Tiêu điểm

Bảo vệ môi trường để phát triển bền vững

Thứ Hai, 26/11/2018 | 15:28

Bài 2: Cấp bách hồi sinh môi trường

>>Bài 1: Môi trường bị “bức tử”

Ngoài bất cập trong quy hoạch thì ý thức tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường (BVMT) của các doanh nghiệp, hộ dân còn rất thấp. Vấn nạn ô nhiễm môi trường từ ngành Thủy sản đang trong giai đoạn báo động, nếu không sớm được “hồi sinh”, môi trường sẽ trở thành rào cản rất lớn cho sự phát triển, mà trước mắt là ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân trong vùng.

Bất cập trong quản lý

Theo thông tin từ ngành chức năng thì kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy môi trường nuôi trồng thủy sản (NTTS) ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Bởi NTTS thông qua việc xử lý hóa chất cải tạo ao đầm, sử dụng thức ăn… thì chỉ có 17% trọng lượng khô của thức ăn cung cấp cho ao nuôi được chuyển thành sinh khối, phần còn lại được thải ra môi trường dưới dạng phân và chất hữu cơ dư thừa thối rữa vào môi trường. Nguy hại hơn là việc các nhà máy chế biến thủy sản đã và đang thải vào môi trường khối lượng lớn các chất thải ở cả 3 dạng (khí, lỏng, rắn) thông qua quá trình sản xuất tiêu thụ năng lượng, tiêu thụ nước và các chất bị loại bỏ trong quá trình chế biến, đóng gói. Những chất thải đó không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hàng ngàn hộ sản xuất nông nghiệp, NTTS theo mô hình quảng canh, thâm canh.

Người dân đã nhiều lần kiến nghị với cán bộ môi trường, lãnh đạo địa phương về thực trạng nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ông Trần Văn Lịnh - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình) cho biết: “Hình thức xử phạt cao nhất ở cấp xã là 5 triệu đồng/hộ vi phạm, nhưng phải bốc mẫu gửi lên tuyến trên thẩm định mức độ ảnh hưởng đến môi trường thì chi phí phải mất hơn 10 triệu đồng. Do đó, hầu hết các trường hợp kiến nghị của dân nếu không giải quyết được bằng giải pháp tuyên truyền thì sẽ báo tuyến trên (huyện, ngành tỉnh) can thiệp. Thế nhưng, khi ngành chức năng tỉnh đến kiểm tra thì thực trạng đã thay đổi…”.

Đoàn giám sát đại biểu Quốc hội tỉnh khảo sát thực tế hệ thống xử lý nước thải của Công ty CP chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Âu Vững (ảnh trên) và Công ty TNHH chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Trang Khanh. Ảnh: T.T

Không ít người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp từ vấn nạn môi trường đã gửi hàng chục đơn, tin báo phản ánh với Sở TN-MT, Công an tỉnh và kiến nghị với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp về hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường của Công ty Chế biến thủy sản đông lạnh Sang YI-VNM, Công ty Trường Phú, Xí nghiệp chế biến thủy sản Trà Kha F78, các hộ nuôi xử lý nước thải không đúng quy trình… Theo báo cáo của Sở TN-MT, qua thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra hàng năm cho thấy các nhà máy chế biến thủy sản cơ bản đều chấp hành chính sách, pháp luật BVMT trong quá trình hoạt động như: lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án BVMT, kế hoạch BVMT, đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải (nước thải, chất thải rắn, khí thải)… Tuy nhiên, khi thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất 150 lượt nhà máy, cơ sở chế biến, thu mua thủy hải sản trên địa bàn tỉnh thì đã phát hiện và xử phạt hành chính gần 50 cơ sở, nhà máy với số tiền trên 7,6 tỷ đồng. Còn theo báo cáo của Công an tỉnh, từ năm 2015 đến tháng 6/2018, Công an tỉnh đã kiểm tra 120 nhà máy, cơ sở thu mua thì tất cả đều vi phạm. Trong đó, 89 trường hợp làm cam kết khắc phục, phạt hành chính 31 trường hợp.

Môi trường cần được “hồi sinh”

Do mức độ xử lý chưa đủ răn đe vì hiện mức phạt cao nhất thì cũng vẫn “nhẹ” hơn so với chi phí vận hành xử lý nước thải thường xuyên đã đẩy môi trường đến tình trạng nguy kịch như hiện nay. Hầu hết các nhà máy, hộ nuôi đều trang bị hệ thống, ao nuôi xử lý chất thải nhưng qua thanh tra của ngành chức năng thì tất cả những công trình trên chỉ mang tính đối phó. Nhiều nhà máy, hộ nuôi gần như không ngần ngại xả thải trực tiếp ra sông, cửa biển. Nhiều nhà máy dù đã có hệ thống xử lý chất thải hiện đại nhưng đồng thời cũng đã trang bị hệ thống ống âm rất sâu dưới lòng đất dẫn ra lòng sông, lòng kênh. Còn các hố gas của hệ thống xử lý nước thải thường bố trí bên trong tường rào kín đáo nên cơ quan chức năng chỉ thu được mẫu khi vào nhà máy.

Mục tiêu kinh tế vẫn là điều mà các doanh nghiệp, hộ nuôi quan tâm nhất. Do đó, nếu chỉ nhìn trước mắt thì những người dân lân cận, chưa thể tiếp cận công nghệ nuôi trồng, sản xuất hiện đại bị thiệt hại. Nhưng nếu nghĩ một cách thấu đáo thì với đặc điểm của vùng đất có chế độ bán nhật triều thì nước thải sẽ không bị đẩy ra xa khỏi khu vực được thải ra, rõ ràng không chỉ hại người mà còn hại chính mình nữa. Trong những lần đối thoại với doanh nghiệp, tiếp xúc với người dân, ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh đã nhấn mạnh: “Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao là cuộc cách mạng đối với nghề nuôi tôm ở Bạc Liêu. Tuy nhiên, mô hình này cần nguồn nước và thức ăn rất lớn. Do đó, nếu không kiểm soát được môi trường nước thì thời gian không xa nữa sẽ trở về thời kỳ tôm chết của mô hình nuôi quảng canh mà trước đây tỉnh gặp phải. Ngành chức năng, các doanh nghiệp nuôi tôm siêu thâm canh cần quyết liệt tìm ra giải pháp an toàn về nguồn nước, công nghệ xử lý nguồn nước để người dân áp dụng trong nuôi tôm như những “ông lớn” trong ngành tôm như Công ty Long Mạnh, Công ty Việt Úc - Bạc Liêu…”.

Trước tình trạng môi trường đang dần bị “bức tử”, nhưng theo ngành chức năng thì cho đến nay vẫn chưa có trường hợp nào phải bồi thường thiệt hại trong BVMT; chưa có tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật BVMT nào bị xử lý hình sự. Thiết nghĩ, tỉnh cần có những quy định, chế tài riêng, trách nhiệm pháp lý nặng hơn; kiên quyết không cấp phép hay đình chỉ hoạt động đối với các trường hợp vi phạm. Đặc biệt, đối với những dự án thu hút đầu tư sắp tới cần ưu tiên cho những nhà đầu tư có xây dựng lộ trình phát triển kinh tế bền vững đi đôi với BVMT. Đồng thời, cần nâng cao ý thức BVMT của các doanh nghiệp, người dân để mọi người đều hiểu rằng: con người cần BVMT là để duy trì sự sống của chính mình!

Hoàng Uyên

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.