Phóng sự - Ký sự

Giã biệt điện "chia hơi"

Thứ Sáu, 02/12/2016 | 16:04

Dù ở ngay khu vực ấp Nội Ô (thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân), nhưng để vào được con hẻm nhỏ xíu, mới mưa mà ngập nước ở khu 3 không phải dễ. 6 - 7 nóc gia trong khu vực này sống trong cảnh thiếu đủ thứ, trong đó điện là thứ người dân nơi đây khao khát nhất. Hàng chục năm qua, họ phải chịu cảnh "chia hơi", chỉ có thể sử dụng điện để sinh hoạt tối thiểu và phải trả tiền với cái giá cao gấp mấy lần giá điện Nhà nước.
Điện "chia hơi" và những nỗi niềm
Khi chúng tôi đến nhà chị Nguyễn Thị Kiều (một hộ dân đã có hơn 10 năm sống tại khu 3) cũng là lúc gia đình chị được Điện lực huyện Hồng Dân đến tận nhà, kéo điện và gắn đồng hồ khoảng tháng nay. Chị lăng xăng sai con gái đi làm nước uống để tiếp đãi chúng tôi. Bưng ly nước đá mát lạnh, chị Kiều vui mừng nói: “Giờ tôi có thể làm nước đá đãi khách vì nhà mới mua tủ lạnh kể từ khi câu điện. Còn trước xài điện "chia hơi", nhà chỉ có 2 cái bóng đèn, 1 cây quạt và xem tivi vào buổi tối thôi. Muốn uống nước đá thì phải chạy đi mua”. Chị Kiều còn kể, mấy năm trước, vì khó khăn trong vấn đề "chia hơi", mấy chị em trong xóm đã rủ nhau lên Điện lực huyện, làm đơn xin vô điện. Nhưng đến khi có giấy báo chi phí để được kéo điện, mỗi hộ 3 - 4 triệu đồng thì đành đi về, vì 6 - 7 gia đình trong khu vực này, không phải ai cũng có khả năng. Mấy lần đi về như vậy, mọi người đành từ bỏ ước mơ được kéo điện. Cho đến đầu tháng 11 vừa qua, tự dưng thấy anh Trưởng ấp dẫn cán bộ điện lực đến khảo sát, rồi thông báo với bà con là được kéo điện miễn phí, ai cũng tưởng như nằm mơ.
Tương tự như vậy, khi tham gia cùng với Điện lực huyện Hồng Dân để xóa 10 hộ câu phụ (chia hơi) tại khu vực ấp Ninh Phú (xã Ninh Quới), chúng tôi thật sự cảm nhận được niềm hạnh phúc của người dân nơi đây. Chưa có đường lộ bê-tông để đi, chúng tôi phải xắn quần lội sình vào ngày mưa. 10 hộ này đều có đời sống hết sức khó khăn, thậm chí khi đã được thông báo gắn điện miễn phí tới đồng hồ, bên cạnh niềm vui khôn tả, bà con ở đây vẫn loay hoay mãi với số tiền vài trăm ngàn đồng phải đóng phụ thêm phía sau đồng hồ điện (theo quy định của Tổng Công ty Điện lực, việc hỗ trợ kéo điện được thực hiện đến công tơ điện, còn phía sau thì hộ dân phải chịu). Mỗi hộ dân phải đóng từ 200.000 - 300.000 đồng cho các chi phí phía sau đồng hồ điện. Anh Phạm Quốc Dũng, cán bộ Điện lực huyện Hồng Dân tâm sự, có đi thực tế đến đây, mới thấy thương và thấu hiểu cảnh khổ của người dân. Họ giống như sống bên lề xã hội, kiếm cái ăn hàng ngày, nên ngay cả vài trăm ngàn cũng khó kiếm. 

