Giáo dục - Học Đường
Học bạ điện tử: Xu hướng tất yếu trong chuyển đổi số giáo dục
Trong bối cảnh chuyển đổi số (CĐS) đang diễn ra mạnh mẽ, việc Bộ GD-ĐT nghiên cứu, thí điểm triển khai học bạ điện tử (HBĐT) trên quy mô toàn quốc làm các chuyên gia, nhà giáo vô cùng phấn khởi. Bởi lẽ đây không chỉ là xu thế chung để giáo dục hòa vào dòng chảy của CĐS, mà còn giúp giáo viên giảm thời gian, công sức, thực hiện công việc nhanh, đầy đủ, chính xác hơn. Tuy nhiên, chủ trương này còn rất nhiều khó khăn khi triển khai do thiếu đồng bộ, quy định mang tính pháp lý thống nhất cả nước.
Giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin trong việc làm sổ liên lạc, sổ điểm điện tử. Ảnh: Đ.K.C
Giảm việc không tên cho giáo viên
Theo đánh giá của các chuyên gia, HBĐT chính là “tín hiệu vui”, giải pháp quan trọng để thúc đẩy việc sử dụng công nghệ thông tin và CĐS trong công tác quản lý, điều hành, hạn chế giấy tờ, sự rườm rà hồ sơ trong thủ tục hành chính trường học. Đặc biệt, trong giai đoạn triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đây còn là đòi hỏi tất yếu để nâng cao hiệu quả công việc, chất lượng giáo dục tại cơ sở, giảm việc không tên cho giáo viên và “cởi trói” họ khỏi sự ràng buộc của các thủ tục hành chính.
Ông Dư Quốc Kiệt - Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh (huyện Hòa Bình) cho rằng, HBĐT có chữ ký xác thực của cá nhân và tổ chức thẩm quyền, mang giá trị pháp lý, có thể sử dụng như học bạ giấy và trên môi trường số. Nếu HBĐT được triển khai đồng bộ, thống nhất, hiệu quả trên quy mô toàn quốc thì sẽ giảm công việc cho giáo viên, góp phần cải cách hành chính, tăng tính công khai minh bạch trong đánh giá, xếp loại học sinh; ngăn chặn những tiêu cực về làm đẹp điểm số; tạo thuận lợi trong công tác tuyển sinh cho các trường học. Cùng với đó, việc số hóa hồ sơ sổ sách còn giúp tiết kiệm những khoản mua sổ, giấy, in ấn…
Hiện nay, một số tỉnh, thành phố trong cả nước đã sớm triển khai số hóa ngành Giáo dục, đặc biệt là HBĐT. Theo đó, Sở GD-ĐT các địa phương đã ban hành quy chế quản lý, sử dụng sổ điện tử theo dõi đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh. Nhiều địa phương triển khai thực hiện HBĐT theo hình thức cuốn chiếu với từng năm học. Trong đó, việc cập nhật danh sách, sơ yếu lý lịch; thông tin học sinh nghỉ học, chuyển lớp, trường và các hoạt động giáo dục, điểm số, nhận xét, đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học sinh… được giáo viên thực hiện trên hệ thống phần mềm quản lý trường học.
Tùy vào điều kiện của từng trường, hiệu trưởng có thể tổ chức cho giáo viên thực hiện ký số trên sổ điện tử theo dõi và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh. Đương nhiên việc này phải bảo đảm tính pháp lý, kiểm soát quyền ký số của giáo viên, cũng như an toàn thông tin trong quản lý, lưu trữ và tra cứu HBĐT…
Chờ sự thống nhất, hướng dẫn cụ thể từ Bộ GD-ĐT
“Ngay khi Bộ GD-ĐT có chủ trương nghiên cứu, khuyến khích thí điểm HBĐT trên toàn quốc, Sở GD-ĐT đã gấp rút quán triệt tinh thần của chủ trương đến toàn ngành. Từ hiệu quả của phần mềm sổ liên lạc điện tử, sổ điểm, các đơn vị cũng rất thiết tha được triển khai HBĐT để cải cách thủ tục hành chính trường học, giảm việc không tên cho giáo viên, nhưng việc triển khai mới chỉ dừng lại ở việc học bạ được làm dưới dạng ứng dụng công nghệ thông tin, chứ chưa phải là HBĐT. Bởi, HBĐT phải đi liền với chữ ký số, nhưng ngành chưa làm được vì còn vướng nhiều khó khăn từ thực tế. Hướng tới, ngành đang chờ hướng dẫn của Bộ GD-ĐT…”, ông Dương Hồng Tân - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết.
Qua ghi nhận từ thực tế, hiện nay mỗi trường, mỗi tỉnh, thành phố đã áp dụng HBĐT thực hiện quản lý học sinh theo phần mềm khác nhau, việc này không quá khó khăn. Song, vấn đề vướng mắc chính là chưa có nền tảng, hệ thống phần mềm dùng chung thống nhất cho các trường nên chỉ có thể sử dụng, lưu hành và quản lý nội bộ, chưa thể kết nối với trường khác hoặc đơn vị bên ngoài. Bởi vậy, dù có ứng dụng HBĐT nhưng cuối cùng thầy cô vẫn phải in ra giấy, ký tên bằng tay và khi chuyển hồ sơ học sinh vẫn sử dụng học bạ giấy. Do đó, muốn thực hiện tốt HBĐT cần đồng bộ giữa các tỉnh, thành phố trên cả nước và có sự điều hành thống nhất từ Bộ GD-ĐT.
Đồng thuận trước chủ trương lớn của ngành trong xu thế hòa vào CĐS, giáo viên Bạc Liêu kỳ vọng Bộ GD-ĐT có thể triển khai một phần mềm dùng chung trên cả nước. Tất nhiên, phần mềm này phải tối ưu hơn so với các phần mềm riêng lẻ. Nghĩa là, đơn vị cung cấp sẽ tối ưu hóa sử dụng theo hướng thân thiện, dễ thao tác, đảm bảo phù hợp với cơ sở giáo dục, giáo viên, phụ huynh trên mọi vùng miền đất nước. Khi ấy, tính liên thông sẽ được đảm bảo, cấp dưới có thể không cần báo cáo lên cấp trên, bởi chỉ cần vào hệ thống phần mềm là cấp trên có thể nắm bắt được tình hình.
Bên cạnh việc đồng bộ, thống nhất kết nối liên thông dữ liệu thì ngành Giáo dục cũng cần quan tâm việc tập huấn, khuyến khích giáo viên sử dụng phần mềm tiện ích này trong thực hiện hồ sơ, sổ sách điện tử để tiết kiệm thời gian, công sức và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo.
Kim Trúc
- Kiểm tra, thẩm định các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao tại xã Phong Tân
- Hội thảo “Truyền thông về năng lượng tái tạo hướng đến Net Zero” mùa 2 - năm 2024
- Bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý, hộ tịch, chứng thực 2024
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri 2 huyện Hồng Dân và Phước Long
- Họp Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông - Vận tải