Tiêu điểm

Phát triển các khu, cụm công nghiệp: Cần tăng cường quản lý và khai thác tài nguyên đất

Thứ Hai, 06/03/2023 | 17:33

Để thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, năm 2011, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) đã ban hành Nghị quyết 03 về đẩy mạnh phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) đến năm 2020 và tiếp theo đó là Nghị quyết 10 năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về đẩy mạnh phát triển CN-TTCN đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Từ những nghị quyết trên cho thấy, phát triển CN-TTCN có tầm quan trọng và ý nghĩa chiến lược trong thay đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Khu công nghiệp Trà Kha đến nay vẫn còn nhiều đất trống, có nơi dùng để trồng dừa và hoa kiểng.

“LẤP ĐẦY” TRÊN GIẤY?!

Theo báo cáo của Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh: KCN Trà Kha (Phường 8, TP. Bạc Liêu) có tổng diện tích 65ha, trong đó đất công nghiệp cho thuê hơn 44ha. Đến nay, hạ tầng kỹ thuật KCN đã được đầu tư hoàn chỉnh, đạt 100% khối lượng và chủ đầu tư đang hoàn chỉnh hồ sơ quyết toán Dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Trà Kha.

Đến nay, tổng số dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư (hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) trong KCN Trà Kha là 25 dự án, gồm các ngành nghề sản xuất như: bia, bao bì, may mặc, phân bón, gạch không nung, cơ khí công nghệ cao… với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 1.850 tỷ đồng và tổng diện tích đất đã cho thuê hơn 43ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 99,16%. Trong đó, có 19 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất - kinh doanh; 3 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng và lắp đặt thiết bị; 3 dự án đang chuẩn bị xây dựng.

Tuy nhiên, qua khảo sát và điều tra cho thấy, 99%,16% chỉ là con số trên giấy, thực tế diện tích đất bỏ trống trong KCN Trà Kha chưa được các doanh nghiệp (DN) đưa vào khai thác còn rất lớn. Trong đó, tạm chia ra làm 2 nhóm như sau:

Đối với nhóm thứ nhất là nhóm đã giao đất nhưng chỉ đầu tư sử dụng một phần diện tích, số diện tích còn lại bỏ trống mặc cho cỏ mọc, trong đó có những DN được giao đất hàng ngàn mét vuông, nhưng chỉ khai thác một phần và điều này đồng nghĩa với việc gây lãng phí rất lớn về tài nguyên đất trong điều kiện các DN khác không có đất xây dựng nhà xưởng, trụ sở, phải thuê mướn nhà bên ngoài, hoặc mua đất với giá rất cao. Trong khi đó, đất được giao cho các DN trong KCN Trà Kha lại thay nhau bỏ trống?! Có nơi DN được giao đất đào ao nuôi cá, làm nơi tập kết hoa kiểng, trồng dừa và hoặc mặc cho cỏ mọc?!

Cụ thể là Nhà máy sản xuất thuốc thú y thủy sản của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại thủy sản Đông Dương. Năm 2015, Công ty này được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với diện tích 9.280m2 để xây dựng nhà máy sản xuất thuốc thú y thủy sản, tại lô A8, đường N1; thế nhưng đến nay chỉ xây dựng và đưa vào sử dụng nhà sản xuất, văn phòng làm việc và nhà bảo vệ với diện tích 1.436m2, các hạng mục còn lại chưa xây dựng. Qua đó cho thấy, Công ty TNHH Sản xuất và thương mại thủy sản Đông Dương đã thực hiện dự án chậm so với Giấy chứng nhận đầu tư và xây dựng các hạng mục công trình của dự án chưa đúng theo giấy phép xây dựng đã được cấp. Vì vậy, Sở Tài nguyên - Môi trường đang xem xét, trình cấp thẩm quyền thu hồi phần đất không đưa vào sử dụng của Dự án Nhà máy sản xuất thuốc thú y thủy sản.

Điều đáng bức xúc hơn cả, có những DN không khai thác hết diện tích được giao, nhưng lại tiếp tục xin thêm đất với lý do mở rộng quy mô, nhưng đến khi được giao thêm đất thì tiếp tục không xây dựng. Dư luận cho rằng đây là việc làm “xí đất” gây lãng phí về tài nguyên đất.

