Giáo dục - Học Đường

Nhà vệ sinh trường học: Nỗi ám ảnh bao giờ dứt?

Thứ Hai, 07/10/2019 | 16:41

Nhà vệ sinh mà không đảm bảo vệ sinh, học sinh nhịn đi vệ sinh vì không muốn bước chân vào nơi bốc mùi, nhiều “sự cố” đã xảy ra khi các cháu cố nhịn mà nhịn không nổi… Đó là những nỗi ám ảnh triền miên mang tên: nhà vệ sinh trường học!

Đầu tư nhà vệ sinh trường học sạch, đẹp vừa đảm bảo điều kiện sức khỏe cho học sinh, vừa góp phần xây dựng hình ảnh “nhà trường thân thiện, học sinh tích cực”. Ảnh minh họa: Internet

Xoay quanh nỗi ám ảnh này, có rất nhiều “bi kịch” đã xảy ra khiến các phụ huynh phải chạy tất tả bỏ công ăn việc làm dang dở để lo cho con mình. Lo âu lớn hơn cả là nguy cơ về sức khỏe khi học sinh phải nín nhịn đi vệ sinh thường xuyên. Các bậc phụ huynh sẵn sàng hỗ trợ nhà trường trong việc khắc phục tình hình nhà vệ sinh. Nhưng tại sao nó vẫn là nỗi ám ảnh?

“Bi kịch” của việc “nhịn”

Ám ảnh tôi mấy ngày liền là hình ảnh đứa trẻ lớp 1 đứng trong nhà vệ sinh cầm chiếc quần mếu máo, tay chân cháu nhầy nhụa, mùi hôi nồng nặc cả dãy phòng vệ sinh ở một trường học (xin không nêu tên trường). Thằng bé nhà tôi gọi điện thoại báo rằng cháu không thể đi vệ sinh được vì cầu vệ sinh quá hôi và khi tôi mục sở thị mới thấy được tình cảnh của cậu bé ấy. Việc đi ra quần như thế không phải là trường hợp hiếm. Các cháu còn nhỏ chưa ý thức được việc phải kêu cô giáo mỗi khi có nhu cầu là một lẽ, nhưng còn nguyên nhân thường gặp nhất vẫn là việc nín nhịn, không chịu đi vệ sinh vì nhà vệ sinh “nặng mùi”, tới khi nhịn không nổi thì việc gì tới phải tới!

Chị N.M (có con học tại một trường học bán trú ở TP. Bạc Liêu) chia sẻ không dưới hai lần chị phải chạy vào trường để giải quyết hậu quả cho con mình vì cháu nhịn không nổi và đi ra quần. Nhà vệ sinh trường học đầy mùi hôi nên các cháu thà nhịn chứ không đi. Chị N.M chọn giải pháp luôn để sẵn bộ quần áo trong cặp học của con và nhờ các cô lao công ở trường để giúp chị khắc phục hậu quả trong thời gian chị “phi nước đại” đến trường học giúp con.

Phụ huynh khi đưa con đến trường xong thì lo trăm công ngàn việc của mình. Thế nhưng, chỉ cần nhận cuốc điện thoại báo tình trạng khẩn cấp ấy thì dù bận cấp mấy cũng bỏ mà phóng nhanh đến trường. Bi kịch của việc nhịn đâu chỉ làm khó cô giáo hay phụ huynh, mà còn gây nguy hại sức khỏe của chính các cháu.

Khuyến cáo của các nghiên cứu khoa học về sức khỏe cảnh báo: Không bao giờ nên nhịn tiểu dù bận rộn đến đâu đi nữa, bởi nó có thể để lại nhiều hệ lụy không tốt cho sức khỏe như nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi thận, suy thận... Còn nhịn đại tiện có thể dẫn đến tử vong, tăng nguy cơ mắc ung thư đường ruột, bị sa trực tràng. Chất thải không được đào thải đồng nghĩa với các độc tố trong cơ thể bị giữ lại, thậm chí là bị hấp thụ vào cơ thể, khiến người bệnh mệt mỏi, suy nhược, miễn dịch kém. Đây cũng là nguyên nhân chính gây ra bệnh trĩ và ung thư đường ruột ở những người cố nhịn đại tiện. Đó là những nguy cơ vô cùng nghiêm trọng đối với việc nhịn tiểu, đại tiện.

