Trong nước

Sẽ cải tiến bước đầu việc chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV

Thứ Ba, 17/04/2018 | 15:17

Sáng 17-4, tiếp tục chương trình phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 5 của Quốc hội.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 tới là 19 ngày. Trong đó, xây dựng luật: 11 ngày; giám sát tối cao và các vấn đề quan trọng khác: 6,5 ngày; khai mạc, bế mạc: 1,5 ngày. Quốc hội họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 21-5-2018 và dự kiến bế mạc vào ngày 14-6-2018.

Dự kiến nội dung kỳ họp sẽ rút 4 dự án Luật ra khỏi dự kiến chương trình, gồm: Luật Hành chính công; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường và Luật Dân số để tiếp tục hoàn thiện; rút các báo cáo công tác của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Ngoài ra, đối với các dự án luật khác trình tại phiên họp này (như Luật Quản lý phát triển đô thị ...), sau khi các cơ quan hữu quan tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện, nếu vẫn không đủ điều kiện về hồ sơ tài liệu, chất lượng dự án để trình Quốc hội thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, rút khỏi dự kiến chương trình.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn.

Cụ thể, về công tác lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 9 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết, gồm: Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật An ninh mạng; Luật Quốc phòng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật Đo đạc và bản đồ; Luật Xây dựng và Luật Quản lý Đô thị (nếu đủ điều kiện); Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Quốc hội sẽ cho ý kiến về các dự án luật, gồm: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá; Luật Cảnh sát biển; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật: Xây dựng, Nhà ở, Quy hoạch đô thị, Kinh doanh bất động sản (nếu có); Luật Công an nhân dân (sửa đổi).

Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016. Quốc hội cũng giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Phát biểu thảo luận về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 5, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị bổ sung thêm vào chương trình kỳ họp báo cáo về tình hình, kết quả khắc phục, xử lý 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ đồng vì vấn đề này rất được đại biểu, cử tri và nhân dân quan tâm. Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cũng đề nghị bổ sung thêm báo cáo về kết quả giám sát những vấn đề bức xúc nổi lên trong lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn, trình xem xét tại kỳ họp. “Đây là nội dung mới và nên làm để tổng hợp lại những kiến nghị, bức xúc của của cử tri và nhân dân; được các ủy ban và Hội đồng Dân tộc đưa ra để Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Quốc hội xem xét”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nêu quan điểm.

Cơ bản nhất trí với dự kiến chương trình kỳ họp song Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị nên tăng thời gian thảo luận đối với một số dự án luật khó, luật mới, như Luật Đơn vị kinh tế-hành chính đặc biệt, Luật Phòng, chống tham nhũng; bố trí phát thanh, truyền hình trực tiếp về một số chuyên đề giám sát, Luật Phòng, chống tham nhũng Luật Tố cáo, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí....

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thì đề nghị việc thí điểm chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần thứ 22 nên được tiếp thu, cải tiến tại kỳ họp thứ 5 tới và nên tham khảo thêm ý kiến của Chính phủ.

Kết luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng ý với chủ trương giảm hoặc quy định thời gian cụ thể đối với việc thảo luận tổ, tăng thời gian thảo luận ở hội trường, tùy theo tính chất, quy mô của từng luật. Nếu tăng thời gian thảo luận ở hội trường cho các vấn đề kinh tế-xã hội, gắn với báo cáo thực hành tiết kiệm, an toàn thực phẩm...; chỉnh thời gian cho công tác lập pháp thì thời gian dự kiến chương trình kỳ họp sẽ tăng thêm.

Nhấn mạnh việc cải tiến, thí điểm áp dụng hình thức chất vấn - trả lời chất vấn ngay trong thời gian qua có kết quả tốt, nhận được sự đồng tình, ủng hộ, hài lòng của cử tri, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại kỳ họp thứ 5 tới sẽ tiếp tục phát huy và cải tiến bước đầu việc này (đại biểu hỏi trong 1 phút, mỗi đại biểu 1 câu hỏi; 3 đại biểu hỏi một lần, bộ trưởng dành 9 phút để trả lời (3 phút cho 1 cụm câu hỏi).

Theo QĐND

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.