Xóa điện câu phụ tại ấp Ninh Phú (xã Ninh Quới, Hồng Dân). Ảnh: K.P

Mặc dù đã được chỉ đường trước, nhưng để đi vào khu vực có gần 40 hộ trong hẻm 3 (khóm 3, phường 2, TP. Bạc Liêu), chúng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng. Hẻm quanh co, nhà cửa cất lung tung, đường do dân tự làm. Do đó, đây là “vùng trũng” về điện trong nhiều năm trên địa bàn thành phố. Các hộ dân chủ yếu đều chia hơi điện vì không có khả năng vô điện của Nhà nước. Cô Dương Hồng Nhị (67 tuổi, một người dân trong hẻm) cho biết, trước đây mỗi tháng nhà cô phải trả hơn 300.000 đồng tiền điện, 16 năm rồi cứ mỗi tháng tới lúc trả tiền điện là phải đi vay tiền để trả. Có khi chưa kịp trả là bị cắt điện ngay. Mà gia đình cô thuộc diện hộ nghèo, chỉ có mấy cái bóng đèn với nồi cơm điện và cái tivi cũ. “Giờ có điện Nhà nước, tháng này trả có vài chục ngàn, cô dư tiền mua sữa cho thằng cháu ngoại”, cô Nhị cười móm mém.
Thấu hiểu những khó khăn của các hộ xài điện chia hơi, Điện lực Bạc Liêu đã có chủ trương hỗ trợ chi phí kéo điện phía sau đồng hồ tối đa là 500.000 đồng/hộ. Tuy nhiên, theo anh Phạm Quốc Dũng, có những hộ hoàn cảnh rất khó khăn nhưng không thuộc diện hộ nghèo, mấy anh em điện lực thương quá hùn tiền lại đóng cho. 

Chính sách hợp lòng dân
Điểm sơ qua tình hình câu kéo điện chia hơi tại một số địa bàn như: TP. Bạc Liêu hơn 1.000 hộ, TX. Giá Rai hơn 2.000 hộ, huyện Hồng Dân hơn 2.200 hộ. Hầu hết các hộ dân này nằm rải rác hoặc co cụm ở những nơi dân cư thưa thớt, chưa có đường điện hoặc nằm cách xa lưới điện, nên chi phí đầu tư đường dây vào nhà rất lớn, không có mấy hộ có khả năng kéo điện. 
Với tình trạng "chia hơi" điện, đường dây chia hơi từ hộ này sang hộ khác đều đi trên trụ gỗ, dây điện hay tróc vỏ không đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng. Đặc biệt là vào mùa mưa, các đường dây chia hơi kiểu này có thể ngã đổ bất kỳ lúc nào, gây nguy hiểm cho cả người sử dụng và người dân trong khu vực. Bên cạnh đó, với điện "chia hơi", điện áp thấp, chất lượng điện rất hạn chế, không thể xài các thiết bị tiêu thụ điện năng cao, các thiết bị điện cũng rất dễ hư hỏng. 
Từ chủ trương của Tổng Công ty Điện lực miền Nam, Điện lực Bạc Liêu đã quyết định triển khai chương trình xóa điện câu phụ trên địa bàn toàn tỉnh. Sau khảo sát và thống kê, mỗi huyện, thị xã, thành phố đều được phân bổ kinh phí từ 1 - 2 tỷ đồng để xóa hộ "chia hơi". Chi phí đầu tư bình quân mỗi hộ gần 2 triệu đồng, trong đó, hộ nghèo, hộ gia đình chính sách còn được hỗ trợ thêm chi phí phía sau công tơ, bình quân 500.000 đồng/hộ.
Điện lực TP. Bạc Liêu đã thực hiện đầu tư mới 10 tuyến đường dây hạ thế với tổng chiều dài là 1.355m kết hợp công tác lắp đặt công tơ bán điện cho 500 khách hàng (xóa hộ "chia hơi") sử dụng trực tiếp từ lưới điện của điện lực. Như vậy, trên địa bàn TP. Bạc Liêu, tính đến hết năm 2016, chỉ còn khoảng 500 hộ còn xài điện "chia hơi". Còn tại TX. Giá Rai, huyện Hồng Dân và các địa phương khác, mỗi nơi đều sẽ xóa được khoảng 1.000 hộ xài điện chập chờn, "chia hơi". 
Tết này hàng ngàn hộ dân khắp nơi trong tỉnh, những nơi mà trước đều nghe phản ánh về tình trạng thiếu điện sinh hoạt, đã không còn chịu cảnh xài điện "chia hơi" nữa! Điện về thắp sáng thôn xóm, sáng từng trang vở, sáng những bữa cơm gia đình ấm áp, niềm vui như nhân đôi, khoảng cách giàu - nghèo được rút ngắn. Một điểm cộng thật lớn cho ngành Điện trong kinh doanh phục vụ hướng về cộng đồng.
Kim Phượng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.