Giáo dục - Học Đường

Thầm lặng những đóa hoa đời

Thứ Sáu, 25/09/2020 | 17:52

“Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất…, những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh… Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em Nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội  được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”. Đó là nhận định sâu sắc, đầy trân trọng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho nghề giáo lúc sinh thời.

Không phụ sự kỳ vọng của Người, bao thế hệ thầy cô giáo, những người đang cống hiến cho ngành Giáo dục nước nhà nói chung, Bạc Liêu nói riêng đang tận tâm, âm thầm dốc trí lực, quyết noi gương Bác làm những đóa hoa thầm lặng, tỏa ngát hương thơm tô thắm cho đời…

Bài 1: Cao đẹp những tấm lòng

Chúng tôi đã may mắn được gặp những “ba” Ngọc, “ba” Tú, “má” Hương, “mẹ” Mai… những người đã tình nguyện “cắm sóc”, gắn bó với địa bàn vùng sâu, bãi ngang ven biển, vùng đặc biệt khó khăn vì sự nghiệp “khai tâm mở trí”. Dù đến từ mọi miền của Tổ quốc, nhưng họ quyết chọn Bạc Liêu làm quê hương thứ hai để gắn bó trọn đời bởi cái tình, ánh mắt trong veo của đám trẻ thơ đang chờ họ trao truyền tri thức. Với họ, những tiếng “ba, má, mẹ” thân thương kia chính là những món quà vô giá, tiếng gọi đầy kiêu hãnh để họ vững tin gắn bó với sự nghiệp “trồng người”.

“Má” Hương (Trường THCS Nguyễn Huệ, xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) say sưa trao truyền kiến thức cho học trò. Ảnh: Đ.K.C

Tự nguyện “cắm sóc”, gắn bó với vùng sâu

Hơn 20 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục, với Trường tiểu học Nguyễn Du (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu) - địa bàn vùng ven tập trung khá đông đồng bào dân tộc Khmer với hoàn cảnh đặc biệt khó khăn - cô Thạch Thị Xuân Mai không thể nào nhớ hết mình đã từng đi vận động, đỡ đầu bao nhiêu học sinh nghèo. Chỉ nhớ là mỗi năm, khi nhận lớp chủ nhiệm mới cô lại tìm hiểu từng trường hợp, nắm rõ từng hoàn cảnh học sinh khó khăn để có hướng hỗ trợ kịp thời. Cuối mỗi năm học, khi học trò nghèo qua lớp mới, người cô ấy lại ân cần gửi gắm để học trò mình tiếp tục được cưu mang, giúp đỡ.

Riêng cô, dù cuộc sống không khấm khá là mấy nhưng cô vẫn đều đặn hàng tháng trích tiền lương để mua thùng mì, dăm ký gạo, vài bộ quần áo, dụng cụ học tập, nhu yếu phẩm, hay ổ bánh mì, gói xôi… để sẻ chia khó khăn với những đứa học trò nghèo mà cô thường trìu mến gọi bằng “con”. Để rồi bất giác mỗi bận tan trường, hay những nơi đông đúc cô lại được nghe những tiếng gọi cô, gọi “mẹ” đầy trìu mến của bao thế hệ học trò. Mới hay, chuyện tự nguyện “cắm sóc”, dốc tâm huyết cho học trò vùng có đông đồng bào dân tộc với cô chính là lựa chọn đúng đắn nhất khi quyết định gắn bó với nghề cao quý.

Mới đó mà đã gần 25 năm thầy Phạm Văn Tú, giáo viên dạy môn Mỹ thuật, Trường THCS Thủ Khoa Huân (xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân) gắn bó với nghề giáo. Khước từ biết bao lời mời hấp dẫn, thầy Tú khăn gói về với ngôi trường vùng sâu để góp sức chăm bón những mầm xanh. Với tâm niệm dạy những gì học trò cần chứ không phải truyền đạt những gì mình có, thầy luôn trăn trở với từng bài giảng để tìm ra hướng truyền thụ hiệu quả nhất đối với từng đối tượng học trò. Bởi vậy, những tiết học của thầy luôn mang đến sự hào hứng, thú vị. Với thầy, khó khăn, vất vả mà người thầy ở địa bàn vùng sâu phải đương đầu sẽ càng hun đúc, làm bùng cháy mãnh liệt thêm ngọn lửa đam mê với nghề.

Câu chuyện tự nguyện rời quê Cà Mau đến xã vùng sâu, khó khăn nhất của huyện Đông Hải để cống hiến của cô giáo trẻ 9X Lê Kim Lĩnh, giáo viên, Chủ tịch Công đoàn Trường mầm non Sơn Ca (xã Định Thành A) cũng khiến nhiều người khâm phục. Cô giáo trẻ ấy dồn cả tình thương, nhiệt huyết của tuổi trẻ cho “đàn con thân yêu” đã ngót 7 năm trời, vì cô biết đám trẻ nơi vùng sâu heo hút này đang rất cần mình.

