Khoa học - Công nghệ

Khoa học - công nghệ năm 2013: Những thành tựu nổi bật

Thứ Tư, 22/01/2014 | 19:09

Do ảnh hưởng chung của nền kinh tế, hoạt động khoa học - công nghệ (KH-CN) năm 2013 của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ KH-CN, đặc biệt là quyết tâm nỗ lực của toàn ngành, nên hoạt động KH-CN của tỉnh năm qua tiếp tục gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng. Trong đó, có những công trình, đề tài nghiên cứu phục vụ đắc lực, góp phần tạo nên động lực cho tiến trình CNH-HĐH…

Ông Lê Anh Xuân - Giám đốc Công ty Trúc Anh (bìa phải), một trong những doanh nghiệp đoạt giải thưởng chất lượng (giải Bạc quốc gia) năm 2013. Ảnh: K.T

Đẩy mạnh đầu tư

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) của Ban Chấp hành Trung ương và chiến lược phát triển KH-CN đến năm 2020 của Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu đã ban hành Chỉ thị 22-CT/TU và UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch 47/KH-UBND để thực hiện Chỉ thị 22 về phát triển KH-CN phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Các chỉ thị này đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao nhận thức, qua đó, các ngành, các cấp và cộng đồng doanh nghiệp tập trung đầu tư để KH-CN trở thành động lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Năm qua, nhiều doanh nghiệp cũng đạt được nhiều giải thưởng về chất lượng, nhất là trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy sản xuất khẩu. Điều đáng phấn khởi là trong năm 2013, Sở KH-CN đã hướng dẫn 3 doanh nghiệp tham gia giải thưởng chất lượng quốc gia với kết quả đạt được là 1 giải Vàng, 1 giải Bạc.

Cùng với việc tập trung đổi mới cơ chế quản lý, tổ chức hoạt động KH-CN, từ phương thức đầu tư và cơ chế tài chính đến quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, cơ chế, chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ KH-CN…, năm 2014 và những năm tiếp theo, Bạc Liêu sẽ tập trung đẩy mạnh đầu tư xây dựng khu công nghệ sinh học, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng theo mô hình tiên tiến trong nước và thế giới; từng bước hình thành và phát triển các Trung tâm Thực nghiệm KH-CN cấp huyện nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong tỉnh. Ngoài ra, tỉnh cũng tăng cường hợp tác với các trường đại học, viện, Trung tâm Nghiên cứu KH-CN trong và ngoài nước, đặt hàng các tổ chức KH-CN thực hiện các đề tài mang tính bức xúc của địa phương nhằm giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc.

Nông dân tìm hiểu giống lúa mới để phục vụ sản xuất tại Hội chợ triển lãm nông nghiệp Bạc Liêu. Ảnh: K.T

Tập trung cho nông nghiệp

Năm 2013, Sở KH-CN đã tổ chức xét duyệt 14 đề tài, dự án cấp tỉnh, 31 đề tài, dự án cấp cơ sở (kinh phí thực hiện dưới 50 triệu đồng), nghiệm thu kết quả nghiên cứu 19 đề tài, dự án cấp tỉnh và 15 đề tài, dự án cấp cơ sở. Trong các đề tài, dự án thì nghiên cứu phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đơn cử như dự án xây dựng cánh đồng mẫu lớn (CĐML) và ghi chép sổ tay sản xuất lúa cao sản ngắn ngày theo hướng GAP trên địa bàn 2 huyện Phước Long và Giá Rai. Dự án triển khai trên 60ha với 60 hộ nông dân tham gia. Sản phẩm là mô hình CĐML sử dụng giống lúa cấp xác nhận (OM 4218, OM 5451, OM 2517). Năng suất bình quân 5,7 - 6,2 tấn/ha, lợi nhuận trung bình khoảng 14 - 17 triệu đồng/ha/vụ.

Bên cạnh đó, còn xây dựng thành công mô hình CĐML và ghi chép sổ tay sản xuất lúa Tài nguyên theo hướng GAP trên địa bàn huyện Vĩnh Lợi, đây là một trong những giống lúa đặc sản của tỉnh. Mô hình triển khai trên diện tích 40ha với 25 hộ nông dân tham gia tại xã Châu Hưng A (huyện Vĩnh Lợi). Năng suất mô hình bình quân 7 tấn/ha, lợi nhuận trung bình đạt hơn 26 triệu đồng/ha/vụ. Kết quả triển khai giúp nông dân ứng dụng đồng bộ những tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất lúa Tài nguyên trên diện tích lớn và hình thành tính liên kết cho nông dân trong sản xuất có nhiều hộ tham gia; hạn chế sử dụng hóa chất, thân thiện với môi trường, tạo sự cân bằng sinh thái cho vùng sản xuất lúa; đồng thời làm cơ sở nhân rộng mô hình xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất lúa phục vụ xuất khẩu, tiến tới xây dựng sản xuất theo hướng thương hiệu VietGap. Đối với rau màu, trồng thử nghiệm thành công giống khoai lang đỏ ở vùng ngọt hóa tỉnh Bạc Liêu. Kết quả nghiên cứu đã tuyển chọn và trồng thử nghiệm thành công hai giống khoai lang cao sản (HL 208) đạt năng suất 22 tấn/ha và khoai lang Nhật đỏ lòng đạt năng suất 19 tấn/ha. Quy trình kỹ thuật trồng 2 giống khoai lang này phù hợp với điều kiện vùng canh tác rau màu tại 2 huyện Phước Long và Giá Rai.

