Tiêu điểm

Thực hiện Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh”: VÌ MỘT VIỆT NAM XANH

Thứ Sáu, 10/03/2023 | 15:10

Trong những năm gần đây, với tình hình sạt lở bờ biển ngày càng nghiêm trọng và nước mặn xâm thực vào đất liền ngày càng sâu đã trở thành vấn đề đáng cảnh báo. Hàng ngàn hộ dân ven biển bị ảnh hưởng sinh kế và bài toán ứng phó cho phát triển bền vững cần được gấp rút thực hiện.

Sạt lở ven biển Bạc Liêu gây tổn thất hàng trăm tỷ đồng.

“TẤM LÁ CHẮN” VỮNG CHẮC

Rừng ngập mặn (RNM) có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ bờ biển, ngăn chặn gió bão, hạn chế xói lở, mở rộng diện tích đất liền và điều hòa khí hậu.

Đối với tỉnh Bạc Liêu, RNM chủ yếu phân bố ở khu vực ven biển trải dài từ TP. Bạc Liêu đến huyện Hòa Bình và Đông Hải, nơi có thủy triều lên xuống hàng ngày. Nơi nào có diện tích RNM đầy gần như ít chịu tác động bởi sạt lở và tạo nên “tấm lá chắn” rất tốt cho người dân vùng ven biển.

Không chỉ thế, ngoài cung cấp các lâm sản có giá trị như gỗ, RNM ven biển còn là nguồn cung cấp thức ăn phong phú cho các loài thủy sản và cũng là nơi cư trú, làm tổ của nhiều loài chim, động vật. Chỉ tính riêng cá, đã có 67 loài thuộc 39 họ của 13 bộ khác nhau. Qua đó cho thấy, hệ sinh thái RNM được coi là hệ sinh thái có năng suất sinh học rất cao, nhất là nguồn lợi thủy sản đã trở thành “nồi cơm” nuôi sống hàng trăm cư dân nghèo ven biển, với nghề khai thác con giống và nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng. Đặc biệt, RNM còn được xem là “bức tường xanh” vững chắc, hạn chế xói lở và quá trình xâm thực bờ biển, rễ cây có tác dụng làm cho trầm tích bồi tụ nhanh hơn, vừa ngăn chặn tác động của sóng biển, giảm tốc độ gió…

CHUNG SỨC TRỒNG 1 TỶ CÂY XANH

Với ý nghĩa và tầm quan trọng của việc trồng rừng, năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 524 phê duyệt Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”. Theo đó, đến hết năm 2025, cả nước sẽ trồng đạt 1 tỷ cây xanh, trong đó có 690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

Để cộng đồng trách nhiệm, Đề án nêu rõ, phát triển cây xanh cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Qua đó phát huy truyền thống trồng cây do Bác Hồ khởi xướng, đưa việc trồng cây xanh thật sự trở thành phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả của các cấp, các ngành, trong từng khu dân cư với sự tham gia tích cực của mọi người dân, tránh thực hiện phô trương, hình thức; là hành động thiết thực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đặc biệt, tăng cường xã hội hóa, thu hút mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế và lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội để trồng 1 tỷ cây xanh.

Hưởng ứng chỉ đạo này và chung sức cùng với Chính phủ thực hiện thắng lợi Đề án 524, Nhóm các công ty Panasonic tại Việt Nam đã triển khai Chương trình “Panasonic vì một Việt Nam xanh - khỏe mạnh”, nhằm tích cực thực hiện Chương trình 1 tỷ cây xanh và cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Trồng rừng phòng hộ ở xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình) từ Chương trình “Sống khỏe góp xanh cùng Panasonic”. Ảnh: Quốc Đạt

Mục tiêu của Chương trình này nhằm cải thiện các chỉ số môi trường, phục hồi chức năng sinh thái rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh” của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, thực hiện các tác động xanh của Panasonic và cam kết tạo ra tác động làm giảm lượng khí thải CO2 ở mức hơn 300 triệu tấn vào năm 2050 (hiện tổng lượng phát thải toàn cầu là 33 tỷ tấn); hiện thực hóa tầm nhìn, định hướng và cam kết của Panasonic, nhằm tạo ra một cuộc sống lành mạnh cho xã hội và sự phát triển bền vững của Việt Nam; chào mừng kỷ niệm 50 năm hợp tác Việt Nam và Nhật Bản.

Đối với tỉnh Bạc Liêu, Chương trình “Sống khỏe góp xanh cùng Panasonic” được triển khai ở xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình) và hứa hẹn trong tương lai gần sẽ tạo nên những thảm xanh để trở thành những “tấm lá chắn” vững chắc.

Song, để Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh” phát huy hiệu quả, các ngành, địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền người dân bảo vệ và khai thác rừng hợp lý, không phá rừng và khai thác quá mức gây chết rừng. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi xâm hại rừng, nhằm bảo vệ thành quả trồng rừng. Tiếp tục nhân rộng, phát huy sức mạnh, trách nhiệm của cả cộng đồng trong việc tích cực trồng cây gây rừng.

Theo Đề án, cả nước sẽ thực hiện trồng cây xanh trong rừng tập trung. Cụ thể, trồng rừng tập trung trên diện tích 180.000ha, tương đương khoảng 310 triệu cây (bình quân trồng 36.000ha rừng/năm, tương đương 62 triệu cây/năm), gồm trồng rừng phòng hộ, đặc dụng: 30.000ha, tương đương 70 triệu cây (bình quân 6.000ha/năm, tương đương 14 triệu cây/năm); trồng mới rừng sản xuất: 150.000ha, tương đương 240 triệu cây (bình quân 30.000ha/năm, tương đương 48 triệu cây/năm).

Đối với rừng đặc dụng, trồng các loài cây bản địa có phân bố tự nhiên trong hệ sinh thái của rừng đặc dụng đó; đối với rừng phòng hộ, trồng các loài cây có bộ rễ sâu bám chắc, ưu tiên cây bản địa, sinh trưởng được trong điều kiện khắc nghiệt và có khả năng chống chịu tốt; đối với rừng sản xuất, trồng các loài cây có năng suất, chất lượng cao, khuyến khích sử dụng các giống cây sản xuất bằng mô, hom, kết hợp trồng cây gỗ nhỏ mọc nhanh và cây gỗ lớn dài ngày.

Về địa điểm trồng, với đất rừng phòng hộ, diện tích đất quy hoạch cho phát triển rừng phòng hộ, trong đó đặc biệt ưu tiên trồng rừng phòng hộ đầu nguồn và trồng rừng phòng hộ vùng ven biển.

Với đất rừng đặc dụng, diện tích đất chưa có rừng, chưa đủ tiêu chí thành rừng trong phân khu phục hồi sinh thái và phân khu dịch vụ, hành chính của rừng đặc dụng là vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh và khu bảo vệ cảnh quan; diện tích đất được quy hoạch trồng mới rừng sản xuất.

TÚ ANH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.