Thực hiện Nghị định 41/CP-NĐ của Thủ tướng Chính phủ: Nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ

Thứ Sáu, 16/03/2012 | 19:27

Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã tăng nhanh nguồn vốn tín dụng về nông thôn. Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị định số 41 trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư công tại Ngân hàng Nhà nước tỉnh. Ảnh: M.N

Ông Phạm Thanh Bình, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Tại thời điểm 31/5/2010 (trước khi Nghị định 41/CP-NĐ có hiệu lực thi hành), dư nợ tín dụng đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn chỉ đạt 2.780 tỷ đồng. Nhưng đến ngày 31/12/2011, tức là sau 19 tháng thực hiện Nghị định 41/CP-NĐ, dư nợ tín dụng cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn của ngành Ngân hàng tỉnh đã tăng đến 81,6%, với 124.848 khách hàng là doanh nghiệp, hộ dân được vay vốn; nâng số dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 5.050 tỷ đồng, chiếm 50,7% tổng dư nợ toàn địa bàn. Trong đó, chất lượng tín dụng được đảm bảo, nợ xấu duy trì ở mức thấp, chỉ có 1,05%, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn. Song, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục như: Nhiều tổ chức tín dụng nguồn vốn huy động tại chỗ còn hạn chế, khả năng tự cân đối để cho vay thấp, còn phụ thuộc phần lớn từ nguồn vốn đi vay, điều hòa từ hội sở chính nên đôi khi bị động về nguồn vốn. Ngân hàng phát triển nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế, nhất là đầu tư phát triển hợp tác xã nông nghiệp, phát triển sản xuất nông nghiệp còn thấp so với nhu cầu. Nhiều ngân hàng ngại đầu tư lĩnh vực này do còn sợ rủi ro, thiên tai, dịch bệnh, thị trường, giá cả. Trong khi bảo hiểm trong nông nghiệp tiến độ thực hiện chậm và chỉ mới thí điểm ở một số đối tượng khách hàng. Nguồn vốn phân bổ đầu tư cho một số chương trình tại Bạc Liêu còn ít, suất vay bình quân cho hộ nghèo chỉ đạt 8,9 triệu đồng/hộ so với mức tối đa 30 triệu đồng/hộ. Trong khi tại Điều 8, Nghị định số 41/CP-NĐ quy định về cơ chế đảm bảo tiền vay đối với các đối tượng khách hàng là cá nhân, hộ gia đình, hộ sản xuất kinh doanh ở nông thôn, các hợp tác xã, chủ trang trại, tổ chức tín dụng được xem xét cho vay không bảo đảm bằng tài sản theo các mức: tối đa đến 50 triệu đồng đối với các đối tượng là các cá nhân, hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; tối đa đến 200 triệu đồng đối với các hộ kinh doanh, sản xuất ngành nghề hoặc làm dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn; tối đa đến 500 triệu đồng đối với đối tượng là các hợp tác xã, chủ trang trại. Tuy nhiên trên thực tế, để tiếp cận được nguồn vốn vay thì hộ dân rất “chật vật”. Còn đối với hợp tác xã, chủ trang trại và ngành nghề ở nông thôn tiếp cận được vốn ngân hàng còn rất ít, mức đầu tư cho đối tượng này còn thấp do năng lực quản lý, điều hành, tài chính còn yếu, nhiều hợp tác xã chưa đủ điều kiện vay vốn, một số trang trại vay vốn với danh nghĩa hộ sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều HTX chưa thật sự tạo được uy tín và lòng tin đối với tổ chức tín dụng và Quỹ bảo lãnh tín dụng của tỉnh. Chính vì vậy, muốn tiếp cận vốn phải chạy nhờ “cò” lập phương án trong khi cán bộ các tổ chức tín dụng do vướng quy định của ngành không được lập phương án dùm cho hộ dân, từ đó dễ nảy sinh vấn đề tiêu cực, nhũng nhiễu.

Để việc thực hiện Nghị định 41/CP-NĐ thật sự mang lại hiệu quả, thiết nghĩ ngành chức năng và các nhà chuyên môn cần có biện pháp tháo gỡ để nhiều hộ dân được vay vốn phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo.

M.N

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.