Bảo tồn và phát huy giá trị nhà cổ: Chậm... quá chậm(!?)

Thứ Hai, 12/08/2019 | 16:09

Trong số hơn 20 công trình thuộc kiến trúc cổ ở Bạc Liêu, có 13 công trình (đa số thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật) đã được UBND tỉnh ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Bạc Liêu cũng đã từng tổ chức hẳn một hội thảo khoa học chuyên đề “Bảo tồn nhà cổ Bạc Liêu” vào giữa năm 2011; rồi những chuyến khảo sát của các đơn vị chuyên trách để lên phương án trùng tu, bảo tồn nhà cổ cũng đã có. Thế nhưng, câu chuyện giữ gìn và phát huy giá trị các công trình kiến trúc cổ vẫn ở tiến độ rất chậm. Liệu chậm nhưng có đảm bảo sẽ… chắc không khi các ngôi nhà cổ ngày một xuống cấp nghiêm trọng?

Đối diện Trường tiểu học Phùng Ngọc Liêm (phường 3, TP. Bạc Liêu) có một ngôi nhà rêu phong phủ kín, cây mọc um tùm vượt tới mái nhà, cửa sổ bằng gỗ đã rệu rã, mục nát… Dưới chân ngôi nhà, một góc người ta bán quán cà phê, một góc khác là quầy bán chuối nướng và xe bán nước giải khát cho học sinh. Nhiều lần dừng đậu xe mua hàng cho con, tôi hay nghe mấy người cùng mua đứng nhìn ngôi nhà và nói: Nhà này không bao lâu nữa sẽ sập! Thật ra, đó là di tích lịch sử Trụ sở Tỉnh ủy lâm thời Bạc Liêu (1945 - 1946), còn gọi là Trụ sở Mặt trận Việt Minh Bạc Liêu năm 1945. Một công trình vừa có ý nghĩa về mặt lịch sử, vừa mang dáng dấp của một công trình kiến trúc cổ quý giá, thế mà giờ đây gần như chỉ còn là phế tích! Giá trị của một di tích cấp tỉnh, một công trình cổ (vốn rất quý hiếm) đã bị mờ nhạt đi dưới mắt nhìn của nhiều người, bởi sự hoang phế, xuống cấp trầm trọng!

Di tích lịch sử Trụ sở Tỉnh ủy lâm thời Bạc Liêu giai đoạn 1945 - 1946 (đường 30/4, phường 3, TP. Bạc Liêu) đã xuống cấp nghiêm trọng trong nhiều năm qua. Ảnh: H.T

Xin nhắc lại câu chuyện xảy ra cách đây vài năm. Một ngôi nhà cổ (đã được xếp bằng di tích cấp tỉnh) do tư nhân làm chủ sở hữu vì xuống cấp trầm trọng mà chờ mãi cũng không thấy có giải pháp bảo tồn, trùng tu của đơn vị có trách nhiệm (dù đã có báo cáo với chính quyền địa phương). Để đảm bảo an toàn cho gia đình có đến 3 thế hệ chung sống trong ngôi nhà đó, chủ nhà đã đem bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh trả lại chính quyền, để họ có “quyền” sửa chữa ngôi nhà theo ý mình!

Và rất nhiều ngôi nhà cổ khác (đa số trên địa bàn TP. Bạc Liêu) vẫn đang trong tình trạng gần như hoang phế, xập xệ; dù cho các dự án, hội thảo bảo tồn và phát huy giá trị nhà cổ, rồi những đợt khảo sát lên phương án chống xuống cấp và phát huy giá trị nhà cổ cũng đã có! Trong khi đó, những định hướng để phát triển du lịch Bạc Liêu, gần đây nhất là trong Nghị quyết số 11 của Tỉnh ủy, ở nhiệm vụ “phát triển đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các sản phẩm du lịch” có nêu: “Tiếp tục nâng cấp, trùng tu, tôn tạo nhằm bảo tồn các di tích lịch sử, cách mạng, văn hóa được xếp hạng, các công trình văn hóa, các công trình kiến trúc cổ để xây dựng thành sản phẩm du lịch thu hút du khách”.

Đi tìm câu trả lời cho việc bảo tồn và phát huy giá trị các công trình kiến trúc cổ, chúng tôi đã nhận ra sự nan giải, cập rập của các đơn vị hữu quan. Những công trình kiến trúc cổ của tư nhân thì đa số chủ sở hữu vẫn chưa mặn mà với việc bắt tay làm du lịch (nguyên nhân dễ hiểu là người dân không đủ năng lực để làm du lịch không, có niềm đam mê, chịu tìm tòi, học hỏi mô hình và nhất là không có tiền đầu tư. Nếu chỉ nói chung chung là vận động, khuyến khích họ làm du lịch từ những ngôi nhà cổ đã… rệu rã ấy, họ sẽ không biết bắt đầu từ đâu?!). Nhiều công trình kiến trúc cổ khác thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan Nhà nước thì vẫn đang trong giai đoạn trình thủ tục, chờ duyệt kinh phí sau khi đã thực hiện xong các bước khảo sát để tiến tới trùng tu, nâng cấp. Mà các bước này, theo ghi nhận từ thực tế là “tốn” rất nhiều thời gian?! Trong khi đó, những công trình kiến trúc cổ không thể chờ mãi, bản thân chúng đã có tuổi, quá “già nua”, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào, nhất là trong điều kiện thời tiết, khí hậu bây giờ có thể nói luôn gây bất lợi cho những công trình dễ “lung lay” này! Những hộ dân sống gần những công trình cổ cho biết, họ luôn canh cánh lo âu không biết khi nào những ngôi nhà cổ sụp xuống. Kinh phí để trùng tu, tôn tạo đảm bảo giữ gìn được nguyên gốc của một công trình đúng “cổ” còn đắt đỏ hơn nhiều so với việc phải xây dựng một công trình mới. Phải chăng vì nguyên nhân này mà động thái bảo tồn nhà cổ bấy lâu nay gần như “dậm chân tại chỗ”? Một điều chắc chắn là, đối với những công trình cổ thì câu nói “chậm mà chắc” không phù hợp. Không thể “chắc” được khi đó là những ngôi nhà đã hơn trăm năm tuổi, chúng không thể “trơ gan cùng tuế nguyệt” mãi!

Khoan bàn đến mô hình hiệu quả nào để đưa nhà cổ vào phát triển du lịch, theo chúng tôi, trước mắt và vô cùng cấp thiết là bảo tồn nhà cổ trước! Các thủ tục để đầu tư trùng tu, tôn tạo các ngôi nhà cổ phải được xúc tiến nhanh chóng. Giữ được nhà cổ trước rồi hãy tính đến con đường xây dựng sản phẩm du lịch từ nhà cổ.

CẨM THÚY

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.