Văn hóa - Nghệ thuật
Chú Tám về trời
Mới hơn 2 năm mà đất Bạc Liêu - Cà Mau đã rơi rụng hai con chim đầu đàn trên lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật. Bắt đầu là soạn giả Trọng Nguyễn - một danh sĩ của đất Bạc Liêu, Cà Mau. Giờ thì đến chú Tám - nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Võ An Khánh, cũng là một danh sĩ của đất Bạc Liêu - Cà Mau. Trong mắt tôi, đó là hai ngôi sao sáng nhất trong vòm trời văn học - nghệ thuật của tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau hôm nay. Lớp văn nghệ sĩ như tôi phải gọi các ông là tiền bối.
NSNA Võ An Khánh (ảnh chụp lúc 85 tuổi). Ảnh: NSNA Anh Nhi
Đối với chú Tám Khánh, tôi quen biết ông nhiều chục năm nhưng gặp gỡ thường xuyên là khi tôi làm Trưởng ban Biên tập đặc san Nhà báo và Nghề báo. Mỗi dịp 21/6 - Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, là tôi khai thác ông với tư cách là nhà báo lão thành, hay dịp 30/4 - Ngày giải phóng miền Nam, tôi cần ảnh tư liệu thời kháng chiến. Những dịp như thế, tôi đến nhà để gặp một ông già ăn mặc giản dị mà có rất nhiều điều để nói. Đó là một người đứng tuổi cao cao, mảnh khảnh mà thanh thoát. Ông gửi cho khách một nụ cười rất tươi, với khẩu hình rộng mà có duyên. Tôi nghĩ vui trong bụng, ông già này thời trẻ chắc đã làm bao nhiêu cô gái “chết chìm”. Khách đến nhà nhờ vả nhưng ông đối xử rất vui, nhiệt tình chứ không thấy một chút sự thể hiện “cây đa cây đề”. Ông nói huyên thuyên mà câu từ rất lịch lãm, nhã nhặn. Với tôi thì ông gọi bằng cháu và xưng chú ngọt xớt, còn với mấy cô gái thì ông xưng là “Tám”: “để Tám nói cho mà nghe”... Không chỉ lịch lãm mà ông còn thể hiện sự khiêm tốn trong từng lời nói. Tiếp chuyện với ông, ta mới thấy một nghệ sĩ lớn đang hiện diện trước mắt mình.
Có lần tôi vô nhà xin ảnh để tuyên truyền kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, ông châm trà rồi bảo: “Cháu ngồi đó uống trà đi để chú soạn”, rồi khệ nệ bê ra mấy cái thùng đạn đại liên. Hồi đó không như bây giờ, làm gì có đĩa, có USB; việc lưu trữ phim nhựa rất khó khăn, sơ sẩy một tí là hỏng hết phim. Chú Tám lưu trữ những tác phẩm chụp nhiều năm của mình trong những thùng sắt của Mỹ vốn được dùng để đựng đạn đại liên. Tôi còn nhớ trong các thùng ấy, ông đặt vào những túi gạo rang để chống ẩm - một sự ngăn nắp và tỉ mẩn thật sự, hiếm thấy. Phim thì ông gói trong giấy chống ẩm, mỗi thùng sẽ là một thể loại khác nhau: thùng này là ảnh thời sự, thùng kia là ảnh nghệ thuật... Ông lục phim ra rồi dặn: “Để chú phóng ra ảnh rồi 2, 3 ngày nữa cháu lấy”.
NSNA Võ An Khánh là người mà từ trong kháng chiến ra hòa bình, từ Ban Tuyên huấn đến Hội Văn nghệ Cà Mau rồi Minh Hải, ai cũng nhìn nhận ông là một người kỹ tính đến tỉ mẩn trong nghề làm ảnh… Vì thế mà mấy cái thùng đạn đại liên Mỹ của ông thật sự là một kho lưu trữ đồ sộ, nó lưu giữ toàn bộ những tác phẩm mấy chục năm cầm máy của ông. Đó là những tác phẩm ghi lại hơi thở, cái bi hùng của sự nghiệp đánh Mỹ cứu nước và những năm hòa bình đầy khó khăn, vất vả của quân dân Bạc Liêu - Cà Mau. Nhìn ông, ta thấy một trách nhiệm rất cao đối với bản thân mình trong vai trò là nghệ sĩ. Và hơn thế nữa đó là trách nhiệm của chứng nhân lịch sử đối với cuộc đời. Bây giờ thì ông đã ra đi, hóa thành cánh cò, cánh vạc nhưng những tác phẩm của ông thì sẽ ở lại rất lâu.
Lãnh đạo tỉnh thăm, chúc mừng NSNA Võ An Khánh được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho công trình văn học - nghệ thuật đặc biệt xuất sắc.
Chú Tám Khánh quê gốc ở Hồng Dân (Bạc Liêu), 17 tuổi đã giác ngộ cách mạng, kinh qua nhiều chức vụ công tác, có lúc thăng, có lúc trầm. Ông được Đảng và Nhà nước tặng nhiều huân, huy chương, được công nhận 40 năm tuổi Đảng, được tặng thưởng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật năm 2022.
Cái lớn nhất, bao trùm trong toàn bộ cuộc đời chú Tám, cũng như toàn bộ sự nghiệp cách mạng của chú là sự nghiệp chụp ảnh. Cầm chiếc máy ảnh như một thứ vũ khí, chú xông pha lửa đạn, ghi lại từng phút, từng giờ công cuộc đánh Mỹ trong chiến tranh và sự vận động đi lên trong hòa bình. Đó là những hình ảnh phản ánh lịch sử bằng một góc nhìn tài hoa của người nghệ sĩ nên rất giàu cảm xúc, đọng mãi trong lòng người xem. Chính vì thế mà tác phẩm của NSNA Võ An Khánh đã đạt nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế. Đến người Mỹ, kẻ thù của chúng ta trong cuộc chiến tranh vẫn triển lãm ảnh chiến tranh của NSNA Võ An Khánh.
NSNA Võ An Khánh ngồi xe lăn đi sáng tác ảnh tại một sự kiện văn hóa của tỉnh. Ảnh: H.T
Tác phẩm của NSNA Võ An Khánh đã kết tinh thành văn hóa, ghi đậm một dấu ấn trong văn học - nghệ thuật của Bạc Liêu - Cà Mau. Cuộc đời sẽ nhớ, Nhân dân sẽ nhớ.
Chú Tám đã về trời, xin vĩnh biệt ông, người nghệ sĩ tài hoa, một chứng nhân lịch sử đầy trách nhiệm với cuộc đời.
Nhà văn Phan Trung Nghĩa
- Bạc Liêu đoạt 4 giải tại Hội giảng Nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024 tại Quảng Ninh
- Họp mặt thầy cô giáo quê Minh Hải (cũ) tại TP. Hồ Chí Minh
- Huyện Phước Long: Tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc khu dân cư ấp Vĩnh Lộc
- Khai mạc Tuần lễ Văn hóa, Du lịch gắn với Lễ hội Ok Om Bok năm 2024
- Hội nghị kết nối, xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Ninh Thuận tại TP. Hồ Chí Minh