Phóng sự - Ký sự
Chuyện từ… con tôm càng xanh
Về Vĩnh Lộc A (huyện Hồng Dân) để tìm hiểu tình hình xây dựng nông thôn mới (NTM), chúng tôi biết được thêm câu chuyện thú vị từ sự đoàn kết của bà con từ… con tôm càng xanh. Những ông chủ vuông tôm có ý chí làm giàu chính đáng trên bờ vuông, thửa ruộng của mình cũng chính là những người dân tiêu biểu trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở nơi này.
Rủ nhau nuôi tôm càng xanh
Một trong những nguyên nhân gây đình trệ tiến độ đạt chuẩn NTM ở Vĩnh Lộc A chính là tỷ lệ hộ nghèo. Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo theo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020, tính đến nay, toàn xã vẫn còn ở tỷ lệ 15,1%. Chính vì thế, tìm phương cách để giúp bà con thoát nghèo đã có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương.
Người dân Vĩnh Lộc A đa phần đều chí thú làm ăn để vươn lên thoát nghèo. Nghe ngóng ở đâu có mô hình làm ăn hiệu quả là họ bắt tay thử nghiệm để nuôi hy vọng thoát nghèo, đổi đời và góp phần xây dựng NTM trên quê hương mình. Khi chúng tôi tìm hiểu về những mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao của xã, Chủ tịch UBND xã - Nguyễn Quốc Thái bắt đầu hồ hởi câu chuyện về con tôm càng xanh. Ông Chủ tịch UBND xã kể: “Cách đây chừng chục năm trước, hơn 3.000ha đất canh tác ở xã này bà con chủ yếu tập trung cho những mô hình như khóm, lúa, tôm sú, tràm. Nhưng sản xuất, nuôi trồng rời rạc, thậm chí hàng trăm héc-ta đất canh tác bỏ hoang sau các vụ mùa thu hoạch đã không nuôi đời người dân. Thế là những người không cam phận đói nghèo, khó khăn đã quyết tâm tìm kiếm mô hình sản xuất mới. Nuôi tôm càng xanh trong đất trồng lúa là một trong những mô hình đó. Học hỏi từ những nông dân ở Vĩnh Tuy, Gò Quao (địa phận giáp ranh thuộc tỉnh Kiên Giang), từ vài ba hộ rủ nhau nuôi thử nghiệm ở ấp Lộ Xe, Bến Bào… đến nay toàn xã đã có hơn 2.000ha đất nuôi tôm càng xanh trong lúa”.
Những bờ ruộng canh tác không hiệu quả, những rẫy khóm năng suất thấp trước đây dần được bà con chuyển đổi thành đất nuôi tôm càng xanh. Học hỏi lẫn nhau cách thức nuôi trồng, bà con ngày một giàu kinh nghiệm hơn trong việc nuôi xen kẽ tôm sú, tôm thẻ trong các diện tích nuôi tôm càng xanh. Nói về động thái của chính quyền, ông Chủ tịch UBND xã cho biết, dự kiến trong năm 2018 này xã sẽ thành lập hợp tác xã nông nghiệp để thúc đẩy hơn nữa hiệu quả những mô hình kinh tế chủ lực của địa phương, tất nhiên mô hình nuôi tôm càng xanh trên đất trồng lúa là ưu tiên số 1!
