Tiêu điểm

Quyết liệt nâng cao chỉ số PCI

Thứ Hai, 03/10/2022 | 15:30

Năm 2021, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tuy tăng 8 bậc so với năm 2020, nhưng Bạc Liêu vẫn còn nằm ở thứ hạng thấp - xếp thứ 55/63 tỉnh, thành cả nước.

Để nâng cao điểm số và thứ hạng PCI, Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều chỉ đạo các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, tối đa nhằm tạo sự chuyển biến căn bản, rõ nét cả về nhận thức lẫn hành động trong nâng cao chỉ số PCI. Quyết liệt và phấn đấu đưa chỉ số PCI nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước vào năm 2025.

Đào tạo nghề cung cấp nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp - một trong những giải pháp nâng cao chỉ số PCI.

CHỈ SỐ THÀNH PHẦN CỦA PCI TĂNG GIẢM KHÔNG ĐỀU

Chỉ số PCI của tỉnh Bạc Liêu năm 2021 được 61,25 điểm và xếp hạng điều hành ở nhóm tương đối thấp so với cả nước, đứng thứ 12/13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Thống kê và phân tích chỉ số PCI của tỉnh năm 2021 cho thấy, trong số 10 chỉ số thành phần thì có 5 chỉ số tăng điểm và 5 chỉ số giảm điểm so với năm 2020. Theo đó, 5 chỉ số thành phần tăng điểm là: tính minh bạch, chi phí không chính thức, tính năng động của chính quyền tỉnh, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN), thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. 5 chỉ số thành phần giảm điểm so năm 2020 gồm: gia nhập thị trường, chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, tiếp cận đất đai, đào tạo lao động.

Điều đáng mừng là, các chỉ số thành phần tuy có giảm điểm, nhưng cũng có những chỉ số thành phần tăng điểm số khá cao. Qua đó, thể hiện được ý thức, trách nhiệm của nhiều đơn vị trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và kết quả này cần được phát huy.

Điển hình như chỉ số về tính minh bạch có 17 chỉ tiêu, nhằm đo lường mức độ minh bạch của môi trường kinh doanh và liên quan tới chất lượng cung cấp thông tin mà DN quan tâm. Năm 2021, chỉ số này được 5,74 điểm, tăng 0,93 điểm so với năm 2020 (được 4,81 điểm) và tăng 24 bậc so với năm 2020 (năm 2020 xếp hạng 63/63 tỉnh, thành cả nước, năm 2021 xếp hạng 39/63 tỉnh, thành cả nước). Đây là chỉ số thành phần có điểm số và thứ hạng tăng nhiều nhất trong năm 2021.

Từ chỉ số tính minh bạch có thể thấy, việc minh bạch thông tin của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực so với những năm trước. Cộng đồng DN, doanh nhân rất phấn khởi và đánh giá cao việc cung cấp thông tin, văn bản của tỉnh khi DN có nhu cầu. UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo cũng như tổ chức đối thoại, ban hành các chính sách ưu đãi, khuyến khích và hỗ trợ đầu tư thông qua các hình thức trực tiếp và trên các cổng thông tin điện tử…

Đặc biệt, chỉ số chi phí không chính thức có 16 chỉ tiêu với mục đích đo lường đầy đủ, cụ thể hơn vấn đề chi phí không chính thức. Năm 2021, chỉ số chi phí này được 6,58 điểm, tăng 0,6 điểm so với năm 2020 (5,98 điểm) và tăng 2 bậc so với năm 2020 và xếp hạng 49/63 tỉnh, thành cả nước.

Chỉ số chi phí không chính thức tuy có tăng điểm và tăng thứ hạng trong năm 2021, nhưng vẫn còn một số chỉ tiêu có điểm số và thứ hạng thấp. Điều này cho thấy, chi phí không chính thức vẫn còn tồn tại và khá phổ biến ở một số lĩnh vực thủ tục thiết yếu với DN.

Bên cạnh đó, DN đánh giá các sở, ngành, chính quyền cấp huyện, thị xã, thành phố không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh, làm cho thứ hạng của các chỉ tiêu này ở mức thấp. Do đó, để cải thiện và nâng cao chỉ số này trong năm 2022, chính quyền tỉnh cần nỗ lực mạnh mẽ hơn trong việc cắt giảm gánh nặng chi phí không chính thức cho DN ở những thủ tục như: quản lý thị trường; thanh tra môi trường, xây dựng; thanh tra phòng cháy, chữa cháy; đăng ký DN, sửa đổi đăng ký DN; thanh tra thuế… Đồng thời, cần tăng cường và đẩy mạnh hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, tăng cường việc thanh tra, kiểm tra thực hiện nghiêm Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với các đơn vị trực tiếp làm việc với DN, nhà đầu tư, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng, lạm dụng gây sách nhiễu, khó khăn, phiền hà cho DN khi giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Đặc biệt là cần kiểm tra, giám sát minh bạch trong công tác đấu thầu và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…

UBND tỉnh đối thoại với doanh nghiệp năm 2022.

