Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung: Tuần Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu 2019 phải thật sự ấn tượng

Thứ Tư, 09/10/2019 | 18:38

Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung

Tuần Văn hóa - Du lịch (VH-DL) Bạc Liêu 2019 với nhiều hoạt động diễn ra từ ngày 19 - 22/11 là sự kiện lớn gắn với kỷ niệm 100 năm ra đời bản Dạ cổ hoài lang (DCHL) của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, 100 năm hình thành di tích kiến trúc nghệ thuật nhà Công tử Bạc Liêu (CTBL). Khẳng định ý nghĩa đặc biệt, nội dung và quy mô của sự kiện, ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Tuần VH-DL Bạc Liêu 2019, cho biết:

Các hoạt động của sự kiện nhằm tăng cường giới thiệu và quảng bá hình ảnh về VH-DL của tỉnh đến với bạn bè trong nước và quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung và VH-DL nói riêng. Tạo điều kiện để các đơn vị, địa phương liên kết hợp tác phát triển; là cơ hội để xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại DL, nhất là lĩnh vực DL, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về “tiếp tục đẩy mạnh phát triển DL Bạc Liêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Chuỗi sự kiện bao gồm nhiều hoạt động diễn ra trên phạm vi toàn tỉnh, trong đó TP. Bạc Liêu là địa bàn trung tâm, nổi bật là các sự kiện: Lễ khai mạc Tuần VH-DL Bạc Liêu 2019 và chương trình nghệ thuật “DCHL - Với các miền di sản”; tổ chức Không gian các miền di sản với chủ đề “Hội tụ các miền di sản”; liên hoan Đờn ca tài tử (ĐCTT) 3 tỉnh: Bạc Liêu - Sóc Trăng - Cà Mau lần thứ XIV - năm 2019 mở rộng; tọa đàm, giao lưu và biểu diễn nghệ thuật tôn vinh bản DCHL; tái hiện không gian sinh hoạt xưa tại nhà CTBL; lễ ký kết hợp tác phát triển toàn diện giữa Bạc Liêu với một số công ty lữ hành, doanh nghiệp kinh doanh DL… Với tiêu chí tổ chức các hoạt động phải thật sự ấn tượng và tạo hiệu ứng lan tỏa rộng rãi; đặc biệt, phải tăng cường vận động tài trợ góp phần giảm chi cho ngân sách. Các hoạt động phải có sự góp mặt, hỗ trợ, cộng đồng trách nhiệm của các tỉnh, thành phố để thật sự là sự kiện mang tính liên kết, hợp tác phát triển.

Tiết mục văn nghệ trong chương trình nghệ thuật kỷ niệm 100 năm ra đời bản Dạ cổ hoài lang tổ chức vào dịp Ngày Sân khấu Việt Nam (12/8 âm lịch). Ảnh: H.T

PV: Thưa ông, Tuần VH-DL Bạc Liêu 2019 được tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm ra đời bản DCHL và 100 năm hình thành di tích kiến trúc nghệ thuật nhà CTBL, vậy những hoạt động sẽ tập trung vào 2 sự kiện này như thế nào?

Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung: Tuần VH-DL Bạc Liêu 2019 sẽ có nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm ra đời bản DCHL và 100 năm hình thành di tích kiến trúc nghệ thuật nhà CTBL. Qua chuỗi sự kiện sẽ giúp chúng ta có một hướng nhìn mới hơn về giá trị của bản DCHL để hiểu hơn vị trí, vai trò của DCHL trong “dòng chảy” văn hóa và đặc biệt là thấy được giá trị, ý nghĩa của DCHL đóng góp cho nghệ thuật ĐCTT Nam bộ - một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Bên cạnh đó, sẽ giúp mọi người có thể tìm hiểu kỹ hơn, hiểu rõ hơn về những nét đặc trưng của vùng đất Bạc Liêu trù phú, con người Bạc Liêu phóng khoáng, hào sảng và cũng rất nhân hậu, nghĩa tình.

Lễ khai mạc và chương trình nghệ thuật “DCHL - Với các miền di sản”, sẽ tái hiện lại lịch sử hình thành của DCHL cũng như quá trình phát triển từ DCHL đến nghệ thuật ĐCTT Nam bộ và cải lương ngày nay. Thực cảnh được dàn dựng sẽ giúp người xem cảm nhận về quê hương và con người Bạc Liêu xưa và nay, đặc biệt sẽ tái hiện hình ảnh về CTBL, đó là nét đẹp trong tính cách của một con người Nam bộ hào sảng, trọng nghĩa tình, có trước có sau.

