Tiêu điểm

Tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Thứ Hai, 17/06/2019 | 15:22

Để làm rõ các nội hàm trong thực hiện 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 71/KH-UBND để triển khai các nội dung này. Trong đó, có trụ cột thứ nhất là phát triển nông nghiệp mà trọng tâm là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nâng cao hiệu quả sản xuất mô hình lúa - tôm.

Giới thiệu công nghệ quản lý môi trường nước tại Hội chợ tôm Bạc Liêu.

HIỆN ĐẠI VÀ BỀN VỮNG

Với thế mạnh kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nên việc tập trung phát huy các tiềm năng, thế mạnh này là nhu cầu tất yếu. Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp theo mô hình nào và cần làm gì không phải là chuyện dễ làm trong điều kiện sản xuất nông nghiệp truyền thống đang phải đối đầu với nhiều nguy cơ, thách thức từ biến đổi khí hậu và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Do vậy, Kế hoạch số 71/KH-UBND đã chỉ ra rất cụ thể về nội hàm, hình thức, phương thức để thực hiện trụ cột “xương sống” này. Mục tiêu của phát triển nông nghiệp, nông thôn chính là phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh trên cơ sở thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tập trung đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật phục vụ nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh; xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, hiện đại; cải thiện nhanh hơn đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, góp phần thực hiện đạt và vượt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Ưu tiên phát triển nền kinh tế nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, trong đó có nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản với mũi nhọn là con tôm, tập trung phát triển nông nghiệp hiện đại để có thể trở thành trung tâm ngành tôm của cả nước.

Đó là những mục tiêu chung và đã chỉ ra những định hướng chiến lược cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cho phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh nhà. Từ định hướng này, các ngành, địa phương cần tích cực thực hiện Kế hoạch số 71/KH-UBND gắn với thực tiễn của ngành, địa phương mình và góp phần thực hiện thắng lợi năm “nước rút”, khi hiệu quả của sản xuất nông nghiệp quyết định trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế.

 Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bạc Liêu. Ảnh: L.D

ƯU TIÊN CHO CON TÔM

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu ở trụ cột thứ nhất này, Kế hoạch số 71/KH-UBND cũng chỉ ra cụ thể các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, cùng với việc ưu tiên phát triển nền kinh tế nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, mà mũi nhọn chính là con tôm để Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành tôm của cả nước, tỉnh đang tập trung đưa vào khai thác Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi, xem xét cấp phép đầu tư cho các công ty, doanh nghiệp đủ điều kiện để đầu tư vào khu này; tăng diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó tăng chủ yếu là diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh - bán thâm canh, tôm - lúa…

Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất (theo hướng VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao) để tăng năng suất nuôi tôm, giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch; nhân rộng mô hình nuôi tôm có hiệu quả và mang lại giá trị cao; tiến tới mở rộng vùng nuôi tôm an toàn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Nhân rộng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh theo quy trình khép kín trong nhà kín, nhà lưới, nhà màng, nuôi tôm sạch; khuyến khích các công ty, doanh nghiệp cần tiếp tục tập trung đầu tư, mở rộng quy mô, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao. Xác định mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, ứng dụng công nghệ cao là điểm nhấn, tạo bước đột phá trong nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Đồng thời, phát triển mạnh nuôi tôm sinh thái kết hợp với trồng và bảo vệ rừng khu vực ven biển của tỉnh.

Bên cạnh đó, tập trung đầu tư xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản như: thủy lợi, giao thông, lưới điện… nhất là các vùng sản xuất giống thủy sản tập trung quy mô lớn, các vùng nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp, vùng sản xuất lúa - tôm như: Dự án xây dựng vùng sản xuất lúa - tôm ổn định TX. Giá Rai; Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng vùng lúa - tôm xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân… Quản lý, giám sát và quy hoạch vùng nuôi sao cho phù hợp với đặc điểm phát triển thủy sản và điều kiện tự nhiên của từng tiểu vùng sinh thái; thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh phát triển nuôi tôm, tăng cường các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường nước nuôi tôm công nghệ cao.

Song song đó, xây dựng chuỗi sản xuất tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y Thế giới và yêu cầu của Úc để có thể xuất khẩu tôm đông lạnh nguyên con sang Úc và tiến đến xuất khẩu sang thị trường các nước trên thế giới. Củng cố và đẩy mạnh phát triển các cơ sở sản xuất tôm giống chất lượng cao, sạch bệnh đáp ứng nhu cầu cả thị trường trong và ngoài tỉnh, từng bước phát triển thành trung tâm sản xuất giống lớn, chất lượng cao, có uy tín trong khu vực BĐSCL và cả nước.

Giữ ổn định diện tích đất chuyên trồng lúa nước 58.600ha ở Tiểu vùng giữ ngọt ổn định phía Bắc Quốc lộ (QL) 1A; mở rộng địa bàn sản xuất lúa trên đất nuôi tôm đạt 39.000 - 40.000ha ở Tiểu vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc QL 1A, gắn với đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng; tập trung nâng cao chất lượng, không chạy theo số lượng, với cơ cấu giống lúa chất lượng cao chiếm 92% diện tích gieo trồng; còn lại lúa chất lượng trung bình, thấp và giống khác chiếm khoảng 8% diện tích gieo trồng lúa; tập trung xây dựng cánh đồng lớn và nâng cao chuỗi giá trị gia tăng, phát triển bền vững, hiệu quả đạt 45.000ha gieo trồng lúa; xây dựng mối liên kết tiêu thụ giữa doanh nghiệp và nông dân với diện tích 70.000ha; xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu sản phẩm lúa, gạo chất lượng cao mang thương hiệu Bạc Liêu; xây dựng vùng sản xuất lúa giống chất lượng cao, sạch bệnh với quy mô 1.700ha, đáp ứng được nhu cầu lúa giống phục vụ sản xuất; áp dụng các biện pháp thâm canh bền vững, thực hiện tốt các quy định về môi trường trong sử dụng vật tư và xử lý chất thải nông nghiệp, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm và sử dụng các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao (chịu hạn, chịu ngập và chịu mặn)…

KIM TRUNG (tổng hợp)

 

Thực hiện trụ cột phát triển sản xuất nông nghiệp, Bạc Liêu phấn đấu đến năm 2020 đạt các chỉ tiêu cơ bản sau:

Bạc Liêu đạt tốp các tỉnh khá trong khu vực ĐBSCL và trung bình khá của cả nước.

Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2019 - 2020 mỗi năm tăng 8,5%.

Sản lượng thủy sản đạt 410.400 tấn, tăng 10,9% so với chỉ tiêu nghị quyết (trong đó, tôm 198.800 tấn, tăng 35,2% so với chỉ tiêu nghị quyết). Phấn đấu đến năm 2020, diện tích nuôi trồng thủy sản 142.878ha (trong đó, diện tích nuôi siêu thâm canh là 2.000ha, tăng 300% so với kế hoạch; thâm canh và bán thâm canh 23.850ha, đạt 80,8% kế hoạch; tôm - lúa 39.000ha, đạt 97,5% kế hoạch); tổng sản lượng nuôi trồng đạt 290.400 tấn (trong đó, tôm 186.800 tấn, tăng 38,4% so với kế hoạch).

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.