VẪN CÒN GÁNH NẶNG

Một trong 5 chỉ số thành phần bị giảm điểm trong năm qua cần được quan tâm chính là chỉ số gia nhập thị trường. Chỉ số này có 19 chỉ tiêu, nhằm đánh giá toàn diện mức độ thuận lợi trong thành lập và vận hành chính thức DN, nhất là đo lường “gánh nặng” thủ tục trong quá trình gia nhập thị trường của DN.

Năm 2021, chỉ số gia nhập thị trường được 7,19 điểm và giảm 13 bậc so với năm 2020. Đây là chỉ số thành phần có điểm số giảm nhiều nhất so với năm 2020, với 8/19 chỉ tiêu giảm điểm và giảm thứ hạng. Điều này thể hiện, Bạc Liêu thời gian qua tuy đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp trong việc rút ngắn thời gian đối với các thủ tục có liên quan đến DN, nhưng vẫn còn một tỷ lệ đáng kể DN chưa thật sự hài lòng khi thực hiện các TTHC. Cụ thể, việc DN phải sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký DN từ 2 lần trở lên và chỉ có 37% cán bộ tại bộ phận Một cửa am hiểu về chuyên môn, 35% cán bộ nhiệt tình, thân thiện, 57% thủ tục tại đây được niêm yết công khai. Bức xúc và mất thời gian nhất là DN khi khởi nghiệp phải chờ hơn một tháng hoặc nhiều tháng để hoàn thành tất cả các thủ tục trước khi chính thức hoạt động. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho DN phải trì hoãn hay hủy bỏ kế hoạch kinh doanh, do những khó khăn gặp phải khi thực hiện thủ tục đăng ký DN.

Giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công TP. Bạc Liêu. Ảnh: L.D

Điều này cho thấy, với những giải pháp quyết liệt của tỉnh trong việc rút ngắn thời gian giải quyết các TTHC cho DN và việc thực hiện cắt giảm chi phí gia nhập thị trường, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN chưa được cộng đồng DN đánh giá cao; chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Do đó, trong thời gian tới cần tiếp tục rà soát, cắt giảm TTHC nhằm giúp DN, người dân trút được gánh nặng không đáng có này.

Một chỉ số bị giảm điểm khác cần được quan tâm chính là chỉ số đào tạo lao động. Chỉ số này có 11 chỉ tiêu, nhằm hỗ trợ chính quyền địa phương hoạch định và thực thi các chính sách về nguồn cung lao động tại địa phương hiệu quả hơn. Năm 2021, chỉ số đào tạo lao động được 5,37 điểm, giảm 0,19 điểm so với năm 2020. Đây là năm thứ hai liên tiếp chỉ số này giảm điểm, nguyên nhân có 7/11 chỉ tiêu giảm điểm và có thứ hạng thấp. Điều này cho thấy công tác giáo dục nghề nghiệp, giáo dục phổ thông tại tỉnh vẫn chưa được DN đánh giá cao. Việc lao động đã qua đào tạo có mặt còn hạn chế, thiếu đồng bộ, lao động tại địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu của DN…

Bên cạnh đó, nhiều chỉ số thành phần khác cũng giảm điểm khá sâu như: chỉ số chi phí thời gian được 6,68 điểm và giảm 26 bậc so với năm 2020 (đây là chỉ số thành phần có điểm số giảm thứ 2 và thứ hạng giảm nhiều nhất so với năm 2020, với 7/14 chỉ tiêu giảm điểm và có thứ hạng thấp); chỉ số cạnh tranh bình đẳng giảm điểm trong trong 3 năm liên tiếp; chỉ số tiếp cận đất đai giảm 17 bậc so với năm 2020…

Sự giảm điểm của các chỉ số thành phần trên, ngoài những nguyên nhân khách thì nguyên nhân cơ bản vẫn là chưa có sự phối hợp, chung tay giữa các sở, ngành, địa phương trong việc cải thiện, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh. Đặc biệt, công tác giải quyết TTHC vẫn còn gây phiền hà và khó khăn cho DN, nhất là các thủ tục liên quan đến thuế, phí, đất đai, xây dựng, đăng ký DN…

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo PCI của tỉnh tuy được thành lập nhưng chưa phát huy tối đa vai trò của mình trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp, nhằm cải thiện chỉ số PCI của tỉnh…

KIM TRUNG

Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều: Phấn đấu đưa chỉ số PCI nằm trong nhóm 20 vào năm 2025

Chỉ số PCI năm 2021 tuy đã được cải thiện về thứ hạng và điểm số, nhưng vẫn nằm ở nhóm tương đối thấp.