Một hoạt động nữa là tổ chức các hoạt động tại nhà CTBL; tái hiện không gian sinh hoạt xưa của gia đình CTBL, cuộc sống của một nhân vật nổi tiếng mà du khách khi đến Bạc Liêu đều muốn biết; đồng thời, giới thiệu cho du khách một khía cạnh thú vị khác, đó là các nét đẹp về tính cách của con người Nam bộ trong CTBL. Ngoài ra, nơi đây còn xây dựng không gian sinh hoạt tái hiện sự trù phú một thời của Bạc Liêu, du khách sẽ được tìm hiểu quá trình lao động, sinh hoạt của người Nam bộ xưa và nay, giới thiệu nghệ thuật ĐCTT, hứa hẹn sẽ trở thành Trung tâm DL - dịch vụ - vui chơi, giải trí với quy mô lớn mang “thương hiệu” CTBL, chỉ Bạc Liêu mới có.

PV: Tuần VH-DL Bạc Liêu 2019 nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại, kích cầu DL của tỉnh nhà. Vậy sau sự kiện này, Bạc Liêu sẽ tiếp tục tập trung đầu tư, xây dựng các sản phẩm DL mang tính đặc trưng như thế nào, thưa ông?

Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung: Những năm gần đây, DL Bạc Liêu đã biết khai thác các giá trị từ bản DCHL và nghệ thuật ĐCTT Nam bộ để cộng hưởng tạo thành những sản phẩm DL mang thương hiệu của riêng Bạc Liêu, với giá trị nhân văn độc đáo, mang tính đặc thù cao, có sức cạnh tranh trên thị trường.

Nghệ thuật ĐCTT là “món ăn tinh thần” của người dân Nam bộ. Nhưng cái “độc quyền” của DL Bạc Liêu có được chính là nơi mà cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu cho ra đời bản DCHL. Qua 100 năm hình thành (1919 - 2019), tác phẩm được xem như một kết tinh quan trọng, độc đáo trong lịch sử phát triển của nghệ thuật ĐCTT Nam bộ và khơi nguồn cho dòng chảy của vọng cổ ngày nay. Bạc Liêu có một “bảo tàng” độc nhất Việt Nam (đến thời điểm này) về nghệ thuật ĐCTT - Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, đây cũng là một trong 9 điểm DL tiêu biểu cấp vùng được Hiệp hội DL ĐBSCL công nhận.

Hiện nay, Bạc Liêu đang tập trung vào việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa - lịch sử của bản DCHL và nghệ thuật ĐCTT Nam bộ để hình thành sản phẩm DL đặc thù nhằm tạo thế đứng vững trong không gian DL ĐCTT chung của Nam bộ. Cụ thể là các chương trình du khảo và tìm hiểu về quá trình ra đời bản DCHL, nghệ thuật ĐCTT, vọng cổ; các chương trình DL tái hiện lại cuộc đời của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu trên đất Bạc Liêu; tổ chức và khai thác dưới góc độ DL lễ hội DCHL; hướng tới phát triển các loại hình dịch vụ lưu trú theo hình thức homestay (cụ thể hơn là mô phỏng theo nhà ở của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, xây dựng không gian đánh thức tình cảm, tâm tư để người nhạc sĩ tài hoa đã cho ra đời bản nhạc lòng bất hủ…); tạo ra những mặt hàng lưu niệm gắn với cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu…

Riêng giai thoại về CTBL đã trở thành “thương hiệu” ghi dấu ấn trong lòng du khách khi nói đến Bạc Liêu và đặc biệt là ngôi nhà CTBL hiện nay có sức cuốn hút mạnh mẽ đối với du khách. Ngôi nhà nằm cạnh bờ sông Bạc Liêu với bề dày 100 năm lịch sử, được xem là ngôi biệt thự bề thế nhất ở Nam kỳ lục tỉnh lúc bấy giờ. Hiện nay, nơi đây là một trong những địa chỉ DL hàng đầu khi du khách đến với Bạc Liêu. Bạc Liêu mong muốn và đang thực hiện nhiều giải pháp để khai thác hiệu quả “thương hiệu” CTBL trong định hướng phát triển DL của tỉnh, kết nối chặt chẽ với phát triển DL của vùng ĐBSCL và cả nước, trên tinh thần thu hút nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp có năng lực mạnh nhằm phát huy cao nhất tiềm năng “thương hiệu” này.

* PV: Xin cảm ơn ông!

CẨM THÚY (thực hiện)  

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.