Tiêu điểm

Tích cực thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu

Thứ Sáu, 26/05/2023 | 17:01

Thực hiện Quyết định 896 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn đến năm 2050, UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Kế hoạch hành động số 96 để thực hiện Chiến lược này.

Giới thiệu mô hình nuôi tôm tuần hoàn nước góp phần tiết kiệm nguồn nước tại Hội chợ quốc tế về ngành tôm năm 2023.

SỬ DỤNG HIỆU QUẢ NGUỒN TÀI NGUYÊN NƯỚC

Để thực hiện tốt Chiến lược quốc gia về BĐKH, UBND tỉnh đề ra mục tiêu tổng quát là: Chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do BĐKH gây ra. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực đầu tư cho các hoạt động thích ứng với BĐKH, giảm phát thải khí nhà kính bằng “0” vào năm 2050 và tận dụng những cơ hội do BĐKH mang lại để phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) trên địa bàn tỉnh một cách bền vững.

Với quyết tâm hoàn thành mục tiêu này, Bạc Liêu sẽ tập trung nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, KT-XH, đảm bảo sinh kế bền vững. Đồng thời, ngăn chặn tình trạng suy giảm, suy thoái, phục hồi các nguồn tài nguyên.

Theo đó, Bạc Liêu sẽ tập trung bảo vệ, phục hồi, sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm nguồn tài nguyên nước; thực hiện dự án “Khoanh định các vùng, khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu”, nhằm xác định các khu vực cần bảo vệ, quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác nước dưới đất; phòng, chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước; cải thiện, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; tăng cường các giải pháp quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nước; chú trọng các vùng có nguy cơ hạn hán, thiếu nước, chịu tác động bất lợi của xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh. Nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước theo hướng tổng hợp thống nhất, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước, cải thiện chất lượng môi trường, giảm thiểu tác động và phòng, chống thiên tai do nước gây ra, phục vụ đời sống nhân dân và phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, khai thác hợp lý, hiệu quả diện tích đất chưa sử dụng, đất bãi bồi ven sông, ven biển cho phát triển rừng, phát triển cây xanh ở đô thị, khu công nghiệp. Thúc đẩy phát triển đô thị, khu công nghiệp theo mô hình tuần hoàn, bảo đảm quỹ đất cho phát triển các khu xử lý, tái chế chất thải trên địa bàn tỉnh. Tăng cường các giải pháp cải tạo, bảo vệ môi trường đất, nước và đa dạng sinh học, đặc biệt đối với đất sản xuất nông nghiệp bị thoái hóa và ngăn ngừa, giảm thiểu thoái hóa đất, ô nhiễm đất. Quản lý chặt chẽ các nguồn tài nguyên khoáng sản sử dụng làm vật liệu xây dựng thông thường, bảo đảm phòng, chống sạt lở, sụt lún, suy thoái nước ngầm, xâm thực bãi bồi vùng ven biển…

Mô hình trồng thanh long trên đất mặn của nông dân huyện Đông Hải. Ảnh: K.T

CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU SẢN XUẤT

Với thế mạnh kinh tế chủ lực là sản xuất nông nghiệp, một trong những nhiệm vụ được Bạc Liêu tập trung thực hiện tốt chính là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thông minh, thích ứng với BĐKH, phát triển chuỗi giá trị nông - lâm - thủy sản bền vững và bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh. Theo đó, quy hoạch vùng sản xuất, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao và các tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp bền vững dựa vào lợi thế tự nhiên của từng vùng sinh thái và nhu cầu của thị trường; đẩy mạnh nuôi trồng, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản có giá trị gia tăng cao; chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản.

Đặc biệt, Bạc Liêu sẽ quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt rừng hiện có, quản lý bền vững tài nguyên rừng gắn với bảo vệ đa dạng sinh học và nâng cao dịch vụ hệ sinh thái; tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ, quản lý và phát triển rừng nhằm cải thiện sinh kế, tăng thu nhập và cơ hội việc làm trong lâm nghiệp; tập trung bảo vệ và hạn chế tối đa chuyển đổi rừng; đẩy mạnh phục hồi và nâng cao chất lượng và khả năng phòng hộ của rừng ven biển; củng cố và kiện toàn hệ thống giám sát, đánh giá và ứng phó khẩn cấp với cháy rừng; tăng tỷ lệ cây xanh tại các đô thị. Thiết lập và mở rộng hoạt động các khu bảo tồn thiên nhiên; phát triển các mô hình thích ứng với BĐKH dựa vào tự nhiên, hệ sinh thái và dựa vào cộng đồng. Thực hiện kiểm kê, đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh…

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

* Thích ứng với BĐKH

- Giảm mức độ dễ bị tổn thương và rủi ro trước tác động của BĐKH thông qua nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, KT-XH, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do BĐKH gây ra.

- Kiểm soát được tình trạng suy thoái tài nguyên nước, tài nguyên đất, đảm bảo đủ nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ và các ngành kinh tế quan trọng khác trên địa bàn tỉnh.

- Cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi theo hướng thích ứng thông minh với BĐKH; phát triển chuỗi giá trị nông - lâm - thủy sản bền vững trên địa bàn tỉnh.

- Tỷ lệ độ che phủ rừng, cây phân tán và cây lâu năm đảm bảo độ che phủ đạt 14,75%.

- Các công trình hạ tầng trọng yếu thích ứng với BĐKH được hoàn thành với các tiêu chuẩn an toàn trước thiên tai, đặc biệt là các công trình phòng, chống thiên tai, ngăn triều cường, xâm nhập mặn, công trình trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất, chống ngập úng ở các đô thị.

- Bảo đảm 75% dân cư nông thôn được cung cấp nước sạch đáp ứng nhu cầu về phòng, chống dịch bệnh và các bệnh mới phát sinh do BĐKH.

- Tự động hóa 100% đối với các trạm khí tượng, trạm đo mực nước, đo mưa, đo độ mặn; phát triển mạng lưới trạm khí tượng hải văn tự động, ưu tiên khu vực biển ven bờ.

- Bảo đảm 100% số hộ dân thuộc khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai có nhà ở an toàn; hoàn thành di dời ít nhất 100% các hộ dân sinh sống ở nơi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất đến nơi an toàn; đối với khu vực chưa thể di dời được thì lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát, cảnh báo để kịp thời sơ tán, giảm thiểu rủi ro khi xảy ra thiên tai; 100% dân cư hiểu biết, có kiến thức cơ bản về ứng phó, thích nghi với BĐKH.

* Giảm phát thải khí nhà kính

- Tích cực đóng góp có trách nhiệm cùng quốc gia và cộng đồng quốc tế bảo vệ hệ thống khí hậu Trái đất; nâng cao chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên địa bàn tỉnh.

- Phấn đấu đến năm 2030, bảo đảm tổng lượng phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh nằm trong giới hạn tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia.

- Các cơ sở sản xuất có phát thải khí nhà kính thực hiện xây dựng kế hoạch, lộ trình cải thiện công nghệ phải thực hiện giảm phát thải khí nhà kính.

NGUYỄN TRỌNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.