Nhịn đi vệ sinh sẽ dẫn đến những nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người. Thế nhưng, đó lại là “giải pháp” của đa số các em học sinh ở rất nhiều trường học. Các cháu nhất định chọn cách… nhịn, thay vì phải đi vệ sinh nơi tình hình bị ô nhiễm trầm trọng. Một phụ huynh tên B.T (TP. Bạc Liêu) chia sẻ: “Hồi con tôi học tiểu học, họp hội phụ huynh đã có đem vấn đề này ra bàn nhiều lần, nhưng vẫn không khắc phục được. Đến năm lớp 5, thằng bé vẫn nín đến về nhà mới đi. Hình như các trường đều có người quét dọn vệ sinh, nhưng không hiểu vì sao lại cứ để tình trạng mất vệ sinh như thế. Tôi nghĩ phụ huynh phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa”.

Đầu tư  “công trình” nhà vệ sinh trường học: Không hề khó!

Nhà vệ sinh trường học, đó là  công trình phụ rất cấp thiết bên cạnh phòng học, phòng chức năng nên không thể không quan tâm. Những địa điểm công cộng như siêu thị, khu du lịch hàng ngày đón cả trăm hoặc ngàn lượt khách, thế mà nhiều nhà vệ sinh rất thơm tho, sạch sẽ. Đó là vì họ thật sự quan tâm đến “công trình” thể hiện trình độ văn minh của mình. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở những nơi đó có hẳn một ê-kíp chỉ chuyên trực vệ sinh, cứ khoảng 5 - 10 phút họ lại làm nhiệm vụ, cho nên không tìm thấy mùi hôi hay vết tích nào để lại. Chính môi trường sạch sẽ đó cũng khiến những người thụ hưởng phải biết tự gìn giữ vệ sinh.

Đây là vấn đề được cấp lãnh đạo Trung ương xem là vấn nạn! Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo trong một hội nghị trực tuyến: “Trong mùa hè này (năm 2018 - PV) phải giải quyết dứt điểm vấn nạn nhà vệ sinh trường học hôi thối kéo dài nhiều thập kỷ qua”. Cũng đã có những mô hình điểm rất đáng học tập (như mô hình “nhà vệ sinh cho em” ở một số trường học tại tỉnh Quãng Ngãi). Còn phụ huynh thì sẵn sàng đóng góp ủng hộ nhà trường trong việc đầu tư công trình phụ giải quyết chuyện chính yếu này… Thế thì, đầu tư cho các công trình nhà vệ sinh xanh - sạch - đẹp, thuê mướn đội ngũ nhân viên chuyên trực vệ sinh tại các trường học, thiết nghĩ không hề khó! Quan trọng là các trường phải thấy được tầm quan trọng của công trình phụ này. Những nhân viên phụ trách việc vệ sinh phải làm việc bằng cái “tâm”, bằng trách nhiệm đối với sức khỏe con em chúng ta chứ không làm kiểu qua loa, sơ sài.

Chúng tôi nhận thấy ở hầu hết các trường đều có quỹ phụ huynh từ cấp trường đến cấp lớp. Chúng ta lo cho con em mình chu đáo về mọi mặt như lớp học thì phải lát gạch sạch đẹp, phải gắn máy điều hòa, gắn quạt, trang bị tivi, máy chiếu; sân trường thì trang trí chậu hoa, trồng cây xanh, bày ghế đá, mở thư viện xanh… Vậy mà, một công trình tuy… phụ nhưng vô cùng quan trọng để các cháu giải quyết nhu cầu cấp bách, mà nếu không giải quyết thì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của các cháu; sao chúng ta có thể lơ là? Bày chuyện tế nhị này lên mặt báo là chúng tôi thiết tha mong mỏi các trường hãy bắt tay vào cuộc. Hãy chấm dứt ngay nỗi ám ảnh bấy lâu nay cứ tiếp diễn. Các cháu vừa học vừa nhịn tiểu tiện, có đứa tái xanh mày mặt chờ đến về nhà là chạy thốc vào nhà vệ sinh! Nỗi khổ này chúng tôi tin người lớn chúng ta rất thấu hiểu. 

Cẩm Thúy

Tại một phiên họp thường kỳ vào tháng 4/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hỏi trực tiếp Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ về vấn đề nhà vệ sinh trường học. Thủ tướng nêu vấn đề: “Đây là việc liên quan đến tính mạng, sức khỏe của các em, các cháu. Là việc lớn hay việc nhỏ?”.

Thủ tướng giao các cơ quan chức năng kiểm tra thực tế đã làm được bao nhiêu nhà vệ sinh cho học sinh, bao nhiêu nhà vệ sinh cho giáo viên, không thể để diễn ra tình trạng trường học to đẹp, đồ sộ mà công trình phụ thì không quan tâm.

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.