Đầu tư điện năng lượng tái tạo: Giải quyết bài toán thiếu điện trong nuôi tôm

Thứ Sáu, 23/08/2019 | 15:59

Áp dụng các nguồn năng lượng tái tạo vào nuôi tôm nhằm tiết kiệm điện, giảm giá thành sản xuất và cải thiện tính bền vững của nghề nuôi tôm là xu thế tất yếu. Bạc Liêu là tỉnh có diện tích nuôi tôm công nghiệp đứng nhất, nhì cả nước nên việc sử dụng năng lượng sạch sẽ mang lại lợi ích cho môi trường, góp phần giảm tải cho hệ thống điện quốc gia; đồng thời đáp ứng nhu cầu điện năng và tiết kiệm chi phí cho nông hộ, nhất là đối với các hộ nuôi tôm công nghệ cao.

Quang cảnh hội nghị “Thúc đẩy đầu tư năng lượng tái tạo cho ngành tôm Việt Nam” tổ chức tại Bạc Liêu.

THIẾU ĐIỆN TRONG NUÔI TÔM

Theo thống kê của ngành chức năng, năm 2017 tổng diện tích nuôi tôm của 10 tỉnh phía Nam (Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận) gần 429.000ha và sử dụng gần 12 tỷ kWh. Dự báo, đến năm 2020 diện tích nuôi tôm sẽ tăng lên hơn 651.200ha và năng lượng điện tiêu thụ sẽ tăng khoảng 30% so với năm 2017.

Con số trên cho thấy tiềm năng phát triển ngành tôm Việt Nam là rất lớn. Song, việc cung cấp điện trong nuôi tôm còn gặp khó khăn do sự tăng nhanh của phụ tải so với khả năng đầu tư của ngành Điện.

Theo đánh giá của Tổng Công ty Điện lực miền Nam, việc đầu tư nguồn điện cho nuôi tôm gặp nhiều khó khăn như: Đầu tư theo quy hoạch với việc đồng bộ cơ sở hạ tầng chưa song hành; chưa có các cơ chế phối hợp hoạt động chung giữa các ngành như hạ tầng cung cấp điện, quản lý sử dụng năng lượng hiệu quả và an toàn điện, quản lý môi trường. Phần lớn hộ nuôi tôm đang sử dụng nguồn điện thắp sáng để sản xuất làm điện năng tiêu thụ cao, dẫn đến quá tải điện lưới khu vực và ảnh hưởng đến việc cung cấp điện. Việc sử dụng điện sinh hoạt kết hợp với nuôi tôm làm tăng công suất lớn, gây mất cân bằng phụ tải, làm gia tăng tổn thất điện năng và không đảm bảo điều kiện vận hành…

Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh vẫn còn tình trạng thiếu điện để nuôi tôm, nhất là ở TP. Bạc Liêu, huyện Hòa Bình. Nhiều hộ sử dụng điện sinh hoạt để phục vụ nuôi tôm. Ông Trần Đình Của (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) - người có 1,5ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, bày tỏ: “Tôi nuôi tôm công nghệ cao, mật độ thả tôm dày nên phải sụt oxy đáy ao xuyên suốt. Chỉ cần cúp điện một giờ là tôm sẽ chết. Vì vậy, lúc nào tôi cũng chuẩn bị máy phát điện để phòng khi điện lưới bị cúp”.

Để đảm bảo nguồn điện phục vụ các vùng nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, việc khuyến khích các hộ dân, các doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo cho nuôi tôm là giải pháp tối ưu giải quyết bài toán thiếu điện.

Doanh nghiệp trưng bày và quảng bá tấm pin năng lượng mặt trời áp mái để tạo ra nguồn điện sạch trong nuôi tôm. Ảnh: M.Đ

NHIỀU LỢI ÍCH CHO NGƯỜI NUÔI TÔM

Mới đây, Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS) phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu cùng Ban quản lý Dự án phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững và công bằng tại Việt Nam - SusV tổ chức hội nghị “Thúc đẩy đầu tư năng lượng tái tạo cho ngành tôm Việt Nam” tại Bạc Liêu. Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Nam, cho biết: “Đơn vị đã đề xuất nghiên cứu và triển khai hệ thống điện năng lượng mặt trời trong nuôi tôm, nhất là đối với các tỉnh: Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng - vùng nuôi tôm công nghiệp lớn nhất nước. Điện mặt trời đem lại nhiều lợi ích thiết thực như: phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển của đất nước ngày càng văn minh và hiện đại; tăng tính mỹ quan của công trình; nâng cao hình ảnh về công nghệ năng lượng tái tạo và đề cao tinh thần tiết kiệm điện từ lưới điện quốc gia; đáp ứng nhu cầu điện năng cho hệ thống tải tiêu thụ tại chỗ; tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành, tiết giảm lượng điện sử dụng từ lưới điện; giảm phát thải khí thải CO2 ra môi trường, góp phần bảo vệ môi trường; giảm áp lực cho ngành Điện; lượng điện dư thừa truyền lên lưới điện quốc gia ngành Điện sẽ mua lại với giá quy định của Nhà nước…

Còn Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, khẳng định: “Sử dụng điện năng lượng mặt trời trong nuôi tôm đem lại nhiều lợi ích thiết thực. Đó là đáp ứng nhu cầu điện năng một phần cho hệ thống tải tiêu thụ; giảm nhiệt độ cho một phần ao nuôi tôm; tiết kiệm chi phí vận hành, tăng tính ổn định, tiết kiệm nguồn năng lượng truyền thống đang ngày càng cạn kiệt; phù hợp với điều kiện thực tế nơi lắp đặt; thể hiện sự hiện đại của công trình và góp phần bảo vệ môi trường; thể hiện mục tiêu phát triển xanh - bền vững. Sử dụng năng lượng tái tạo cũng là một giải pháp tối ưu trong giảm giá thành con tôm và giải quyết bài toán thiếu điện 3 pha cho sản xuất tôm công nghiệp”.

Tuy nhiên, điều băn khoăn của các doanh nghiệp và người nuôi tôm là chi phí đầu tư điện năng lượng mặt trời ban đầu khá lớn. Vì vậy, để đẩy mạnh việc đầu tư điện năng lượng vào nuôi tôm, rất cần chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Minh Đạt

Bạc Liêu hiện có 12 công ty, 2 đơn vị sự nghiệp, 318 hộ dân thực hiện mô hình nuôi tôm siêu thâm canh cùng nhiều mô hình nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh có sử dụng điện.

Bạc Liêu cũng có nhiều dự án đầu tư điện năng lượng tái tạo, trong đó có Nhà máy Điện gió Bạc Liêu (công suất 99,2MW) đã được đưa vào sử dụng. Tỉnh cũng đang thúc đẩy tiến độ 4 dự án đã quy hoạch, trong đó đã khởi công xây dựng Nhà máy Điện gió Đông Hải 1 giai đoạn I (50MW); Nhà máy Điện gió Hòa Bình 1 giai Đoạn I (50MW); Nhà máy điện gió Đông Hải II (50MW)…

Bên cạnh đó, Bạc Liêu còn có 15 dự án điện gió khác với tổng công suất gần 3.000MW đang trình Bộ Công thương bổ sung vào quy hoạch.

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.