Tiêu điểm
Tăng tốc để phát triển nhanh
Có thể nói, 2022 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tạo ra những nền tảng thực hiện các mục tiêu kế hoạch cho giai đoạn của nhiệm kỳ 5 năm 2021 - 2025. Đồng thời cũng là năm huy động các nguồn lực để vực dậy nền kinh tế sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, nếu với tốc độ tăng trưởng kinh tế như hiện nay thì khả năng Bạc Liêu sẽ khó hoàn thành mục tiêu trở thành tỉnh khá của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Mô hình nuôi tôm công nghiệp ở TP. Bạc Liêu.
NHIỀU CHỈ TIÊU KHÔNG ĐẠT
Theo báo cáo, năm 2022 tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) theo giá so sánh năm 2010 đạt trên 31.744 tỷ đồng, tăng 9,03% so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi nhanh ở cả 3 khu vực kinh tế: nông - lâm nghiệp và thủy sản đạt trên 13.360 tỷ đồng, tăng 4,04%; công nghiệp - xây dựng đạt trên 6.402 tỷ đồng, tăng 20,79% và dịch vụ đạt trên 10.407 tỷ đồng, tăng 10,32% so với cùng kỳ. Tổng sản phẩm GRDP bình quân đạt 60,06 triệu đồng/người/năm.
Với kết quả trên, tăng trưởng kinh tế năm 2022 của tỉnh tăng 9,03% so với cùng kỳ, nhưng nếu so với mục tiêu phấn đấu cần đạt là 10% thì không đạt kế hoạch đề ra. Đặc biệt, năm 2022 có đến 5 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu không đạt gồm: Cơ cấu kinh tế, tổng sản phẩm bình quân đầu người, sản lượng lúa, kim ngạch xuất khẩu, số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.
Qua phân tích số liệu và các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tỉnh cho thấy, ngành Nông nghiệp tiếp tục dẫn đầu về tăng trưởng và thật sự là “trụ cột” quan trọng của nền kinh tế, mà cụ thể là con tôm đã không ngừng phát huy giá trị. Thế nhưng, ngành Nông nghiệp trong năm 2022 vẫn chưa tạo được những đột phá mới, nhất là phát triển và mở rộng diện tích các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh. Riêng khu Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu được ví như “trái tim” của “thủ phủ” ngành công nghiệp tôm đến nay vẫn đang tập trung xây dựng giai đoạn 2, với tổng số vốn đầu tư gần 195 tỷ đồng và khả năng đến năm 2024 mới hoàn thành đưa vào khai thác.
Để khôi phục và bổ sung nguồn lực cho nền kinh tế sau đại dịch COVID-19, cũng như làm giảm áp lực vốn đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân, Chính phủ đã tăng cường đầu tư vốn cho các công trình đầu tư công, nhưng tiến độ giải ngân trên địa bàn tỉnh cũng thật sự trở thành vấn đề đáng được phân tích và làm rõ trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, ngoài nguyên nhân khách quan như giao vốn trễ nên gây khó trong việc hoàn thành các thủ tục triển khai dự án, thì về chủ quan vẫn là còn tình trạng thiếu trách nhiệm của nhiều chủ đầu tư trong quản lý, lựa chọn nhà thầu và chưa thật sự xử lý nghiêm các nhà thầu thiếu tâm huyết, năng lực. Trong khi đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công và tổ chức cả hội nghị chuyên đề, thành lập các đoàn công tác trực tiếp đi gỡ khó cho từng công trình, dự án… Vậy mà giải ngân vốn đầu tư công vẫn đạt thấp!?
Cùng với đó, một số cấp ủy, chính quyền địa phương, người đứng đầu chưa quan tâm đúng mức công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; chế độ, chính sách thực hiện thiếu thống nhất; hồ sơ pháp lý đất đai ở một số địa phương chưa đầy đủ, thất lạc qua nhiều thời kỳ nên việc xác định nguồn gốc đất còn khó khăn. Công tác phối - kết hợp giữa chủ đầu tư, đơn vị công còn lỏng lẻo, đùn đẩy trách nhiệm và đổ lỗi cho nhau…
Thi công kè từ vốn đầu tư công trên địa bàn TX. Giá Rai. Ảnh: K.T
TÁI CƠ CẤU MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG
Nếu năm 2021 tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bạc Liêu đứng thứ 1/13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, thì năm 2022 Bạc Liêu đã giảm 3 bậc và xếp thứ 4/13. Đây thật sự là vấn đề đáng được quan tâm khi một số tỉnh có nền kinh tế quy mô nhỏ của khu vực ĐBSCL nhưng đã bắt đầu tăng tốc và vượt qua Bạc Liêu, nhất là tỉnh Hậu Giang năm 2022 tăng trưởng kinh tế xếp thứ thứ 1/13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL. Do vậy, mục tiêu xây dựng Bạc Liêu trở thành tỉnh nằm trong tốp khá của khu vực ĐBSCL cho chặng đường 3 năm “nước rút” của cuối nhiệm kỳ là khá nặng nề.
Trong đó, việc tái cơ cấu lại mô hình tăng trưởng gắn với huy động các nguồn lực phải được xem là giải pháp hàng đầu. Bởi với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, khả năng nền kinh tế của tỉnh sẽ phát triển không theo kịp với các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, nhất là trong điều kiện Bạc Liêu không hội tụ được các yếu tố thuận lợi về giao thông, chưa hình thành được các trung tâm đóng vai trò kết nối trong liên kết vùng.
Cùng với đó, cần tập trung quyết liệt cho các đột phá chiến lược gắn với các nghị quyết chuyên đề mà Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) đã ban hành. Đó là không ngừng nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đồng thời tập trung triển khai quyết liệt, có hiệu quả 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội đã được xác định. Đẩy mạnh cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh và huy động nhiều nguồn vốn để đầu tư kết cấu hạ tầng. Tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xem đây là đột phá quan trọng…
Theo kế hoạch phát triển kinh tế năm 2023, Bạc Liêu sẽ tập trung phát triển mạnh trụ cột nông nghiệp với sản phẩm chủ lực là con tôm. Theo đó, Bạc Liêu sẽ tiếp tục tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao. Tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước; khuyến khích mở rộng diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh; nhân rộng mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn; phát triển ổn định, bền vững mô hình nuôi tôm sinh thái, nuôi tôm sạch (tôm - lúa, tôm - rừng, rừng - tôm); tập trung sản xuất theo chuỗi giá trị ngành tôm, đảm bảo an toàn dịch bệnh theo khuyến nghị của Tổ chức Thú y thế giới và yêu cầu của Úc để xuất khẩu tôm đông lạnh nguyên con sang Úc và các nước khác…
Đồng thời, tăng cường thực hiện các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường trong nuôi tôm. Tiếp tục củng cố, phát triển các cơ sở sản xuất tôm giống chất lượng cao, sạch bệnh đáp ứng được nhu cầu tôm giống phục vụ sản xuất trong và ngoài tỉnh.
KIM TRUNG
- Huyện Phước Long: Gần 300 cán bộ, giáo viên mầm non được bồi dưỡng chuyên môn
- Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với thanh niên năm 2024
- Diễn tập chiến đấu phường Nhà Mát trong khu vực phòng thủ năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Xây dựng trên 130 căn nhà tình nghĩa cho người có công
- VNPT Bạc Liêu: Tiếp sức VNPT Hải Phòng khắc phục thông tin liên lạc sau bão số 3