm nước xong, tôi từ giã xuống tàu đò về trên thị xã, hẹn sáng mai lại xuống. Cả nhà bạn ái ngại. Bạn thì giận tôi ra mặt. Lúc ấy đâu thể kể lể dông dài rằng chiều ấy lớp có một bài quan trọng, tuy đã xin nghỉ để chụp đám cưới cho bạn, nhưng trong tình hình này, tôi tiếc lắm nên phải về học thôi. Rồi mai sáng lại xuống. Như vậy, tôi vừa được nghe giảng, lại vẫn chụp hình đám cưới cho bạn được mà… Bồ tèo à, chuyện mấy mươi năm bữa nay mới kể, nếu bài viết này được đăng báo, và nếu bạn đọc được thì cảm thông và chia sẻ với thằng bạn học dùm nhe! Là tôi khi ấy đang theo đuổi, thu lượm những gì nhỏ thôi, nhưng tạo nền cho mình đến gần hơn với việc làm mà tôi yêu thích - viết lách.

Bữa cơm liên hoan bế mạc lớp tổ chức ở cửa hàng ăn uống đầu đường vô chợ Bạc Liêu. Thiếu chỗ kê bàn, phải nhờ kê thêm cái bàn tròn ở căn nhà đối diện, ngay góc đường Hà Huy Tập - Lý Tự Trọng, là Hiệu kính Thuận Thành hiện giờ. Anh Đặng Anh Rô ngồi bàn ấy, cùng tụi tôi bữa ấy - cái bàn có những “cây bút” nhí nhất lớp, vừa được lận lưng tấm Giấy chứng nhận lớp bồi dưỡng cộng tác viên, niềm hân hoan đang ngời ngời nét mặt. Tiệc liên hoan thời cuối bao cấp, đơn sơ thôi, nhưng là lần đầu tiên tôi trong tâm thế được mời ăn cơm khách, lại được ngồi chung bàn với nhà báo đang làm ở tòa báo, niềm hãnh diện không gì sánh được… Chiều ấy đạp xe về nhà, đưa cha tôi xem tờ Giấy chứng nhận, ngó ánh nhìn cha tôi, thấy trong ấy đang chứa đựng một niềm vui khó tả.

Tôi đã trải một mùa hè như vậy… Sau này cộng tác với Báo Minh Hải, Báo Bạc Liêu; có lúc được giao phụ trách tờ tin nội bộ của Tỉnh đoàn, trang web và đặc san của Sở VH-TT&DL (nay là Sở VH-TT-TT&DL); sau nữa thì cộng tác thêm với Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Bạc Liêu. Công việc chuyên môn từ bấy đến nay cũng ít nhiều đều liên quan đến việc sử dụng kỹ năng tiếp cận vấn đề, khai thác tư liệu và thao tác viết… Tôi luôn mang ơn lớp tập huấn báo chí ngày ấy đã cho tôi có được những người bạn làm báo, luôn sẵn lòng sẻ chia những câu chuyện đã, sắp hoặc chưa thể hiện lên mặt báo; những điều liên quan hoặc không liên quan trực tiếp đến tôn chỉ, mục đích của tờ báo; những điều bạn, tôi, chúng ta, mọi người và cuộc sống quan tâm.

Y LAN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.