Trong nước
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc: Chưa thể mua lại tài sản tư để đưa về tài sản công do luật chưa có quy định
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay trong Luật Quản lý tài sản công chưa có quy định về hình thức mua lại các tài sản tư để đưa về tài sản công. Vì vậy, vừa qua có một số nhà đầu tư có ý định mua lại khi có thay đổi hướng tuyến thì vẫn chưa xử lý được.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. (Ảnh: DUY LINH)
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 6/11, các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc về vấn đề quản lý, sử dụng tài sản công, chi thường xuyên và giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn về thực hiện Nghị quyết số 74 của Quốc về đẩy mạnh thực hiện việc chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Trả lời các nội dung này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, hiện đã có Luật Quản lý tài sản công năm 2017. Sau khi luật được ban hành, Chính phủ đã ban hành 20 nghị định và Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 quyết định, Bộ Tài chính đã ban hành 15 thông tư hướng dẫn quản lý, sử dụng tài sản công.
Bộ trưởng khẳng định, lĩnh vực tài sản công liên quan đến tất cả các ngành, các cấp, từ cấp xã lên đến cấp Trung ương nên phạm vi quản lý rất lớn. Việc quản lý tài sản công thể hiện trách nhiệm của người được giao quản lý tài sản công đối với việc phát huy và sử dụng hiệu quả của tài sản công. Thời gian tới, Bộ Tài chính đang đề xuất Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa Luật Quản lý tài sản công bởi chưa bao quát hết hành vi.
Về hình thức mua lại các tài sản tư để đưa về tài sản công, Bộ trưởng Tài chính cho biết, hiện nay, trong thiết kế của Luật Quản lý tài sản công chưa có hình thức này. Vì vậy, vừa qua có một số nhà đầu tư có ý định mua lại khi có thay đổi hướng tuyến, chúng ta vẫn chưa xử lý được. Quốc hội là cơ quan ban hành luật, nên thẩm quyền vấn đề này thuộc về Quốc hội, Quốc hội có thể ban hành Nghị quyết về vấn đề này.
Đối với việc Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC chuyển sang trực thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Bộ trưởng cho biết, VTC là một đơn vị sự nghiệp của nhà nước, chuyển giao về VOV cũng là một đơn vị sự nghiệp nhà nước quản lý.
Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội, sáng 6/11. (Ảnh: DUY LINH)
Trong đó có vấn đề chưa được xử lý là một số công trình có phần góp vốn tư nhân, doanh nghiệp. Bộ Tài chính đã họp nhiều lần về vấn đề này và đã tính đến việc cho một doanh nghiệp nhà nước có đầy đủ tiềm năng về tài chính để mua lại, trả nợ cho các doanh nghiệp góp vốn.
Tuy nhiên, sau khi tính toán thì các đơn vị đó cũng không có nhu cầu, số tiền mua được cũng không đủ để trả nợ, vấn đề này đã lâu không xử lý, lãi suất ngân hàng làm số tiền phải giải quyết tăng lên. Chính phủ hiện đang chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục xử lý các vấn đề này.
Cũng như các nghị định Chính phủ, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng sửa về hướng dẫn quản lý, sử dụng tài sản công. Một số đơn vị sự nghiệp công lập khi liên doanh, liên kết, thuê tài sản công sẽ được quy định chặt chẽ, cụ thể hơn.
Về vấn đề chậm ban hành các văn bản, nghị định về thực hiện Nghị quyết 74, Bộ trưởng Tài chính cho biết, sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Tài chính đã lấy kiến của các bộ, ngành. Tháng 3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để thực hiện cho các năm tiếp theo.
Đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) chất vấn Bộ trưởng Tài Chính về vấn đề chi thường xuyên và chậm ban hành thực hiện Nghị quyết 74 của Quốc hội. (Ảnh: DUY LINH)
Vì vậy, do liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp và phải lấy ý kiến của nhiều nơi cho nên cũng có phần chậm so với quy định. Tuy nhiên, việc triển khai đối với việc thực hiện Nghị quyết 74 cơ bản là nâng cao về trách nhiệm của các cơ quan quản lý tài sản.
Bộ trưởng Tài chính cho biết, hiện Nghị định 167, Nghị định 151 quy định chính sách liên quan đến tài sản công, và đây là các nghị định vẫn đang còn sửa đổi.
Về lâu dài, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết phải sửa đổi về quy định Luật Quản lý tài sản công và phía Bộ Tài chính đang đề nghị sửa Nghị định 167 theo hướng rút gọn, đang xin ý kiến các bộ, ngành.
Về phía là cơ quan tập hợp và quản lý về vấn đề nhà nước về quản lý tài sản công, Bộ Tài chính sẽ tăng cường công tác thanh tra và kiểm tra, đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản công để theo dõi những biến động của tài sản công và từ đó siết chặt về quản lý hiệu quả hơn.