Kể sao cho hết những nhọc nhằn ngày ấy khi đường sá đi lại còn rất khó khăn, người dân chưa quan tâm đúng mức đến việc cho con em đến trường, nhiều trường hợp cha mẹ đi làm ăn xa phải gửi con nhỏ lại cho ông bà tuổi cao sức yếu trông coi… Vậy là, những năm đầu khi về trường công tác, Kim Lĩnh đã trực tiếp đi vận động học sinh trong độ tuổi đến trường. Càng thấu hiểu nỗi nhọc nhằn, vất vả trên hành trình chinh phục tri thức của học trò vùng sâu, cô giáo trẻ này càng thêm quyết tâm sẽ góp sức cùng bà con nơi đây cải thiện chất lượng giáo dục…

Cô giáo trẻ Lê Kim Lĩnh (Trường mầm non Sơn Ca, xã Định Thành A, huyện Đông Hải) cùng “đàn con thân yêu” tìm hiểu bài học mới.

Những người cha, người mẹ thứ hai

Dù đã nghỉ hưu, nhưng hễ có thời gian rảnh là cô Nguyễn Thị Mai Hương - người đã gắn bó gần 33 năm với mái trường THCS Nguyễn Huệ (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu), lại quay về trường xưa ôn kỷ niệm, chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp trẻ và để nghe những tiếng gọi “má Hương” thân thương của đám học trò tíu tít vây quanh. Vốn là con gái Hà Nội, cô theo người thân là giáo viên tăng cường vào Nam để cống hiến cho vùng đất mới. Sau khi tốt nghiệp tại Trường cao đẳng Minh Hải, cô về Trường THCS Nguyễn Huệ và gắn bó cho đến lúc nghỉ hưu.

Trong ký ức cô vẫn hằn sâu những tháng ngày gian khó, vất vả của cô trò mấy mươi năm về trước. Đó là hình ảnh về 5 phòng học tạm bợ được cất bằng cây lá địa phương trên nền đất sình lầy. Cứ đến mùa mưa bão, ngôi trường như cù lao nằm chơi vơi giữa một vùng trắng xóa nước. Để vào được lớp học, cô, trò phải cầm cây để dò đường. Những hôm mưa to, gió lớn cả cô và trò phải vừa học, vừa tát nước, hứng dột, phập phồng lo sợ cuồng phong có thể thổi bay ngôi trường bất cứ lúc nào… Đâu chỉ có vậy, nơi cô công tác có hơn 80% học trò đều là con em đồng bào dân tộc Khmer, Hoa, cuộc sống thiếu thốn, lại còn bất đồng về ngôn ngữ. Thế nhưng, chính tấm lòng chân thành của bà con, sự ngoan ngoãn của đám trẻ nghèo, thiếu thốn con chữ lại níu giữ chân cô ở lại, để cô cùng sẻ chia, cùng thấu cảm và dành cả cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục của nơi này.

Dù sống trong cảnh thiếu thốn nhưng thầy Trịnh Bá Ngọc (giáo viên Trường tiểu học Lê Lợi, xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) vẫn luôn tận tâm với nghề cao quý. Có lẽ hiếm có thầy giáo nào tận tay chải tóc, cắt từng cái móng tay, móng chân cho học trò như người giáo viên này. Năm nào nhận chủ nhiệm lớp là y như rằng năm ấy đồng nghiệp lại thấy thầy lặn lội đi mua tủ quần áo, giày dép trang bị cho lớp. Và rồi hàng tháng thầy lại trích tiền lương ít ỏi của mình trả góp dần cho những món đồ ấy. Đó là chưa kể việc tự tay sắm sửa thêm quần áo, sách vở, tập viết, có khi là những cái kẹp tóc… cho những học trò nghèo.

Thầy trải lòng: “Hình như đó là nghiệp duyên rồi! Hơn 26 năm trong nghề, hầu như năm nào lớp tôi cũng có rất nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đứa phải ở với ông bà vì mồ côi cha mẹ, cha mẹ ly hôn; đứa thì kinh tế gia đình còn bấp bênh, vất vả. Nhìn tụi trẻ nghèo khó, thiếu thốn tình thương của cha mẹ, phải sống tự lập từ lúc nhỏ, tôi lại thấy đâu đó bóng dáng của bản thân mình”. Tâm huyết, đức hy sinh của thầy Ngọc đã được đền đáp thật xứng đáng khi trong mắt bao thế hệ học trò và người dân nơi đây, thầy không chỉ là thầy, mà còn là một người cha, một chỗ dựa tinh thần vững chắc. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao mà hiếm ai có được như thầy!

Tấm lòng cao cả, đức hy sinh của những “kỹ sư tâm hồn” ấy thật đáng ngưỡng mộ! Họ âm thầm góp phần kiến tạo nên những con người mới, những thế hệ kế thừa xứng đáng sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc theo đúng di nguyện của Bác Hồ.

Kim Trúc

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.