Chú Đặng Văn Nhỏ và chú Trịnh Minh Tuất (người thứ nhất và thứ ba từ trái sang) ra thăm vuông nuôi tôm càng xanh. Ảnh: C.T
Thắm tình đoàn kết nhờ… tôm
Nhìn cơ ngơi của chú Đặng Văn Nhỏ cũng đủ hiểu chú là nông dân sản xuất giỏi của xã này. Đâu chỉ vậy, chú còn là nông dân sản xuất giỏi của tỉnh Bạc Liêu! Riêng đối với những bà con ở ấp Bến Bào, chú Nhỏ luôn là tấm gương sáng trong việc tạo dựng mối quan hệ “trong ấm, ngoài êm”. Nghĩa là, chú xây dựng được một gia đình văn hóa kiểu mẫu, nuôi dạy con ăn học thành tài, có công danh sự nghiệp; đồng thời với lối xóm bà con, chú luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, sẵn sàng hỗ trợ nhau trong sản xuất, nuôi trồng. Không có cái tính “xấu bụng giấu nghề”, ngược lại, chú Nhỏ chia sẻ “sạch ruột” với bà con láng giềng về mô hình nuôi tôm càng xanh. Thế là, hơn 4ha nuôi tôm cành xanh xen kẽ tôm sú, tôm thẻ trên đất lúa của chú Nhỏ trở thành mô hình kiểu mẫu để cả xóm học theo. Làm kinh tế hiệu quả nhiều năm liền đã giúp chú có một cơ ngơi khá bề thế ở vùng quê heo hút. Nhưng thành công hơn cả của những ông chủ vuông tôm như chú Nhỏ chính là tạo dựng một gia đình hạnh phúc và một xóm làng thắm tình đoàn kết từ chuyện nuôi tôm càng xanh.
Chú Nhỏ nói với chúng tôi, muốn biết xóm làng chú đoàn kết, đùm bọc nhau như thế nào thì hãy đợi mùa thu hoạch tôm mà về lại nơi này. Đó là cảnh 60 - 70 người, trong đó có cả “bô lão”, thanh niên trai tráng, phụ nữ, trẻ em tụ hợp về cùng một vuông tôm để tiếp tay thu hoạch cho chủ vuông. Người nào việc nấy, tùy theo sức của mình để giúp gia chủ. Thanh niên trai tráng thì kéo tôm, cân ký, phụ nữ thì nấu nướng, phụ hợ những việc nhẹ. Cứ như thế, một nhà thu hoạch tôm thì cả xóm sáng đèn từ tinh mơ, í ới, hò reo rủ nhau đi giúp. Cứ xoay vòng theo kiểu vần công như thế, rồi tình bà con chòm xóm cứ gắn kết, khắng khít với nhau trở thành “vốn quý” ở đất quê heo hút này. “Không có chuyện tham lam, cắp vặt, xóm làng thật sự bình yên”, chú Nhỏ tự hào khoe với chúng tôi.
Gần nhà chú Nhỏ có gia đình chú Trịnh Minh Tuất cũng là một nông dân sản xuất giỏi điển hình. Họ chỉ có đứa con trai duy nhất ăn học thành tài rồi làm bác sĩ ở TP. Cần Thơ. Hai vợ chồng ngày một thêm tuổi mà công việc làm ăn không có sức trẻ phụ hợ. Thế là 4ha đất nuôi tôm càng xanh của gia đình chú phải nhờ công sức lao động của bà con chòm xóm. Cũng cái cách nói như chú Nhỏ, “không nhờ bà con láng giềng tiếp thì làm sao mà thu hoạch tôm nổi”.
Kéo những mẻ tôm đầy, cả xóm cùng hò reo mừng rỡ. Nhà nào trúng tôm thì mở tiệc đãi đằng. Vuông nào thất bát thì cả xóm buồn lây với người chủ. Cho nên, làm gì có chuyện giữ bí quyết, giấu kinh nghiệm về con tôm càng xanh ở Vĩnh Lộc A. Họ giúp nhau còn không hết.
Con tôm càng xanh về đất này đâu chỉ mang lại một mô hình làm ăn hiệu quả để bà con thoát nghèo, mà còn giúp họ thắm tình đoàn kết, giữ những nếp quê đẹp đẽ trên vùng quê đang tiến lên NTM.
Cẩm Thúy
- Ra quân cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo vệ tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Chuẩn y Phó Bí thư Huyện ủy Đông Hải
- Tập huấn nghiệp vụ công tác hòa giải ở cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2024
- Quay hình cho các chương trình về văn hóa, ẩm thực Bạc Liêu phát trên Đài Truyền hình Việt Nam
- Bế mạc Kỳ họp thứ 21, HĐND khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026