Tiêu điểm
Tháo gỡ khó khăn cho Quỹ phòng, chống thiên tai
Quỹ phòng, chống thiên tai (PCTT) được xác định là nguồn lực quan trọng để phục vụ công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn (TKCN); đồng thời hỗ trợ ứng phó, khắc phục hậu quả khi có thiên tai xảy ra. Song việc thu, chi Quỹ PCTT trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn nhiều khó khăn cần được tháo gỡ.
Quang cảnh cuộc họp Hội đồng quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh. Ảnh: M.Đ
CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN, BẤT CẬP
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, Quỹ PCTT tỉnh bắt đầu thực hiện thu từ năm 2021. Năm 2022, kế hoạch thu Quỹ PCTT của tỉnh là gần 17,4 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm này quỹ chỉ thu được hơn 2,1 tỷ đồng, đạt hơn 28% chỉ tiêu. Hiện chỉ có 2 địa phương là huyện Đông Hải và TX. Giá Rai nộp Quỹ PCTT về tỉnh; các huyện, thành phố còn lại chưa nộp. Nhìn chung, việc thu Quỹ PCTT của tỉnh rất chậm… Ông Lai Thanh Ẩn - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi kiêm Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, cho biết: “Nguyên nhân thu Quỹ PCTT chậm là do công tác này còn mới mẻ và thời điểm thu quỹ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trong khi đó, đến đầu năm 2022, một số văn bản mới thay đổi, bổ sung cũng khiến cho việc thu quỹ không đạt”.
Mặt khác, việc lập kế hoạch thu, nộp Quỹ PCTT của một số địa phương, đơn vị còn chậm, ý thức chấp hành của một số doanh nghiệp chưa cao… nên chưa hoàn thành chỉ tiêu thu quỹ. Ngoài ra, việc thu Quỹ PCTT gặp khó khăn còn do cách tính 1 ngày lương đối với người lao động trong các doanh nghiệp chưa thật sự cụ thể theo quy định chung hay từng doanh nghiệp. Công nhân trong các doanh nghiệp có biến động thường xuyên, rất khó tính số lượng thu cụ thể…
Từ những khó khăn trên đã dẫn đến việc thu Quỹ PCTT của tỉnh không đạt theo kế hoạch. Công tác tuyên truyền về Quỹ PCTT cũng chưa thường xuyên nên các đối tượng đóng chưa hiểu hết quyền và nghĩa vụ của mình. Nhất là các doanh nghiệp, người lao động chưa hiểu và không quan tâm việc nộp quỹ.
Cống Nhà Mát - công trình ngăn triều chống ngập cho TP. Bạc Liêu. Ảnh: M.Đ
NHỮNG GIẢI PHÁP THÁO GỠ KHÓ KHĂN
Trước những diễn biến thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp thì Quỹ PCTT tại địa phương đóng vai trò rất quan trọng. Mục đích của Quỹ PCTT nhằm huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Trong đó, chú trọng chi cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai; hỗ trợ các hoạt động ứng phó thiên tai; hỗ trợ quan trắc, thông tin, thông báo, cảnh báo, báo động thiên tai tại cộng đồng… Ngoài ra, còn hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, phổ biến, tuyên truyền kiến thức pháp luật; lập rà soát kế hoạch PCTT…
Việc thu Quỹ PCTT là rất cần thiết để huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ công tác PCTT, góp phần giảm bớt ngân sách nhà nước, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng tác động rõ rệt. Để việc thu Quỹ PCTT đạt kết quả cao, Ban quản lý Quỹ PCTT tỉnh cần tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân và toàn thể xã hội trong nộp Quỹ PCTT. Xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu thu quỹ hàng năm của địa phương, đơn vị để triển khai thu bảo đảm tiến độ về thời gian; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không thực hiện việc thu, nộp quỹ theo quy định của Nhà nước.
Bàn về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Lê Tấn Cận cho rằng: Văn phòng Quỹ cần phải xác định đối tượng thu là ai, tổng mức thu Quỹ PCTT tỉnh. Việc sử dụng quỹ, đối tượng nào chi, đối tượng nào được hưởng; các chế tài xử lý. Văn phòng quản lý quỹ cần hoàn thiện quy trình và khâu tổ chức thực hiện, quản lý thu, chi. Trong quá trình thu, chi, phải lập dự toán thu, chi rõ ràng và kết hợp với công tác tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp có ý thức trong việc đóng góp quỹ, có chế tài cụ thể... Văn phòng Quỹ và các địa phương cần tiếp tục đôn đốc thực hiện rà soát thu theo quy định, nhằm đảm bảo nguồn quỹ được thu, chi, quản lý chặt chẽ, đúng mục đích, yêu cầu, không để thất thoát, kể cả nguồn thu…
Đối tượng đóng Quỹ phòng, chống thiên tai
- Mức đóng góp bắt buộc từ các tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn 1 năm là 0,02% trên tổng giá trị tài sản hiện có theo báo cáo tài chính lập ngày 31/12 hàng năm của tổ chức báo cáo cơ quan Thuế nhưng tối thiểu 500.000 đồng, tối đa 100 triệu đồng và được hạch toán vào chi phí hoạt động sản xuất - kinh doanh của tổ chức.
- Đóng góp, tài trợ, hỗ trợ tự nguyện của các tổ chức, doanh nghiệp cho Quỹ cấp tỉnh được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Công dân Việt Nam đủ 18 tuổi đến tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường theo quy định của pháp luật về lao động đóng góp hàng năm như sau:
+ Cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và Hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở Trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (cấp huyện), ở xã, phường, thị trấn (cấp xã), ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang đóng một phần hai của mức lương cơ sở chia cho số ngày làm việc trong tháng.
+ Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trong các doanh nghiệp đóng một phần hai của mức lương tối thiểu vùng chia cho số ngày làm việc trong tháng theo hợp đồng lao động. Người lao động giao kết nhiều hợp đồng với nhiều doanh nghiệp chỉ phải đóng một lần theo một hợp đồng lao động có thời gian dài nhất.
+ Người lao động khác, ngoài các đối tượng đã được quy định nêu trên, đóng góp 10.000 đồng/người/năm.
M.Đ (trích Quy chế tổ chức, hoạt động và quản lý, sử dụng Quỹ PCTT tỉnh Bạc Liêu)
MINH ĐẠT
- UBND tỉnh: Cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí quý III/2024
- Sở NN&PTNT sơ kết các mặt công tác 9 tháng năm 2024
- Trị bệnh “sợ trách nhiệm” trong quản lý, thực thi công vụ
- Những “hạt nhân” bảo vệ Đảng
- UBND TP. Bạc Liêu: Đối thoại và vận động, tuyên truyền các hộ dân bị ảnh hưởng từ Dự án xây dựng đường dây trung thế