Cá thể hóa trách nhiệm đến từng người quản lý tài sản công
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. (Ảnh: DUY LINH)
Liên quan chất vấn của đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) cho biết thời gian qua, nhiều xã sẽ được chia tách, sáp nhập, tuy nhiên việc xử lý nhà đất khi sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn chậm, nhiều trụ sở hành chính còn bỏ trống trong khi còn nhiều cơ quan đang sử dụng chung nơi làm việc; đề nghị Bộ trưởng cho biết thực trạng, nguyên nhân xảy ra tình trạng này và có giải pháp căn cơ nào để xử lý, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, tài sản công cấp tỉnh thuộc quyền quản lý của Ủy ban nhân dân các địa phương.
Đối với tài sản công thuộc cấp Trung ương thì do Chính phủ quản lý, cơ quan tham mưu cho Chính phủ là Bộ Tài chính và các cơ quan trực tiếp quản lý tài sản công là các bộ, ngành.
Bộ trưởng khẳng định, đa số tài sản công sau khi sắp xếp các đơn vị cấp huyện, cấp tỉnh thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh, hiện đã xử lý được khoảng 90% tài sản công, còn 10% với gần 1.000 tài sản công chưa được xử lý, trong đó có khoảng 500 tài sản công đang bị bỏ không, gây lãng phí.
Khi chuyển tài sản công cho các cơ quan, đơn vị ở nhiều địa bàn khác nhau không có nhu cầu; hơn nữa, khi muốn định giá để bán tài sản công, cũng khó thì được cơ quan định giá.
Ngoài ra, để chuyển tài sản công sang mục đích khác để tổ chức đánh giá, những trụ sở này được phê duyệt lại về quy hoạch sử dụng đất và phải chuyển mục đích sử dụng đất cũng phải chuyển mục đích sử dụng đất và phải điều chỉnh lại quy hoạch, phải làm một loạt các thủ tục khác.
Giữa tháng 9 vừa qua, Bộ Tài chính đã hướng dẫn và có văn bản đôn đốc đồng thời sẽ làm việc với các đơn vị liên quan để hướng dẫn thêm, xử lý các tài sản công này, bảo đảm đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả.
Bộ trưởng Tài chính cũng cho biết, công tác quản lý tài sản công thuộc thẩm quyền của nhiều ngành, nhiều cấp, trách nhiệm thuộc về người trực tiếp quản lý tài sản công, thủ trưởng của các đơn vị quản lý tài sản công, nếu mất mát thì trách nhiệm là ở cơ quan quản lý tài sản đó. Bộ Tài chính có vai trò hướng dẫn các văn bản pháp luật liên quan đến công tác quản lý, định mức kinh tế kỹ thuật.
Bộ trưởng cho rằng, vấn đề cần thực hiện hiện nay là cần nâng cao trách nhiệm quản lý tài sản công, cụ thể hóa, cá thể hóa đến từng người quản lý tài sản. Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh đôn đốc, thanh tra, kiểm tra đối với công tác này.
Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) về quy định về tính chất của dự án đầu tư công trong Luật Đầu tư công chồng lấn với các quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật chuyên ngành khác trong việc sử dụng chi thường xuyên để mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản công, Bộ trưởng Tài chính cho rằng, vướng mắc cần có sự giải thích luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện chính xác và yên tâm. Hiện còn những vướng mắc trong triển khai thực hiện do chưa hiểu đầy đủ, thống nhất về chi thường xuyên, chi đầu tư.
Trước quan điểm cho rằng quy định về các định mức không phù hợp gây ra lãng phí trong đầu tư công, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ, qua nghiên cứu định mức xây dựng đối với một số công trình giao thông, kiến trúc cho thấy không thấy lãng phí mà nhiều định mức thấp hơn so với chi phí như định mức nhân công.
Lãng phí đầu tư công không phải ở định mức mà là ở quá trình triển khai như để công trình chậm đưa vào sử dụng, vốn chờ công trình hay công trình chờ vốn...
Các định mức đối với công trình xây dựng cơ bản được triển khai nhiều năm, qua nhiều công trình đều bảo đảm chặt chẽ, Bộ trưởng Tài chính nêu rõ.
C.Q.B (theo nhandan.vn)
- Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với thanh niên năm 2024
- Diễn tập chiến đấu phường Nhà Mát trong khu vực phòng thủ năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Xây dựng trên 130 căn nhà tình nghĩa cho người có công
- VNPT Bạc Liêu: Tiếp sức VNPT Hải Phòng khắc phục thông tin liên lạc sau bão số 3
- Sơ kết Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với BĐKH của hệ sinh thái nông nghiệp và cộng đồng địa phương tại khu vực ven biển tỉnh Bạc Liêu”