Đối với nhóm thứ hai là các DN đã được giao đất nhưng lại bỏ đất hoang và không đầu tư xây dựng một hạng mục công trình nào. Đơn cử như Công ty Cổ phần Dệt Đông Nam được cấp quyết định chủ trương đầu tư năm 2018 để thực hiện Dự án Nhà máy Sợi Đông Nam - Bạc Liêu với diện tích 46.000m2 tại lô B. Tuy nhiên, sau lễ khởi công hoành tráng vào tháng 1/2019, nhà đầu tư cam kết sẽ hoàn thành dự án trong 24 tháng, đạt doanh thu 525 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách nhà nước gần 6 tỷ đồng/năm và giải quyết việc làm cho 500 lao động của địa phương, nhưng đến nay nhà máy này vẫn chưa xây dựng?!

Trong khi đó, nhiều DN khác cũng đã được giao đất từ rất lâu nhưng vẫn không đầu tư xây dựng. Khi Ban Quản lý các KCN mời làm việc thì DN nào cũng cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng, nhưng sau đó lại “cho qua” và tiếp tục để đất trống. Vấn đề đặt ra là các DN này có thật sự muốn đầu tư hay chỉ “xí đất” để chuyển nhượng lại dự án cho DN khác nhằm hưởng lợi cho mình?!

Dự án Nhà máy sợi Đông Nam đến nay chỉ trơ trọi một tấm biển không còn chữ và cỏ mọc um tùm. Ảnh: K.T

BÀI HỌC NÀO ĐƯỢC RÚT RA?

Từ thực trạng của KCN Trà Kha cho thấy, các ngành, địa phương cần quan tâm nhiều hơn đến công tác quản lý, đặc biệt là công tác thẩm định tính hiệu quả sử dụng đất trước khi xem xét quyết định chủ trương đầu tư. Trong đó, cần xem xét đến năng lực của nhà đầu tư và tính khả thi của dự án. Đồng thời, phải thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện mục tiêu đầu tư quy định tại quyết định chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tiến độ góp vốn và triển khai dự án đầu tư. Cũng như việc sử dụng đất và chấp hành pháp luật về quy hoạch, xây dựng để kịp thời phát hiện, hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết những khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Song, cũng thật kiên quyết thu hồi đất nếu nhà đầu tư không có năng lực, thiếu tâm huyết và cố tình “xí đất”, giành phần nhằm hưởng lợi bất chính.

Quan tâm đến vấn đề này, vì theo Nghị quyết 10 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) thì Bạc Liêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thành hạ tầng KCN Láng Trâm, đạt tỷ lệ lấp đầy tối thiểu 60% và đến năm 2030 lấp đầy trên 90% KCN. Cũng như nhiều cụm công nghiệp khác đang được các địa phương tập trung mời gọi đầu tư hiện nay. Do vậy, nếu không có giải pháp phát hiện, ngăn chặn và chủ động xử lý ngay từ đầu thì khả năng KCN Láng Trâm và các cụm công nghiệp sẽ đi vào “vết xe đổ” như KCN Trà Kha?! Bởi nếu tính từ khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2006 và tiến hành xây dựng đến nay thì KCN Trà Kha cũng gần 16 năm, nhưng hiệu quả sử dụng đất không được khai thác, phát huy hợp lý. Đây thật sự là điều đáng trăn trở và cần làm rõ trách nhiệm của ngành quản lý đã để “vấn đề” này tồn tại trong một thời gian quá dài.

Từ thực trạng và hiện tại của KCN Trà Kha cũng đặt ra hàng loạt vấn đề trong quản lý đất đai hiện nay, nhất là việc giao đất cho các nhà đầu tư. Đó là ngoài thực trạng DN đã được giao đất xong nhưng bỏ đất trống, hay triển khai dự án theo “tiến độ rùa”, hoặc không triển khai dự án; còn một “vấn nạn” khác nữa là các DN được giao đất nhiều nhưng lại không sử dụng đúng với mục đích được giao mà cho DN khác thuê mướn, thậm chí đào đất đem bán cho DN khác làm vật liệu san lấp gây bức xúc trong dư luận. Để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng chính sách ưu đãi đầu tư, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Tài nguyên - Môi trường thành lập Tổ thanh tra liên ngành thanh tra các DN này và Báo Bạc Liêu sẽ thông tin khi có kết luận thanh tra của ngành quản lý.