Riêng lĩnh vực thủy sản, cùng với đối tượng chủ lực là con tôm thì việc nghiên cứu và xây dựng thành công quy trình ương cá chẽm từ cá hương lên cá giống bằng hệ thống mương nổi đã tạo ra hướng mới trong việc cung cấp nguồn con giống ổn định cho nghề nuôi cá chẽm ở Bạc Liêu. Cá kèo cũng được biết đến với vai trò là loài cá nước lợ của tỉnh, nghiên cứu cơ bản về bệnh thường xảy ra trên loại cá này đã tạo nền tảng, cơ sở để thực hiện những nghiên cứu tiếp theo nhằm tìm ra phương pháp phòng trị bệnh cá kèo khi đưa vào sản xuất thực tế. Không những chú trọng các đối tượng nuôi nước lợ mặn thì một số đối tượng nuôi nước ngọt có tiềm năng phát triển như cá lóc, cá dầy, lươn đồng, tôm càng xanh… cũng đang được nghiên cứu ứng dụng trên địa bàn tỉnh...

“Năm qua, hoạt động KH-CN của tỉnh đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi với hàng loạt các công trình, dự án và nhiều giải thưởng quốc gia mà Bạc Liêu chưa từng đạt từ trước đến nay. Tới đây, Sở KH-CN sẽ tổ chức công bố, trao giấy chứng nhận cho các doanh nghiệp, công trình tiêu biểu. Đồng thời, tiếp tục phát huy thế mạnh các công trình, dự án nghiên cứu trong sản xuất nông nghiệp, nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh” - Tiến sĩ Huỳnh Minh Hoàng, Giám đốc Sở KH-CN khẳng định.

KIM TRUNG

Theo Sở KH-CN, từ nay đến năm 2020 Bạc Liêu sẽ đẩy mạnh ứng dụng, phát triển KH-CN trong các ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, trong đó sẽ tập trung vào các lĩnh vực:

- Xây dựng và nhân rộng các mô hình chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn, góp phần xây dựng vùng nguyên liệu cho công nghiệp, xác lập mối liên kết “4 nhà”, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh tăng năng suất, nâng cao chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm (GAP), nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, tăng thu nhập cho nông dân.

- Về trồng trọt: Nghiên cứu sản xuất các sản phẩm chất lượng cao như giống lúa chịu mặn, lúa sạch; rau sạch; hoa lan - cây kiểng; giống nhãn mới cho chất lượng thơm, dày cơm cho năng suất cao.

- Về chăn nuôi: Nghiên cứu sản xuất heo siêu nạc, vịt siêu thịt - siêu trứng trong mô hình VACB, an toàn sinh học và mô hình nuôi công nghiệp gắn với công nghệ xử lý chất thải, nhằm hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường và kiểm soát hữu hiệu dịch bệnh.

- Về thủy sản: Xây dựng mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao và an toàn sinh học, đặc biệt là mô hình nuôi tôm công nghiệp sạch, nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng ngập mặn. Chú trọng nghiên cứu cải tiến thiết bị công nghệ, ngư cụ trong khai thác thủy sản và hậu cần nghề biển.

- Về chế phẩm sinh học: Nghiên cứu ứng dụng và sản xuất các chế phẩm vi sinh phục vụ xử lý ao, ruộng nuôi thủy sản; điều hòa sinh trưởng các loại cây trồng và vật nuôi.

- Về đổi mới tổ chức KH-CN: Đến năm 2015 hoàn tất việc thành lập các trung tâm thực nghiệm và chuyển giao KH-CN cấp huyện trong tỉnh; tiếp tục phát triển đạt 10 doanh nghiệp KH-CN, đặc biệt là các tổ chức KH-CN tự trang trải kinh phí theo Nghị định 115 của Chính phủ.

- Về tiềm lực KH-CN: Tiếp tục tranh thủ các Bộ, ngành Trung ương phê duyệt các dự án nâng cao năng lực cơ sở vật chất kỹ thuật, các chương trình quốc gia… Đồng thời đẩy mạnh công tác xây dựng cơ bản như tập trung xây dựng trụ sở, khu công nghệ sinh học.

T.A (tổng hợp)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.