Để nâng cao điểm số và thứ hạng PCI, các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, tối đa nhằm tạo sự chuyển biến căn bản, rõ nét cả về nhận thức lẫn hành động trong nâng cao chỉ số PCI. Đồng thời, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thật sự cụ thể, trọng tâm, nhất là những cách tiếp cận mới, đột phá cần tập trung thực hiện để cải thiện và nâng dần thứ hạng chỉ số PCI của tỉnh ngay trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Quyết liệt và phấn đấu đưa chỉ số PCI nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước vào năm 2025.

Để cải thiện chỉ số PCI, cần tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản sau:

Tổ chức đối thoại hiệu quả với cộng đồng DN; Đơn giản hóa, cải cách, thúc đẩy cải cách hành chính toàn diện; Phát huy vai trò của Hiệp hội DN tỉnh; xây dựng chương trình đào tạo cho cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh công tác tuyên truyền chỉ số PCI đến cộng đồng DN, nhà đầu tư, cán bộ, công chức, viên chức và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đạo đức công vụ.

Về giải pháp dài hạn thì cần khẩn trương xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về DN trên địa bàn; Xây dựng chính quyền điện tử mà trọng tâm là hệ thống quản lý đô thị thông minh tích hợp; Xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển DN và hỗ trợ khởi nghiệp; tập trung đào tạo lao động và xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư - thương mại có hiệu quả…

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH - Lê Thanh Giang: Cung ứng kịp thời và đầy đủ nguồn lao động qua đào tạo cho các DN

Thực hiện Nghị quyết, Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chương trình hành động của UBND tỉnh về nâng cao chỉ số PCI giai đoạn 2021 - 2025, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện các giải pháp cải thiện chỉ số đào tạo lao động như: Hỗ trợ, hướng dẫn cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên kết, hợp tác với DN tổ chức đào tạo gắn với việc làm cho người lao động; tuyên truyền, triển khai thông qua các hình thức về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, duy trì việc làm cho người lao động theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, về chính sách đào tạo lao động đang làm việc trong các DN vừa và nhỏ đến DN và người lao động; phối hợp với các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã và DN tổ chức các sàn giao dịch việc làm để cung cấp thông tin, tư vấn, kết nối cung - cầu lao động. Qua đó, giúp DN vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất - kinh doanh trước tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, trong điều kiện thực hiện và hình thức hoạt động đào tạo nghề, dịch vụ giới thiệu việc làm năm 2021 chưa đảm bảo cải thiện chỉ số Đào tạo lao động của tỉnh.

Để góp phần cải thiện, nâng cao chỉ số PCI, Sở LĐ-TB&XH sẽ tích cực và tập trung triển khai thực hiện đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết 24 của HĐND tỉnh phê duyệt Chương trình phát triển giáo dục nghề nghiệp tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2022 - 2025 và Nghị quyết 37 phê duyệt Chương trình việc làm tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021 - 2025.

Bên cạnh đó, phối hợp với Sở GD-KH&CN tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo, thực hiện đạt mục tiêu, chỉ tiêu về phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và phù hợp với tình hình, điều kiện của tỉnh. Qua đó, cung ứng kịp thời và đầy đủ nguồn lao động qua đào tạo nghề cho các DN.   

Song song đó, tích cực thực hiện các giải pháp thúc đẩy nâng cao năng lực và quy mô đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó đề xuất tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp hoàn thiện cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đào tạo; tăng cường công tác đào tạo, nâng cao chất lượng về quản trị, chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên kết với DN tổ chức đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động; liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài tỉnh để đa dạng hóa ngành nghề đào tạo theo nhu cầu của DN. Chủ động cập nhật, chuyển đổi cơ cấu tuyển sinh, tổ chức đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo cho các DN.

Cùng với đó là chủ động phối hợp giữa Sở KH-ĐT, Hiệp hội DN tỉnh, UBND cấp huyện làm việc với DN để trao đổi, nắm nhu cầu lao động của DN, qua đó phối hợp, hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại lao động, cung cấp kịp thời nguồn lao động qua đào tạo, cũng như tạo điều kiện cho DN giảm chi phí trong đào tạo lao động…

L.D (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.