Song, điều cần được làm rõ chính là trách nhiệm của ngành quản lý và các địa phương ở đâu lại để dẫn đến các sai phạm này?! Cũng như việc hình thành dự án chồng lên một dự án phải mất rất nhiều thời gian xây dựng, nhưng đến khi báo chí phát hiện, đặt vấn đề thì mới đi kiểm tra và phát hiện sai phạm. Sự buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra giám sát cần một “liều thuốc mạnh” trong quản lý đất đai và quy hoạch sử dụng đất hiện nay.

Ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) đã ban hành Nghị quyết 18 về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Trong đó, yêu cầu phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong xây dựng, thực hiện và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai.

Mong rằng với sự ra đời của Nghị quyết 18, Bạc Liêu sớm vào cuộc nhằm “thanh lọc” các dự án đã được giao đất hiện nay để giúp công tác quản lý, phát huy nguồn tài nguyên đất được tốt hơn. Đó là “Đất đai là nguồn lực to lớn cần được phát huy, quản lý và sử dụng có hiệu quả, bền vững, bảo đảm công bằng xã hội; không để bị suy thoái, hủy hoại, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực”.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Lê Tấn Cận: Đối với các dự án đã giao đất nhưng không triển khai sẽ xem xét và thu hồi dự án

Có thể nói, tiến độ triển khai thực hiện một số dự án trong KCN Trà Kha còn chậm, chưa sử dụng hết diện tích đất được giao, cơ sở hạ tầng xuống cấp; việc thuê đất, cho thuê lại chưa thống nhất làm ảnh hưởng đến việc áp dụng mức giá cho thuê; thu phí hạ tầng không đủ để thực hiện công tác duy tu, sửa chữa…

Để khai thác và phát huy tốt hiệu quả đầu tư của KCN Trà Kha, đề nghị Ban Quản lý KCN sớm hoàn thiện các hồ sơ quyết toán Dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Trà Kha. Đồng thời, sớm hoàn thành và trình UBND tỉnh ban hành khung giá thu phí hạ tầng KCN Trà Kha phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành để làm cơ sở triển khai thực hiện. Thực hiện tốt công tác duy tu, sửa chữa hạ tầng KCN Trà Kha để đảm bảo phục vụ tốt cho nhà đầu tư, DN.

Cùng với đó, chủ động phối hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư và các cơ quan có liên quan kiểm tra, rà soát và tổng hợp các hạng mục công trình đã đầu tư, hiện trạng các công trình này, tổng mức đầu tư… để làm cơ sở mời gọi các nhà đầu tư.

Đặc biệt, khẩn trương rà soát các DN trong khu KCN Trà Kha được cho thuê đất nhưng sử dụng đất không đúng quy định và xử lý theo thẩm quyền, đúng quy định. Trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo xử lý. Đối với các dự án đã giao đất nhưng không triển khai sẽ xem xét và thu hồi dự án.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện nghiêm túc công tác kiểm soát thủ tục hành chính, tích cực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho DN. Quan tâm và tích cực thực hiện tốt công tác hỗ trợ DN, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của DN theo thẩm quyền, đúng quy định. Cùng với đó, chủ động phối hợp với các sở, ngành có liên quan thực hiệt tốt công tác quản lý quy hoạch và xây dựng tại các KCN, đảm bảo an ninh trật tự trong các KCN để nhà đầu tư, DN an tâm sản xuất. Tuyên truyền, hướng dẫn các DN, nhà đầu tư chấp hành và thực hiện đầy đủ các quy định về đất đai, sử dụng đất đúng mục đích. Tăng cường công tác tuyên truyền các quy định có liên quan đến việc đầu tư, sản xuất - kinh doanh trong KCN, công tác phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự… kết hợp thực hiện công tác thanh - kiểm tra nhằm phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời những trường hợp sai phạm, cũng như giải quyết những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, DN trong quá trình đầu tư xây dựng và sản xuất - kinh doanh trong KCN đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên có liên quan…

LƯ DŨNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.